Khu công nghiệp hay điểm du lịch?

Dẫn lối vào Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là hai hàng cây xanh mát, phía bên trong được thiết kế giống như một khu du lịch xanh với công viên, ao cá, bể bơi, quán cà phê, vườn phong cách Nhật Bản, vườn hạnh phúc, vườn Hà Lan… Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn thích thú chọn nơi đây là điểm check in với rất nhiều khung cảnh lãng mạn.

Lối vào Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền với cây xanh mát. Ảnh: Shinec

Được biết, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền có diện tích quy hoạch 263 héc ta, nằm trên địa bàn bốn xã thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, cách trung tâm thành phố chừng 12km.

Tòa văn phòng xanh của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Ảnh: Shinec

Thật bất ngờ khi có trên 40% diện tích đất được xây dựng làm công viên, cây xanh, đất công cộng, hạ tầng cơ sở tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền - vượt 15% theo tiêu chí xác định một khu công nghiệp sinh thái trong Điều 42, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Nhiều loại hoa được sưu tầm để trồng tại khu công nghiệp. Ảnh: Nam Phong

Đến nay, 100% nước thải, khí thải, bụi, chất thải của các nhà máy trong khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được xử lý và đo đếm bằng hệ thống điện tử, quan trắc tự động, giám sát 24/24h... đảm bảo hệ sinh thái xanh, sạch 100%.

Để thực hiện đa dạng hóa sinh học, hướng tới hình thành một công viên bách thảo, khu vườn hoa với hàng nghìn giò hoa lan, hàng trăm giống cây, hoa được sưu tầm để trồng tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

Vườn lan. Ảnh: Nam Phong

Hệ thống cây xanh tại khu công nghiệp này được chia thành nhiều tầng, lớp. Các hàng cây cao để cách ly tiếng ồn và bụi từ xung quanh với phi lao, bạch đàn, long não… Các cây tạo cảnh quan có chà là, đa, tre, gạo, phong linh, phượng hoàng lửa, hoa ban, huỳnh liên, phượng đỏ… Hàng trăm cây ăn quả với đủ các giống như xoài, đu đủ, bưởi, nhãn, hồng xiêm, chuối… cũng được trồng thành từng khu vực.

40% diện tích đất được xây dựng làm công viên, cây xanh, đất công cộng, hạ tầng cơ sở tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Ảnh: Shinec

Hình thành chuỗi sản xuất tuần hoàn tại khu công nghiệp được xem là một tiêu chí quan trọng nhưng rất khó thực hiện của khu công nghiệp sinh thái. Theo Nghị định 82, khu công nghiệp sinh thái phải thực hiện ít nhất một liên kết cộng sinh. Trong khi đó, ở Nam Cầu Kiền hiện nay đã có ba liên kết, đó là: chuỗi cộng sinh tuần hoàn ngành thép với 16 doanh nghiệp tham gia; chuỗi cộng sinh ngành nhựa với 8 đơn vị tham gia; và chuỗi cộng sinh ngành phụ trợ có 20 doanh nghiệp tham gia.

Nam Cầu Kiền đang chuẩn bị cho vòng tuần hoàn thứ tư liên quan đến năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu trung hòa carbon toàn khu vào năm 2024. Hiện Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã có hơn 80 nhà đầu tư đồng hành, với 7 quốc tịch, trong đó có những “ông lớn” đứng thứ 16 trên thế giới, chuyên sản xuất chíp điện tử.

“Kinh doanh trên đất trả lại cho đất”

Đầu tư khu công nghiệp sinh thái, chi phí sẽ tăng lên khoảng 30% so với các khu công nghiệp thông thường, theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Để chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, con đường của Nam Cầu Kiền phải đi là rất vất vả, không hề đơn giản.

Với định hướng phát triển trong môi trường bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, từ lúc khởi đầu, Công ty cổ phần Shinec đã lấy châm ngôn “kinh doanh trên đất trả lại cho đất” làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Ảnh: Shinec

Nam Cầu Kiền hiện hoàn thành cơ bản các tiêu chí của một khu công nghiệp sinh thái do chính người Việt đầu tư, phù hợp với thời đại, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của Chính phủ. Để làm được điều đó, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã xây dựng mạng lưới cộng đồng kết nối các doanh nghiệp từ lãnh đạo đến cán bộ chuyên môn.

