ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 10h54 16/05/2024

Doanh nghiệp nỗ lực định hướng chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững

(KDPT) - "Xanh hóa" năng lượng là xu thế bắt buộc hiện nay tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó đặt mục tiêu giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính, cũng như xác định tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 70% trong kế hoạch phát triển năng lượng vào năm 2050.

Chuyển dịch năng lượng xanh trên toàn lĩnh vực

Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào, điển hình như điện mặt trời, điện gió ngoài khơi… Cùng với đó, nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng này tăng cao, đến từ những nhà đầu tư và chính phủ vì mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thị trường tự do hóa tại Việt Nam mở ra cơ hội cho các nguồn đầu tư nước ngoài, một số dự án liên quan đến việc khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo đang được tiến hành.

Tại hội thảo Định hướng chuyển dịch năng lượng bền vững và thực tiễn triển khai cho doanh nghiệp sản xuất” được tổ chức bởi FPT Digital phối hợp cùng Tiểu ban phát triển xanh, EuroCham Việt Nam và SP Group Việt Nam chiều ngày 15/5, Giám đốc Tư vấn FPT Digital Lê Vũ Minh cho biết hoạt động sản xuất công nghiệp tại Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng hóa thạch, do đó khi nhu cầu năng lượngg tăng sẽ kéo theo lượng phát thải khí nhà kính tăng lên đáng kể. Do đó, để đạt được mục tiêu cam kết theo COP26, việc chuyển dịch năng lượng xanh trên toàn diện các lĩnh vực, đặc biệt khối doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, là yêu cầu bắt buộc.

Ông Lê Vũ Minh - Giám đốc Tư vấn FPT Digital chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: VA)
Ông Lê Vũ Minh - Giám đốc Tư vấn FPT Digital chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: VA)

Ông Minh cũng chỉ rõ: Năng lượng xanh sẽ giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu kép, vừa nâng tầm năng lực cạnh tranh đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn của các bên liên quan đối với doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu. Điều này càng trở nên thuận lợi hơn trong bối cảnh chi phí vận hành, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió…trong những năm gần đây đang có xu hướng ngày một rẻ hơn.

Ngoài ra, việc đầu tư vào hệ thống năng lượng tái tạo cũng được hỗ trợ bởi các chính sách khuyến khích từ phía chính phủ, bao gồm các gói tài trợ, thuế và ưu đãi khác, giúp giảm tổng chi phí đầu tư ban đầu. Trong dài hạn, doanh nghiệp áp dụng năng lượng xanh sẽ được nhà đầu tư đánh giá cao hơn do tiềm năng tạo ra lợi nhuận bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Bên cạnh đó, thương hiệu doanh nghiệp sẽ tạo ấn tượng tốt hơnvới các bên từ nhân sự tới khách hàng, nhà cung cấp, đối tác…, khi họ đáp ứng ngày các tốt các yêu cầu về mội trường và xã hội.

Việc tự sản xuất năng lượng xanh như điện mặt trời, điện gió, hoặc năng lượng sinh học có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng lại đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu lớn và kiến thức kỹ thuật phức tạp.

Vượt qua những rào cản

Bên cạnh những cơ hội và tiềm năng phát triển, theo ông Stuart Livesey, Phó chủ tịch Tiểu ban tăng trưởng xanh, EuroCham Việt Nam cũng chỉ ra một số rào cản trong việc chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Ông Stuart Livesey, Đồng chủ tịch Tiểu ban tăng trưởng xanh, EuroCham Việt Nam. (Ảnh: VA)
Ông Stuart Livesey, Đồng chủ tịch Tiểu ban tăng trưởng xanh, EuroCham Việt Nam. (Ảnh: VA)

Trước hết, sự không đồng đều trong phát triển hạ tầng lưới điện có thể hạn chế khả năng tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống mạng lưới, đặc biệt ở những khu vực xa trung tâm. Thứ hai, thị trường năng lượng ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình bắt đầu chuyển đổi, do đó cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo từ phía doanh nghiệp cũng như thu hút các nhà đầu tư ngành năng lượng sạch.

