Khối ngoại tích cực thoái vốn tại Vinasun
Cổ tức chia đều khối ngoại vẫn “chia tay”
Trong ngày 14/5 vừa qua, cổ phiếu VNS của Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (HoSE: VNS, Vinasun) đã có phiên giao dịch khủng trên thị trường khi khớp lệnh hơn 2,7 triệu đơn vị, cao gấp 28 lần khối lượng trung bình giao dịch của cổ phiếu công ty này trong 3 tháng vừa qua. Tuy nhiên, mức giá chốt phiên giao dịch này diễn ra lại giảm sàn 6,67%, đạt 13.100 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, có một điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch này là khối lượng cổ phiếu VNS được bán ra thì có đến hơn 2 triệu đơn vị là của khối ngoại, trong khi khối lượng mua vào chỉ đạt 25.200 đơn vị. Có thể thấy, đa phần số lượng cổ phiếu do khối ngoại “xả hàng” đã được các nhà đầu tư trong nước mua vào.
Theo những thông tin được VNS công bố, trước đó vào ngày 9/5, Tael Two Partners đăng ký bán ra 3 triệu cổ phiếu VNS với hình thức thỏa thuận khớp lệnh từ ngày 14/5 đến ngày 13/6. Ngoài ra từ ngày 11/4 đến ngày 9/5 khối ngoại này cũng đã bán xong 1 triệu cổ phiếu VNS ra thị trường.
Hiện Tael Two Partners đang nắm giữ hơn 11,28 triệu cổ phiếu VNS, tương ứng với tỷ lệ sở hữu tại công ty này là 16,63%. Tuy nhiên, theo dõi tình hình trên thị trường trong phiên 14/5 vừa qua có thể thấy giao dịch bán ra từ phía quỹ Tael Two Partners được thực hiện theo đăng ký trước đó.
Theo lịch sử giao dịch cổ phiếu VNS, từ tháng 10/2023 đến nay quỹ ngoại này đã tích cực thoái vốn khỏi hãng taxi Vinasun. Tuy nhiên, Tael Two Partners đã có 3 lần liên tiếp không bán được cổ phiếu nào vì tính thanh khoản của thị trường thấp.
Trước đó từ năm 2013, Tael Two Partners đã bắt đầu rót vốn vào Vinasun sau khi mua 3 triệu cổ phiếu VNS trong đợt phát hành riêng lẻ với giá 45.000 đồng/cổ phiếu, như vậy, quỹ này đã chi 135 tỷ đồng để sowar hữu số cổ phiếu trên.
Sau đó, Tael Two Partners đã liên tục nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinasun lên thông qua việc mua cổ phiếu VNS. Dù thời điểm sau này, giá của VNS đã giảm khá mạnh so với mức trước đây Tael Two Partners nhưng quỹ ngoại này đã thu về lượng cổ tức ổn định từ hãng taxi này.
Từ năm 2008 đến nay, Vinasun đã có thông lệ chỉ cần kinh doanh có lãi sẽ tiến hành chia lợi nhuận cho cổ đông với tỷ lệ từ 8-45%. Ngày 28/5 sắp tới, hãng taxi này cũng tiếp tục tiến hành tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ dự kiến là 15%, tương đương với việc mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1.500 đồng.
Phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch
Thời điểm xảy ra dịch bệnh Vinasun là một trong nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hãng taxi này chủ yếu hoạt động tại phía Nam trên địa bàn các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, nhưng trong 2 năm xảy ra dịch bệnh với những đợt giãn cách gần như đã khiến cho hoạt động của Vinasun bị đóng băng vì không có khách, lượng người di chuyển ra ngoài hạn chế.
Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động kể từ năm 2008, Vinasun đã có 2 năm kinh doanh thua lỗ liên tiếp dưới giá vốn nhưng vẫn phải gánh những chi phí cố định. Cụ thể, năm 2020, Vinasun lỗ sau thuế hơn 210 tỷ đồng và năm 2021 tỷ lệ lỗ sau thuế hơn 277 tỷ đồng. Những khoản lỗ này khiến cho Vinasun phải chịu khoản lỗ hơn một nửa lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận tại báo cáo tài chính năm 2019 (gần 650 tỷ đồng).
Tuy nhiên, sau giai đoạn 2020-2021, khi tình hình ổn định trở lại, Vinasun nhanh chóng phục hồi lại hoạt động kinh doanh, thậm chí, còn phát triển mạnh hơn cả thời kỳ trước dịch. Năm 2022, doanh thu thuần của hãng taxi ghi nhận tăng gấp đôi với hơn 1.089 tỷ đồng.
Tình trạng kinh doanh dưới giá vốn không còn xuất hiện từ thời điểm này. Năm 2022, Vinasun báo lãi sau thuế đạt hơn 185 tỷ đồng, vượt qua cả mốc trước đại dịch năm 2018 là 89 tỷ đồng và năm 2019 là 108,7 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Vinasun cho biết, trong năm 2022 doanh nghiệp đã nỗ lực thay đổi, áp dụng các chính sách mà doanh nghiệp thực thi mới kết quả đạt được đã huy động nhân viên lái xe quay lại làm việc, 100% xe được đưa vào hoạt động, không còn tình trạng xe nằm bãi chất đống và các chi phí cũng đã được giảm một cách hợp lý.
Trong năm 2022, hãng còn đầu tư mua mới thêm 550 xe đưa vào hoạt động kinh doanh. Bước sang năm 2023, doanh thu thuần của hãng vẫn duy trì tăng trưởng ổn định tăng 11,9% so với năm 2022, ghi nhận đạt hơn 1.218 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do các chi phí không còn được tiết giảm mạnh nên lợi nhuận có phần sụt giảm nhưng vẫn là cao hơn so với những năm trước. Vinasun cho biết trong năm 2023 công ty này đã quan tâm, hỗ trợ thêm những chính sách mới cho nhân viên lái xe và đối tác nên kết quả doanh thu không đạt cao như kỳ vọng.
Lãnh đạo kỳ cựu rời vị trí đứng đầu sau nhiều năm gắn bó
Thời gian qua, một trong những thông tin liên quan đến Vinasun được nhiều người quan tâm là việc ông Đặng Phước Thành rời ghế Chủ tịch HĐQT sau 23 năm luôn giữ vị trí quản lý đứng đầu. Theo đó, năm 2000 ông Thành được bổ nhiệm vào vị trí này và đã liên tục nhận được sự tin tưởng để nắm giữ đến tận cuối năm 2023. Vị cựu chủ tịch và gia đình hiện vẫn đang nắm giữ khoảng 28,5 triệu cổ phiếu VNS, tương ứng tỷ lệ sở hữu 41,96% vốn Vinasun.
Sau khi ông Thành từ chức, vị trí này được ông Tạ Long Hỷ - cựu tổng giám đốc Vinasun thay thế. Còn vị trí của ông Tạ Long Hỷ được con trai của ông Đặng Phước Thành là ông Đặng Thành Duy tiếp quản.
Ông Đặng Thành Duy sinh năm 1984 tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị kinh doanh, thạc sỹ kinh tế chính trị. Từ tháng 9/2012 ông đã được bổ nhiệm giữ chức phó tổng giám đốc trước khi trở thành tân tổng giám đốc Vinasun./.
- PV GAS triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP - giai đoạn 1
- Doanh nghiệp nỗ lực định hướng chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững
- Doanh nghiệp càng nhỏ, mức độ khó khăn càng lớn