ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ hai, 10h50 09/10/2023

Khai mở tiềm năng dữ liệu số tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp

(KDPT) - Hiện nay, việc khai mở tiềm năng dữ liệu số nhằm mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức, hình thành năng lực tư duy dữ liệu cho các đối tượng đang triển khai chính quyền số, doanh nghiệp số; tìm giải pháp cho những vấn đề và thách thức mà các tổ chức, doanh nghiệp đang gặp phải, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số hiệu quả hơn.

Dữ liệu số quan trọng như thế nào ?

Ngày nay, mọi hoạt động đều được thực hiện thông qua các thiết bị thông minh như máy tính, điện thoại, máy tính bảng… Những công cụ đó đòi hỏi dạng dữ liệu mà chúng có thể đọc hiểu được. Các dữ liệu dạng chữ, hình ảnh, âm thanh, video… được máy tính chấp nhận gọi chung là dữ liệu số.

Số hóa dữ liệu là lời giải cho các bài toán khó mà doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay. Ảnh minh họa.

Dữ liệu số tài liệu là hình thức chuyển đổi các dữ liệu truyền thống thành những dữ liệu số mà máy có thể tính hiểu được. Việc số hóa tài liệu giúp chúng ta có thể chỉnh sửa và tái sử dụng tài liệu, linh hoạt trong việc chuyển đổi sang các dạng tài liệu số khác nhau. Tùy vào ứng dụng thực tế trong từng lĩnh vực khác nhau mà chúng ta có các khái niệm về số hóa khác nhau. Dữ liệu số là quá trình chuyển đổi các dạng tài liệu truyền thống như chữ viết tay, bản in… sang chuẩn tài liệu mà máy tính có thể nhận biết được.

Hiện nay, dữ liệu số đóng vai trò quan trọng đến cách vận hành của các doanh nghiệp. Với những đặc điểm mang nhiều lợi ích như giảm không gian lưu trữ, quản lý tài liệu vĩnh viễn. Hạn chế hư hỏng, mất mát tài liệu do các yếu tố bên ngoài như thời tiết, côn trùng, hỏa hoạn, ẩm mốc... Bên cạnh đó, dữ liệu só cũng tiết kiệm thời gian tìm kiếm bằng cách quản lý có khoa học. Thông tin được chia sẻ thuận tiện, nhanh chóng cũng như tăng cường khả năng bảo mật thông tin. Chi phí vận hành và quản lý thấp nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao. Với những ưu điểm này, đó là lí do mà các cơ quan, tổ chức đang nỗ lực nhanh chóng chuyển đổi dữ liệu, số hóa thông tin để nắm bắt được xu thế phát triển của thị trường, đưa doanh nghiệp mình vượt lên đối thủ.

Xây dựng dữ liệu là xây dựng nền tảng để phát triển xã hội

Nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng dữ liệu số. Tại tọa đàm “Khai mở tiềm năng dữ liệu số - Từ tầm nhìn đến thực thi” vừa diễn ra ngày 7/10, ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng phòng Hạ tầng và dữ liệu số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho hay, Việt Nam triển khai phát triển Chính phủ điện tử từ năm 2000. Sau 20 năm, đến năm 2020 Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn chuyển đổi số, đánh dấu với việc Chương trình chuyển đổi số quốc gia được ban hành, xác định rõ 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Ông Nguyễn Trọng Khánh - Trưởng phòng Hạ tầng và dữ liệu số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT chia sẻ tại tọa đàm dữ liệu số hôm 07/10 vừa qua. Ảnh: BTC

Qua 23 năm phát triển với nhiều thay đổi, dữ liệu số luôn là một thành phần quan trọng và cốt yếu được chú trọng xây dựng và phát triển. Trong chuyển đổi số, dữ liệu số ngày càng được nhìn nhận về vai trò rõ nét hơn, quan trọng. Điều này được thể hiện ở việc Việt Nam chọn chuyên đề chuyển đổi số năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, ngay sau năm tổng tiến công thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện về chuyển đổi số.

Điểm qua các mức độ trưởng thành của dữ liệu từ giai đoạn đầu của Chính phủ điện tử cho tới hiện nay, ông Nguyễn Trọng Khánh cho hay: “Hiện chúng ta đã chuyển từ giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hay tin học hóa sang giai đoạn chuyển đổi số. Cùng với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, nhiều công nghệ số mới ra đời, những nhìn nhận, cách tiếp cận về dữ liệu trong chuyển đổi số cũng có sự thay đổi nhất định”.

Cụ thể, các điểm thay đổi về dữ liệu khi chuyển từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số có thể kể đến như: Chuyển từ dữ liệu là phương tiện sang dữ liệu là nguyên liệu, sản phẩm, hàng hóa; chuyển từ vai trò dữ liệu là để lưu trữ, tìm kiếm sang dữ liệu làm thay đổi cách nghĩ cách làm việc, cách tạo ra giá trị; chuyển trọng tâm từ xây dựng dữ liệu sang khai thác dữ liệu; chuyển từ các cơ sở dữ liệu riêng lẻ sang đám mây dữ liệu...

Tương lai dữ liệu sẽ ngày càng được thu thập và lớn hơn

Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) – cho biết, ‘từ khóa’ công nghệ năm 2023 là ‘trí tuệ nhân tạo – AI’, với sự ra mắt của ứng dụng ChatGPT.

Theo ông Đồng, hiện nay Chính phủ đang đặc biệt quan tâm tới dữ liệu. Dữ liệu ngày càng xác lập được vị trí trong một thập kỷ qua. Kỷ nguyên chuyển đổi số chỉ mới bắt đầu, dữ liệu sẽ ngày càng được thu thập và lớn hơn. Để có kho dữ liệu tập trung, về mặt chính sách, bài toàn lớn nhất là làm thế nào để quy tụ, tập trung được dữ liệu.

Theo viện trưởng IPS, Việt Nam đang thiếu những hình mẫu giúp doanh nghiệp định hướng khai thác dữ liệu tốt hơn. “Dữ liệu đã và đang có những thay đổi rất nhanh, song phải thừa nhận rằng, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển dữ liệu”, ông Đồng nói.

Để nâng cao chuỗi giá trị dữ liệu, ông Đồng đưa ra loạt khuyến nghị về ưu tiên chính sách, gồm: Chiến lược quốc gia về dữ liệu; Xác định lại mô hình, vai trò xây dựng khai thác của Bộ/ngành và địa phương; phân loại dữ liệu; Khai thác dữ liệu và cần có danh mục dữ liệu ưu tiên…Nhìn chung, dữ liệu cần được phát triển một cách bền vưng chứ không thể chỉ trong một thời gian ngắn. Để đạt được yêu cầu đó, các doanh nghiệp cần có một bộ công cụ tích hợp, chuẩn bị dữ liệu một cách hiệu quả.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/10/2024