Kinh tế số - Một mũi tên trúng hai đích
Tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp Đổi mới sáng tạo toàn diện, tạo đột phá trong tư duy chuyển đổi khoa học, công nghệ |
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh thông tin này tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ TT&TT.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng |
Theo báo cáo tại Hội nghị, kết quả nổi bật của ngành TT&TT trong năm 2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022. Đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022.
Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông đã được Quốc hội khóa XV thông qua. Sau 14 năm, ngành TT&TT có 2 luật được ban hành trong một năm.
Ngành TT&TT đã triển khai thử nghiệm 5G tại 59 tỉnh, thành; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G lên đến 99,8%.
Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện.
Riêng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số có những bước tiến mạnh mẽ. Doanh thu của lĩnh vực đạt 142 tỷ USD. Khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so với năm 2022).
Năm 2023 cũng là năm đổi mới cách tiếp cận về bảo vệ người dân trên không gian mạng. Gần 125 nghìn nguồn website đã được thiết lập và kết nối, tích hợp với các giải pháp an toàn thông tin mạng.
Trong phiên họp tổng kết năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số ngày 28/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã định hướng chuyển đổi số trong năm 2024. Đó là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp, CNTT và Truyền thông, Số hoá các ngành, Quản trị số và Dữ liệu số để tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững. |
Năm 2024, phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp, CNTT và Truyền thông, Số hoá các ngành, Quản trị số và Dữ liệu số.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đi qua 4 năm với các giai đoạn khác nhau. Hiện nay, đã đến lúc và đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội.
Đã đến lúc và đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa) |
Kinh tế số là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Kinh tế số của Việt Nam chiếm 16,5% GDP và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần.
Kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, vốn là chỉ tiêu mà nhiều năm nay chúng ta chưa đạt được. Kinh tế số là một mũi tên trúng hai đích, vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng năng suất lao động.
Năm 2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Năm 2024 là năm lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông sẽ coi không gian mạng là mặt trận chính, vừa chuyển đổi số báo chí, vừa đảm bảo không gian mạng lành mạnh, xử lý thông tin xấu độc trên mạng, quản lý các nền tảng số xuyên biên giới hoạt động ở Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Năm 2024 là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình tức là phải được làm từ nhà, từ xa. Dịch vụ công trực tuyến thực chất thì ít nhất phải có 70% người dân sử dụng.
Năm 2023, chúng ta đã làm được một số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thực chất, có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin và quyết tâm mạnh mẽ trong năm 2024 để kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử và thực sự bắt đầu Chính phủ số ở Việt Nam.
Năm 2024, AI và trợ lý ảo sẽ được ứng dụng mạnh mẽ. AI càng nhiều dữ liệu càng trở nên thông minh. Hãy để AI xử lý số lớn, con người xử lý số nhỏ. Số nhỏ cần sự tưởng tượng và sáng tạo, đó là thế mạnh của con người. Vậy nên, các bộ, ngành, địa phương hãy chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, con người tập trung vào những việc mang tính sáng tạo và thú vị hơn./.