Tất cả các nhà đầu tư trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đều nhận thức rõ tầm quan trọng và đưa việc bảo vệ môi trường phát triển bền vững và chiến lược kinh doanh của mình. Tư tưởng bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế dần hình thành trong tập quán sản xuất của từng nhà đầu tư. Đồng thời biến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thành một lợi thế của các nhà đầu tư trong khu công nghiệp khi thương hiệu và sản phẩm đầu ra mang theo giá trị cốt lõi của khu công nghiệp sinh thái.

Khát vọng xanh của doanh nhân Sao Đỏ và KCN sinh thái Nam Cầu Kiền
Bể lắng trong khu tổ hợp xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Ảnh: Nam Phong

Chủ tịch Shinec nói, các chủ đầu tư thường e ngại định dạng khu công nghiệp theo hướng sinh thái bởi không ai muốn tăng quy hoạch diện tích trên 25% đất cho cây xanh, cảnh quan. Shinec đang chứng minh điều ngược lại ở Nam Cầu Kiền, khu công nghiệp sinh thái đang giống như một thỏi nam châm thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khó tính.

Thị trường nhập khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài đều yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường, giảm sử dụng tài nguyên. Vì vậy, Shinec tham gia hỗ trợ nhà đầu tư trong khu đạt chứng chỉ xanh, một loại giấy thông hành về phát triển bền vững.

Khát vọng xanh của doanh nhân Sao Đỏ và KCN sinh thái Nam Cầu Kiền
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec Phạm Hồng Điệp muốn truyền cảm hứng về đầu tư phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: Shinec

Cũng phải nói thêm về Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền - doanh nhân Phạm Hồng Điệp từ lâu được biết đến bởi những sáng tạo và đóng góp không ngừng nghỉ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Phạm Hồng Điệp được nhận giải thưởng Doanh nhân Sao Đỏ năm 2003, được tặng 7 giải thưởng toàn quốc về môi trường, nhận 2 Kỷ lục Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng...

Chủ tịch Shinec Phạm Hồng Điệp cũng là doanh nhân trẻ đầu tiên của Việt Nam đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt về chủ đề xây dựng khu dân cư xanh trong lĩnh vực môi trường. Đồng thời, doanh nhân Phạm Hồng Điệp được Liên đoàn các nhà sáng tạo Thế giới trao tặng đĩa vàng sáng tạo và huy hiệu thành viên của Liên đoàn vì những sáng tạo và đóng góp không ngừng nghỉ của mình trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Khát vọng xanh của doanh nhân Sao Đỏ và KCN sinh thái Nam Cầu Kiền
Một góc vườn Nhật tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Ảnh: Shinec

Thích kinh doanh nhưng đồng thời cũng rất yêu thiên nhiên, doanh nhân Phạm Hồng Điệp luôn đau đáu xây dựng một nền công nghiệp xanh, công nghiệp bền vững gắn với việc bảo vệ môi trường. Ông đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là Singgapore và Nhật Bản - những nước được coi là có những mô hình khu công nghiệp sinh thái với hình thức kinh tế tuần hoàn chuẩn mực.

“Chúng tôi cùng chung tay xây dựng công khu công nghiệp sinh thái theo đúng nghĩa tại Nam Cầu Kiền, đem niềm tự hào này từ Hải Phòng để truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong cả nước có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường. Từ đó tạo ra nhiều hệ sinh thái, nhiều tầng sinh thái cộng sinh đem lại niềm hạnh phúc cho mọi người” - thành công của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, có thể nói là bởi bắt đầu từ mong muốn đó của doanh nhân Phạm Hồng Điệp.

Khu công nghiệp sinh thái là xu hướng tất yếu

Theo thống kê hiện nay Việt Nam có gần 400 khu công nghiệp và khu kinh tế, thu hút tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 12 tỷ USD, chiếm khoảng 80-90% các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển công nghiệp một cách nhanh chóng cũng đã gây ra những ảnh hưởng, tác động nhất định đến môi trường. Và việc chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái được coi là xu hướng tất yếu.

Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế (KCN, KKT) là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, KKT, cho từng địa phương và cả nền kinh tế.

Nam Cầu Kiền đã chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái, tạo mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp, tạo giá trị cho người dân địa phương, có thể coi là hình mẫu lý tưởng cần được lan tỏa, nhân rộng, góp phần phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.