ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ sáu, 06h06 29/12/2023

Đổi mới sáng tạo toàn diện, tạo đột phá trong tư duy chuyển đổi khoa học, công nghệ

(KDPT) - Trong năm 2023, việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp công nghệ số Việt Nam là chủ trương quan trọng của Đảng và Chính phủ. Nhiều lĩnh vực đã và đang có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ từ đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số quốc gia, với mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một quốc gia số với nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số hàng đầu trong khu vực và tiên tiến trên thế giới.

Công nghệ là "bệ phóng" cho nhiều lĩnh vực

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 28/12, Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: "Trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chung tay ủng hộ và chia sẻ, hợp tác của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023 với nhiều kết quả tích cực.

Những điểm sáng trong bức tranh chuyển đổi số năm 2023
Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. (Ảnh: Khánh Duy)

Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, trong đó có 6 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng, đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa cao, giá trị kinh tế lớn, từng bước tiếp thu, làm chủ các công nghệ cao của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, các kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ các khâu từ thiết kế đến thi công các công trình phức tạp như cầu Mỹ Thuận 2 và nhiều công trình hạ tầng quy mô lớn khác, tiết kiệm lượng lớn kinh phí cho ngân sách nhà nước.

Trong lĩnh vực khoa học y - dược, ghép tạng tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng từ việc đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ; đã thực hiện thành công ca ghép đa tạng gồm tim và thận từ người hiến đa tạng chết não; phối hợp ghép tạng xuyên Việt; nghiên cứu thành công quy trình sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị bệnh nhân nhược cơ và lupus ban đỏ hệ thống... là những thành tựu đáng ghi nhận của các nhà khoa học...

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành giải quyết các vấn đề quan trọng cho việc tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt gần 50% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu. Đồng thời, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ về phát triển các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 Việt Nam có lợi thế như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, robot tiên tiến, in 3D, công nghệ thực tế ảo...

Trong năm 2023, thị trường khoa học và công nghệ tiếp tục được quan tâm xúc tiến cùng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các chợ công nghệ, sàn giao dịch, ngày hội khởi nghiệp sáng tạo, chương trình kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia, vùng, địa phương và quốc tế...

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ngày càng phát triển về quy mô và hình thức hoạt động, được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động nhất Châu Á và đứng thứ 58 thế giới. TP. Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giữ được mức phát triển tốt so với các nước khu vực ASEAN (với 56 dự án, tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023). Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Một số chủ trương quan trọng về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Các luật chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được và xác định các tồn tại, bất cập để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Kinh tế số Việt Nam là “điểm sáng” trong khu vực

Đánh giá kết quả nổi bật về chuyển đổi số quốc gia năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu, trong đó 18 mục tiêu đã hoàn thành (đạt 29%), 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao (chiếm 43,5%) và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn (chiếm 27,5%). Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt tỉ lệ 81%.

Năm 2023, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ 2020 đến 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71. Năm 2023, chỉ số này dự báo đạt 0,75.

Những điểm sáng trong bức tranh chuyển đổi số năm 2023
Việt Nam tiếp tục có thứ hạng tốt trong chỉ số đổi mới sáng tạo trong năm 2023. (Ảnh minh họa)

Báo cáo của Google đánh giá, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Năm 2023, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022. Doanh thu của các khu công nghệ thông tin tập trung vào khoảng 15 triệu USD/ha/năm, cao hơn khoảng 15 lần so sánh với doanh thu của các khu công nghiệp.

Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023). Số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022. 3 ứng dụng của cơ quan Nhà nước có lượng người dùng lớn là VneID của Bộ Công an, VssID của Bảo hiểm Xã hội và Thanh niên Việt Nam của Trung ương Đoàn.

Hướng đến phát triển công nghệ cao trong năm 2024

Năm 2024, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các Chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030. Ưu tiên phát triển công nghệ trọng điểm, công nghệ lõi, công nghệ cao...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh: Cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đột phá trong tư duy hoạch định chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời những luật có liên quan, nhất là Luật Khoa học và Công nghệ 2013.

Trong đó, tập trung vào xây dựng một số chính sách, cụ thể: Xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho hoạt động khoa học công nghệ; Gắn kết giữa giáo dục đào tạo đại học với các hoạt động khoa học công nghệ; Nâng cao hiệu quả hoạt động, đơn giản hóa tối đa thủ tục thanh, quyết toán, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực; thúc đẩy triển khai cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024