Khám phá hình tượng hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam
Đồng thời, thông qua trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sưu tập hiện vật, ý nghĩa của hình tượng hổ, một trong những linh vật quan trọng và góp mặt trong 12 con giáp (Thập nhị chi) trong lịch sử, văn hoá Việt Nam.
Hình tượng hổ có lịch sử lâu đời trong văn hoá Việt Nam. Các tài liệu liên quan chứng minh, hổ là đối tượng sùng bái và là vật tổ của nhiều bộ tộc từ thời tiền sử. Cách ngày nay trên 2.000 năm, hình tượng hổ bước vào mỹ thuật trên các đồ đồng Đông Sơn, với quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này.
Cùng với diễn trình lịch sử, văn hoá Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến những vật dụng, trang trí đời sống sinh hoạt thường nhật trong dân gian; tạo hình, phong cách, ứng dụng, ý nghĩa của mỗi thời đại cũng tồn tại những khác biệt. Hình tượng hổ đã đồng hành và đóng góp những nét đặc sắc với phức cảm thẩm mỹ vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” được thể hiện theo niên đại kết hợp loại hình, gồm các nội dung: Hổ trong nghệ thuật thời Đông Sơn; hổ trong nghệ thuật 10 thế kỷ đầu công nguyên; hổ trong nghệ thuật thế kỷ 10-20 đến hổ trong nghệ thuật gốm trên các thạp gốm hoa nâu thời Trần, nổi tiếng với chiếc thạp hoa nâu khắc hình 3 con hổ đuổi nhau tại Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp).
Thế kỷ 16 – 18, hổ được thể hiện rõ nét trong trong điêu khắc đình làng, trở thành một thế giới gần gũi, thân quen, không bị lệ thuộc, gò bó về tạo hình, đa dạng về thủ pháp, giản lược về hình thức; thể hiện cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống của nghệ thuật dân gian truyền thống. Những ngôi đình nổi tiếng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam như Tây Đằng, Chu Quyến, Nghiêm Xá (Hà Nội), Trùng Hạ (Ninh Bình), đình Chảy (Hà Nam), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Hùng Lô (Phú Thọ) đều có chạm khắc những đề tài có liên quan đến hổ.
Hổ trong điêu khắc đình làng thường không phải là các tác phẩm độc lập mà thường tham gia vào các hoạt cảnh như: hổ chạy theo chân Đinh Bộ Lĩnh trong cảnh mả táng hàm rồng, người cưỡi hổ (đình Chu Quyến), người cầm giáo đâm hổ (đình Tây Đằng), người đánh hổ, người và voi săn hổ (đình Chảy), hổ cày ruộng (đình Hùng Lô), người cầm súng bắn hổ (đình Hạ Hiệp)…
Đặc biệt, là hổ trong tranh dân gian Hàng Trống nổi tiếng với tranh ngũ hổ thể hiện sức mạnh, oai linh, được tôn thờ. Màu sắc trong tranh hổ Hàng Trống khá lộng lẫy uy nghi nhưng cũng không kém phần hài hòa, độc đáo. Việc dựa trên nguyên lý ngũ hành để phối màu càng giúp bức tranh có nhiều ý nghĩa. Đường nét và cách tạo hình khỏe khoắn mang tính ước lệ cao được thể hiện theo lối đơn tuyến bình đồ, không theo quy luật xa gần của thị giác, các hình khối được sắp xếp nổi bật nhưng không kém phần uyển chuyển. Kết hợp cùng các hoạ tiết như mây ngũ sắc, cờ, kiếm, tinh tú… tạo thành một tổng thể uy nghiêm, hài hoà, cân bằng theo thẩm mỹ dân gian.
Bên cạnh đó, công chúng còn có dịp tìm hiểu hổ trong mỹ thuật thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20. Đây là thời kỳ để lại nhiều di sản mỹ thuật phong phú với những hình tượng trang trí đa dạng. Trong đó, hình tượng hổ – biểu trưng cho sức mạnh được sử dụng khá phố biến, như trang trí trên các tấm bổ tử phẩm phục võ quan, trên các bức trướng, tranh thêu, trên đồ gỗ chạm khảm, đồ ngọc, đồ pháp lam, bình phong trong các di tích đền, miếu…
Hình tượng hổ dưới thời Nguyễn được thể hiện đa sắc, đa dạng, từ cung đình cho đến dân gian, từ các biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng đến đời sống sinh hoạt thường nhật, góp những nét đặc sắc vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Trưng bày “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” mở cửa đến hết tháng 8/2022.
HOA QUỲNH
Theo link gốc: https://congthuong.vn/kham-pha-hinh-tuong-ho-trong-my-thuat-co-viet-nam-171098.html