ISSN-2815-5823

Kinh doanh có trách nhiệm với chủ quyền quốc gia

(KDPT) – Hiện nay, Biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Do vậy, cần phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, trong đó, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mặt trận kinh tế, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Tối ngày 2/4, mạng xã hội lan truyền thông tin hãng thời trang H&M chấp nhận hình ảnh “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” đều là cách gọi khác nhau mà các học giả trên thế giới dùng để chỉ yêu sách của Trung Quốc đối với 80% diện tích của biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines.

Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Quốc (Quốc dân đảng) vẽ ra vào năm 1947 và sau đó được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi (bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn). Đây là một tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

“Đường lưỡi bò” này đã bị Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) bác bỏ trong phán quyết năm 2016.

Một cửa hàng H&M tại Hà Nội. Ảnh: Bích Nga.

Bản đồ có “đường lưỡi bò” trên trang web tiếng Trung của H&M khiến dân mạng Việt Nam “dậy sóng”. Không chỉ bày tỏ thái độ gay gắt, quyết liệt trên các diễn đàn trực tuyến, nhiều người còn vào trang Facebook chính thức có gần 40 triệu lượt like của thương hiệu thời trang nổi tiếng này để thể hiện quan điểm. Dân mạng đồng loạt thả “phẫn nộ” trong các bài viết được H&M đăng tải đồng thời để lại những bình luận lên án thương hiệu thời trang Thụy Điển, kêu gọi mọi người tẩy chay các sản phẩm của hãng và yêu cầu đơn vị này rời khỏi thị trường Việt vì không tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, cộng đồng mạng cũng lan truyền những thông tin cho rằng không chỉ H&M, nhiều nhãn hàng thời trang khác cũng đăng tải bản đồ có “đường chín đoạn”.

Chiều 8/4, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, khi trả lời câu hỏi phóng viên nêu về việc hàng loạt hãng thời trang, trong đó có H&M đăng tải bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên trang web tiếng Trung, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Người phát ngôn yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông. “Các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cần phải tôn trọng và thực thi luật pháp Việt Nam” – bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Dây chuyền sản xuất ô tô Vinfast.

Trước làn sóng tẩy chay hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam, đây là cơ hội cho doanh nghiệp nội thể hiện tinh thần dân tộc cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia. Khi hội nhập kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt với sức cạnh tranh và chất lượng ngày càng hiện đại, tiên tiến đều mong muốn đưa thương hiệu của mình đến với bạn bè quốc tế. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao hàm lượng chất xám trong các sản phẩm, tránh tình trạng xuất khẩu mặt hàng thô với giá rẻ, nhập khẩu hàng chế biến với giá cao, bỏ trống công nghiệp phụ trợ hoặc tỷ lệ nội địa trong sản phẩm quá thấp, tỷ lệ gia công chiếm quá cao.

Các doanh nghiệp cũng muốn khẳng định mình bằng tài năng trí tuệ của người Việt Nam và tiếp thu tri thức của nhân loại. Tinh thần dân tộc ấy đã hun đúc bản lĩnh doanh nhân và trở thành động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp luôn đi đầu và đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Điển hình như sàn thương mại điện tử Fado.vn đã chính thức thông báo ngừng kinh doanh các sản phẩm đến từ thương hiệu H&M. Đây là sàn thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam ngừng kinh doanh các sản phẩm của thương hiệu thời trang H&M. Trên trang chủ của sàn Fado.vn xuất hiện dòng thông báo “Chúng tôi không hợp tác với thương hiệu không tôn trọng chủ quyền Việt Nam”. Chính sách có hiệu lực bắt đầu từ 0 giờ ngày 7/4. CEO của Công ty cổ phần Fado Việt Nam, Đạt Phạm, cho biết, sàn thương mại điện tử Fado.vn sẽ ngừng kinh doanh tất cả sản phẩm H&M từ các quốc gia khác vì đội ngũ Fado.vn là người Việt Nam nên không hợp tác với thương hiệu không tôn trọng chủ quyền Việt Nam.

Có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định được mình trên bản đồ kinh tế thế giới khi chúng ta có những doanh nghiệp mang đậm bản sắc, tinh thần dân tộc như Vingroup, Thaco, Vietjet Air, Hòa Phát,… Đó là những “con đại bàng nội” đầu đàn đang định hướng cho nhiều doanh nghiệp Việt khác noi theo “vì sự nghiệp ích quốc lợi dân” mà giới doanh nhân xưa và nay vẫn đang thực hiện theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

CÔNG NINH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024