Kinh tế Việt Nam và cơ hội phát triển trong lĩnh vực bán dẫn
Lĩnh vực bán dẫn: Mang đến doanh thu khổng lồ
Theo Các chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), các công ty bán dẫn của Việt Nam hầu hết đến từ công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Sự tham gia của Việt Nam vào sản xuất chất bán dẫn chủ yếu tập trung vào các giai đoạn cuối, đặc biệt là khâu lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói.
Phân khúc này yêu cầu vốn đầu tư thấp hơn và lao động có tay nghề thấp hơn và là phân khúc ít có giá trị nhất trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các công ty bán dẫn của Việt Nam chủ yếu đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) và Tập Đoàn Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội (Viettel) là doanh nghiệp nội địa nổi bật nhất
Chất bán dẫn là một sản phẩm vật chất có cả tính cách điện và dẫn điện. Ngành công nghiệp bán dẫn là một ngành quan trọng đối với cả nền kinh tế Mỹ và thế giới, với các thành phần bán dẫn được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và thương mại, ô tô, máy tính đến thiết bị di động và thiết bị điện tử cá nhân.
Các chuyên gia từ MBS cho rằng, nhu cầu bán dẫn dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024 và 2025 nhờ trí tuệ nhận tạo tạo sinh (GenAI). Theo báo cáo mới nhất từ Bloomberg Intelligence, giá trị thị trường genAI sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 42% trong giai đoạn 2023-2032. Trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng phổ biến trong các công việc hàng ngày như tìm kiếm thông tin, tạo nội dung (văn bản, hình ảnh, video) và hỗ trợ ra quyết định.
Doanh thu bán dẫn AI sẽ đạt 71,2 tỷ USD trong tương lai gần
Theo dự báo mới nhất từ Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin Gartner, Inc., doanh thu bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tăng 16,8% và 15,5% so với cùng kỳ trong năm 2024 và 2025 để đạt 624 tỷ USD và 721 tỷ USD; trong đó, doanh thu bán dẫn AI sẽ đạt 71,2 tỷ USD/ 91,9 tỷ USD tăng tới 33% và 29% so với cùng kỳ vào năm 2024 và năm 2025.
Về dài hạn, ngành bán dẫn toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện, trung tâm dữ liệu và các công nghệ mới nổi như Internet Vạn Vật (IoT), AI và mạng 5G.
Đối với ngành bán dẫn trong nước, Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo khoảng 30.000-50.000 kỹ sư và chuyên bán dẫn đến năm 2030; trong đó, FPT sẽ đào tạo khoảng 10.000-15.000 chuyên gia cho ngành này.
Để theo đuổi mục tiêu này, trong quý III/2023, Khoa Vi mạch bán dẫn đã được Đại học FPT thành lập và đặt mục tiêu đào tạo lứa sinh viên đầu tiên vào năm 2024.
Gấp rút đào tạo nguồn nhân lực
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rất tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để triển khai.
Mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn, tức là những người có trình độ từ đại học trở lên, là con số không hề nhỏ. Tính riêng quy mô của sinh viên đại học đang theo học tại các trường kỹ thuật và công nghệ trên toàn quốc thì số lượng sinh viên trong các ngành điện tử viễn thông hiện có khoảng 26.000.
Nếu chúng ta thu hút được từ 20-30%, một số trường có thể thu hút đến 40-50% số lượng sinh viên chuyển đổi sang ngành sản xuất chip bán dẫn và tuyển sinh mới trong năm 2024 khi các trường mở ra chương trình đào tạo chuyên sâu hơn nữa về thiết kế vi mạch (dự kiến trong năm 2024, các trường có thể tuyển mới ngay khoảng 5.000 sinh viên đại học) thì đó sẽ là một con số đáng kể để đáp ứng mục tiêu trên.
Tất nhiên, chúng ta còn chưa tính đến việc sinh viên đang học những năm cuối có thể chuyển đổi sang học chuyên sâu hơn về thiết kế vi mạch hay các lĩnh vực vật lý, vật liệu bán dẫn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặt ra những mục tiêu về đào tạo sau đại học. Dự kiến trong năm 2024, các trường có thể tuyển trên dưới 1.000 học viên cao học và sẽ có khoảng 100 nghiên cứu sinh tiến sĩ nhập học.
Lĩnh vực bán dẫn cần nguồn đầu tư rất lớn, có thể sản xuất hàng trăm lần mới ra được một sản phẩm đạt yêu cầu, nên cần phải có sự tham gia của cả Nhà nước và khối doanh nghiệp./.
- Tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
- Việt Nam tăng tốc bồi dưỡng nhân tài cho lĩnh vực công nghiệp bán dẫn