Chuyển đổi số sẽ  giúp  kiểm soát nhu cầu năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng thông minh. (Ảnh minh họa).
Chuyển đổi số sẽ  giúp  kiểm soát nhu cầu năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng thông minh. (Ảnh minh họa).

Từ đó, với vai trò là một nhà đầu tư, ông Stuart Livesey kỳ vọng chính phủ Việt Nam cung cấp lộ trình tiếp cận thị trường chi tiết. Các chính sách cần được hình thành và hoàn thiện một cách rõ ràng, minh bạch, đồng thời phải đảm bảo tính ổn định để triển khai các dự án quy mô lớn.

Đại diện FPT Digital đưa  ra một số khuyến nghị với các doanh nghiệp sản xuất cần tích hợp chuyển đổi năng lượng cùng chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số sẽ  giúp  kiểm soát nhu cầu năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng thông minh, hiệu quả, chính xác trên toàn bộ chuỗi giá trị doanh nghiệp. Đây đều là các hướng chuyển đổi mang tính chiến lược của doanh nghiệp. Nếu kết hợp một cách đồng bộ, toàn diện sẽ tạo nên chiến lược chuyển đổi kép, giúp doanh nghiệp tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng biệt và hướng tới phát triển bền vững.

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, ở những ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép, chi phí năng lượng chiếm đến 50-55% giá trị thành phẩm. Việc sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả dẫn tới chi phí sản xuất cao, tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế thấp. Do đó, chuyển đổi năng lượng xanh là một yêu cầu bắt buộc để giải quyết thực trạng trên, đồng thời khắc phục biến đổi khí hậu, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch cho doanh nghiệp sản xuất.

Xây dựng chiến lược năng lượng bền vững là tiền đề giúp doanh nghiệp sản xuất định hướng phát triển phù hợp với nguồn lực của mình. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đang dần hình thành bức tranh tổng quan về chuyển dịch năng lượng, điển hình như Hòa Phát, Vinamilk, Duy Tân…

Đi sau trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, Việt Nam có cơ hội kế thừa và tận dụng những giải pháp công nghệ đã được kiểm chứng, ứng dụng trong các mô hình quy mô lớn trên thế giới, từ đó giảm thiểu tối đa rủi ro và tăng khả năng tối ưu trong lộ trình chuyển dịch năng lượng.

Việc tự sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng xanh như điện mặt trời, điện gió hay năng lượng sinh học có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, tuy nhiên lại đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu lớn và kiến thức, kỹ thuật phức tạp.

Tại hội thảo, ông Trần Quốc Hải, Giám đốc Giải pháp năng lượng bền vững, SP Group Vietnam đề xuất giải pháp: “Bên cạnh việc tự đầu tư hệ thống sản xuất năng lượng xanh, doanh nghiệp Việt Nam còn có thể mua lại năng lượng từ các bên cung ứng khác như SP Group, tùy theo nhu cầu, mục tiêu kinh doanh và điều kiện cụ thể. Bên cạnh việc linh hoạt và nhanh chóng hơn, lựa chọn này còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực đầu tư”.

“Xanh hóa” năng lượng đang trở thành xu thế toàn cầu, do đó, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần nhận thức rõ thách thức để giảm thiểu tối đa các rủi ro trong lộ trình chuyển dịch năng lượng, đồng thời nắm bắt các cơ hội để phát triển kinh tế bền vững, góp phần thúc đẩy cam kết “Đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” của Việt Nam.

Năm 2024, FPT tiếp tục là đối tác đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp trong chuyển đổi kép Số và Xanh, xây dựng chiến lược, lộ trình và triển khai chuyển đổi đạt hiệu quả toàn diện hướng tới phát triển bền vững. Đây là nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh phát triển bền vững, trong bối cảnh toàn thế giới đang bước vào cuộc đua Net Zero vào năm 2050 và chính phủ Việt Nam đang có những cam kết rất mạnh mẽ để đóng góp vào quá trình này./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024