ISSN-2815-5823
Nguyễn Ngọc Huyền
Thứ bảy, 06h21 20/04/2024

Kiến nghị cho phép hoạt động đòi nợ chuyên nghiệp nhằm giảm nguy cơ nợ xấu

Cover image
(KDPT) - Nợ xấu tăng cao là do khó khăn trong công tác thu hồi nợ. Ngân hàng, công ty tài chính kiến nghị cho phép dịch vụ thu hồi nợ nhằm giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy thị trường tín dụng phát triển.

Nợ xấu tăng gần 18%

Ông Nguyễn Hồng Quân - Thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng, Phó tổng Giám đốc TP Bank cho biết, tín dụng trong các tháng đầu năm 2024 tăng trưởng thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Tín dụng tiêu dùng vốn là động lực giúp tăng trưởng tín dụng nhưng lại thu hẹp dư nợ. 

Nguyên nhân lớn là do hoạt động thu hồi nợ khó khăn, nhiều người vay không có ý thức trả nợ hoặc cố tình không trả nợ; Chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ thu nợ; Nhất là không có hành lang pháp lý cho hoạt động này dẫn tới việc ngân hàng, công ty tài chính không có công cụ thu hồi nợ.

Các ngân hàng, công ty tài chính không có công cụ hợp pháp để thu hồi nợ
Các ngân hàng, công ty tài chính không có công cụ hợp pháp để thu hồi nợ

Bên cạnh đó, việc nợ xấu tăng cao khiến các ngân hàng phải trích lập dự phòng lớn trong giai đoạn nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, thì buộc phải thu hẹp kế hoạch tăng trưởng.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính Tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng) - Tổng giám đốc Công ty Tài chính Mcredit - Ông Lê Quốc Ninh dẫn số liệu và cho hay, tính đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt khoảng 138,8 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ xấu chiếm 18% nợ xấu cho vay tiêu dùng trên toàn hệ thống.

Điều này khiến các công ty tài chính rơi vào khó khăn, thậm chí thua lỗ vì phải trích phòng rủi ro nợ xấu quá cao…

Trong khi, hoạt động thu nợ, nhất là nợ tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn còn rất khó khăn.

Nguyên nhân thứ nhất là sự khó khăn của nền kinh tế làm ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng trả nợ của nhóm khách hàng mục tiêu của các công ty tài chính tiêu dùng, phần lớn là người có thu nhập thấp, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của tình hình kinh tế, xã hội.

Hai là tình trạng khó thu hồi nợ vì những khoản vay phát sinh từ lừa đảo, giả mạo kéo theo khó khăn trong việc xử lý khoản vay.

Thứ ba là khách hàng cố tình, chây ì trả nợ. Ông Ninh cho rằng, hiện nay đã xuất hiện xu hướng “bùng nợ có chủ đích”. Cụ thể, trên các trang mạng xã hội ngày càng “mọc” ra nhiều hội nhóm chia sẻ kiến thức trốn tránh trả tiền vay từ các trang web, ứng dụng cho vay trực tuyến.

Có thể kể đến một số thủ đoạn như: Cung cấp thông tin sai về địa chỉ, số điện thoại, email của nơi làm việc; Thay đổi thông tin liên hệ, nơi cư trú, nơi làm việc sau giải ngân. 

Ngoài ra, vì không phân biệt rõ hoạt động cho vay tiêu dùng và thu hồi nợ hợp pháp với hoạt động cho vay, thu hồi nợ trái phép nên mỗi khi truyền thông đưa tin về việc cơ quan chức năng liên tục triệt phá những đường dây đòi nợ trái phép dẫn tới khách hàng có xu hướng chây ỳ, chống đối, đe dọa, hành hung cán bộ thu hồi nợ. 

Home Credit Việt Nam công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, cho thấy lợi nhuận sau thuế năm 2023 của công ty này là 375 tỷ đồng - cao nhất ngành tài chính tiêu dùng, nhưng thấp hơn nhiều so với lợi nhuận ròng 1.100 tỷ đồng năm 2022. 

Home Credit Việt Nam là công ty có lợi nhuận sau thuế cao nhất ngành tài chính tiêu dùng
Home Credit Việt Nam là công ty có lợi nhuận sau thuế cao nhất ngành tài chính tiêu dùng

Sau 5 năm liên tiếp lỗ do những rủi ro tín dụng, thị trường, nhất là sức hấp thụ vốn yếu, thì từ quý IV/2023 FE Credit mới bắt đầu có lãi trở lại. 

Trong khi tình hình một số công ty tài chính khác vẫn còn khó khăn vì kinh doanh rất thận trọng trong bối cảnh thị trường còn nhiều rủi ro. Đơn cử như Mirae Asset lỗ 963 tỷ đồng trong năm 2023, sau lãi 120 tỷ đồng trong năm 2022; Shinhan Finance báo lỗ hơn 460 tỷ đồng sau khi mua lại công ty tài chính Prudential, Mcredit giảm lãi 70%...

Đối với hoạt động thu hồi nợ, tính đến cuối tháng 2/2024 ghi nhận dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khoảng 138,8 nghìn tỷ đồng, dư nợ xấu chiếm gần 18% nợ xấu cho vay tiêu dùng trên toàn hệ thống… 

Phải tổ chức hoạt động thu hồi nợ chuyên nghiệp

Theo đại diện các tổ chức tín dụng, Luật Đầu tư 2020 hiện nay đã cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong khi đây là nhu cầu thiết yếu và là hoạt động cần thiết đối với việc quản trị hiệu quả khoản vay. 

Lãnh đạo CLB Tài chính tiêu dùng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý nhằm cho phép và kiểm soát hoạt động cung cấp dịch vụ xử lý nợ chuyên nghiệp.

Ông Lê Quốc Ninh cho rằng, các hoạt động đòi nợ thuê dù bị cấm theo Luật Đầu tư 2020, song không hề biến mất mà trở nên biến tướng trên thị trường, khi không bị ràng buộc bởi những điều kiện đầu tư, kinh doanh như trước.

Cần phải có dịch vụ xử lý nợ thuê chuyên nghiệp
Cần phải có dịch vụ xử lý nợ thuê chuyên nghiệp

Thị trường tài chính Việt Nam hiện còn thiếu dịch vụ xử lý nợ thuê chuyên nghiệp, trong khi tại nhiều quốc gia phát triển thì đây là một lĩnh vực phổ biến. Ông Ninh cho rằng, hoạt động này cần được đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ và minh bạch về điều kiện thành lập, cơ chế kiểm soát, hoạt động cụ thể thay vì bị cấm như hiện nay. 

Bên cạnh đó, ông Ninh kiến nghị cấp có thẩm quyền xây dựng hướng dẫn cụ thể, thống nhất để có thể xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi trốn tránh nghĩa vụ trở nợ có chủ ý.

Theo đề xuất của ông Nguyễn Hồng Quân, cần nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho phép các tổ chức thu hồi nợ trung gian chuyên nghiệp hoạt động thu hồi nợ, hỗ trợ các ngân hàng, công ty tài chính trong quá trình cho vay tiêu dùng.

Vị này đồng tình với việc cần đưa ra giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người vay; Minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng; Xây dựng hệ thống chấm điểm tín nhiệm công dân. Cần có sự thống nhất hiệp thương giữa ngân hàng thương mại và công ty tài chính để đưa ra các tuyên bố chung về chế tài đối với việc cố tình, chây ỳ trả nợ./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/05/2024