ISSN-2815-5823
Nguyễn Quang
Thứ hai, 16h03 14/11/2022

Kinh doanh trang trại chưa đủ điều kiện về môi trường, xả thải gây ô nhiễm

(KDPT) - Nhiều năm nay, việc kinh doanh trang trại đang trở thành một hướng đi phát triển kinh tế hiệu quả của nhiều hộ nông dân. Với những chính sách ưu đãi về đất đai, về thủ tục hành chính như giấy phép kinh doanh, đánh giá tác động môi trường cũng đã được các địa phương tạo điều kiện tối đa theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn đó các hộ kinh doanh trang trại, đặc biệt là trang trại lợn có quy mô lớn đang hoạt động có dấu hiệu chưa đáp ứng được các yêu cầu về xả thải, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân địa phương.

Từ thực tiễn hiện nay hoạt động kinh doanh trang trại đang đóng góp vào công tác phát triển kinh tế của một số địa phương, tuy nhiên qua đó cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại điển hình như: ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, sử dụng đất sai mục đích... Kinh doanh và Phát triển điện tử đã triển khai Chuyên đề “Nhận diện tác động của ngành nghề kinh doanh trang trại đối với sự phát triển kinh tế địa phương: Góc nhìn thực trạng và giải pháp từ địa bàn huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc”.

Chuyên đề đã tập trung khảo sát, nghiên cứu tư liệu và tiến hành thực địa tại một số địa phương trên cả nước, trong đó có huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Qua đó đã ghi nhận thực tế, bên cạnh những trang trại chăn nuôi hiệu quả, mang lại nguồn kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của huyện Lập Thạch, thì vẫn còn đó một số hộ kinh doanh trang trại chăn nuôi quy mô lớn chưa đảm bảo về môi trường. Điển hình như hai dãy chuồng trại chăn nuôi lợn của hộ gia đình ông Hải Thành tại khu 7 thôn Tân Cương xã Ngọc Mỹ huyện lập Thạch.

Với nhiều ngày có mặt tại địa chỉ trên, phóng viên đã nhận được rất nhiều ý kiến của các hộ dân xung quanh trang trại của gia đình ông Hải Thành về việc ô nhiễm môi trường từ trang trại. Được biết, gia đình ông Hải Thành xây dựng trang trại nuôi lợn với quy mô lớn chia làm 02 khu, mỗi khu cách nhau gần 100 mét. Hai trang trại rộng hàng 1000m2, với tổng số 17 dãy chuồng trại kiên cố, được xây bằng gạch và lợp mái tôn xanh. Đặc biệt 2 dãy chuồng trại này theo người dân địa phương cho biết được xây dựng trên đất rừng và đất nông nghiệp. Tại vị trí kinh doanh trang trại của gia đình ông Hải Thành có một dòng chảy là hệ thống mương tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tại thời điểm ghi nhận, nước ở con mương trên có màu đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc, theo người dân thì dây chính là hệ quả của việc xả thải từ 2 trang trại lợn trên.

Màu nước con mương nay đã bị đổi thành màu đen do chất thải từ trang trại gây ra.

XÔng N.Q.N thôn Tân Cương cho biết: “Từ hơn một năm nay, cuộc sống của gia đình tôi và các hộ dân đều bị đảo lộn, sợ nhất lúc thời tiết thay đổi là mùi hôi thối nó lại càng nồng nặc. Nhiều lúc đang ăn cơm mà mùi khó chịu quá khiến cả nhà phải bỏ bữa chứ không thể ăn nổi. Dân chúng tôi bức xúc lắm mà không ai giải quyết.”

Không chỉ đối mặt với mùi hôi thối mà từ hơn năm nay người dân nơi đây đang phải sống trong sự lo lắng khi không biết nguồn nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống có được đảm bảo hay không. Bởi vì chỉ cần nhìn màu nước đen ngòm có bọt sủi lên từ con mương chảy quanh khu vực dân cư làm cho nhân dân lo lắng.

10 dãy chuồng trại nuôi lợn được xây dựng kiên cố của gia đình ông Hải Thành.

Nghi ngờ nguồn nước mình đang sử dụng từ giếng khoan không đảm bảo, vì sự việc ô nhiễm môi trường trên, Chị P.T.H thôn Tân Cương cho biết: “Nhiều hộ dân chúng tôi bây giờ không dám dùng trực tiếp nước từ giếng nhà mình, ngay cả nước qua máy lọc vẫn còn sợ, vì nguồn nước bị ô nhiễm thế làm sao nước sạch được. Muốn nấu gì toàn phải đi mua nước đóng chai về.”

Thực trạng trên đang trở thành vấn nạn ô nhiễm môi trường, tỉnh Vĩnh Phúc luôn có chính sách bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, do đó những sự việc như trên chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường như trên trách nhiệm thuộc cơ quan nào?

Người dân đã nhiều lần phản ánh lên UBND xã Ngọc Mỹ, phản ánh lên các cơ quan cấp trên thông qua nhiều cuộc họp tiếp dân, tiếp xúc cử tri của các tổ đại biểu Quốc Hội, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, HĐND huyện Lập Thạch, tuy nhiên tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết.

Để tìm hiểu những giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường từ các trang trại lợn trên, phóng viên đã đến trụ sở UBND xã Ngọc Mỹ để đặt giấy giới thiệu theo nội dung Chuyên đề, góp phần mang tiếng nói của người dân đến với chính quyền địa phương để có giải pháp mang tính căn cơ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng chờ đợi, phóng viên vẫn chưa nhận được sự phản hồi từ chính quyền sở tại.

Tại Khoản 1 Điều 55 Luật chăn nuôi 2018 quy định về các điều kiện mà khi chăn nuôi trang trại cần phải đáp ứng, theo đó, khi chăn nuôi trang trại cần phải đáp ứng những điều kiện như:

+ Điều kiện 1: đối với vị trí chăn nuôi trang trại thì vị trí được dùng để xây dựng trang trại phải phù hợp với chiến lược kinh tế xã hội của địa phương, của vùng và phải phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, chăn nuôi trang trại cần phải đáp ứng điều kiện về mật độ chăn nuôi theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, thông qua đòi hỏi khắt khe, kích thích của thị trường, các trang trại thực hiện cải tiến kỹ thuật, đổi mới thiết bị, công nghệ, hợp lý hóa quá trình sản xuất, lựa chọn phương án đầu tư hợp lý và tiết kiệm, nâng cao được năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất và sử dụng tài nguyên.

+ Điều kiện 2: Khi chăn nuôi thì cần phải có đầy đủ cơ sở vật chất như: nguồn nước phải được đảm bảo chất lượng cho hoạt động chăn nuôi cũng như hoạt động xử lý chất thải chăn nuôi, có những biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đáp ứng đầy đủ những trang thiết bị chăn nuôi để phù hợp với từng loại vật nuôi đảm bảo sự phát triển cho từng loại vật nuôi.

+ Điều kiện 3: Khi chăn nuôi thì chủ trang trại phải có đầy đủ những giấy tờ để ghi chép về quá trình hoạt động chăn nuôi như: loại thức ăn được sử dụng, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc – xin theo liều lượng như thế nào, thời gian chăm sóc,… và tất cả những thông tin khác để đảm bảo cho vấn đề truy xuất nguồn gốc của vật nuôi. Đặc biệt, chủ trang trại phải lưu giữ những giấy tờ, hồ sơ này trong thời gian tối thiểu là một năm sau khi chu kỳ chăn nuôi kết thúc.

+ Điều kiện 4: Đối với trang trại chăn nuôi cần phải đảm bảo được khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 26/12/2024