ISSN-2815-5823
Bình Nguyên
Thứ tư, 14h35 07/08/2024

Kinh tế Việt Nam tháng 7: Duy trì đà phục hồi

(KDPT) - Với kết quả tích cực trong tháng 7, tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ vượt mục tiêu của Chính phủ và trọng tâm chính sách có thể tập trung hơn vào ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm kiềm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối hoặc giải quyết tốt hơn tình hình nợ xấu hiện tại.

Số liệu vĩ mô tháng 7 tiếp tục xu hướng hồi phục luân phiên

Sản xuất chế biến chế tạo ghi nhận đà mở rộng mạnh khi cả chỉ số sản xuất IIP hay xuất khẩu đều tăng trưởng tốt. Tiêu dùng chưa có sự bứt phá, tuy nhiên tín hiệu tích cực ban đầu xuất hiện ở nhập khẩu mặt hàng tiêu dùng trong tháng 7.

FDI tiếp tục xu hướng khả quan trong khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công có phần nào chậm lại và ghi nhận tăng trưởng giảm trên mức nền cao trong năm 2023. Lạm phát bật tăng mạnh trong tháng 7 khi tác động đầu tiên của cải cách lương được thể hiện.

Tăng trưởng tín dụng và tỷ giá nhanh chóng hạ nhiệt trong tháng 7 và lãi suất trên thị trường 1 đã ở trạng thái ổn định hơn, chỉ tăng nhẹ ở nhóm ngân hàng vừa và nhỏ.

Với kết quả tích cực trong tháng 7, SSI Research duy trì quan điểm rằng tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ vượt mục tiêu của Chính phủ và trọng tâm chính sách có thể tập trung hơn vào ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm kiềm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối hoặc giải quyết tốt hơn tình hình nợ xấu hiện tại. Trong tháng 8, tâm điểm sẽ tập trung vào các chuyển biến mới trên thị trường bất động sản khi 3 luật về bất động sản và các quy định hướng dẫn sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Sản xuất chế biến chế tạo và xuất nhập khẩu

Sản xuất chế biến chế tạo hồi phục tốt. Số liệu sản xuất công nghiệp trong tháng 6 được điều chỉnh tăng mạnh, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng lên 15% so với cùng kỳ, từ mức ước tính là 12,6%. Cả chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), PMI và xuất khẩu mở rộng mạnh mẽ so với cùng kỳ cho thấy nhóm doanh nghiệp FDI vẫn đang là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời điểm này.

Hoạt động thương mại tiếp tục phục hồi tốt với mức tăng trưởng 2 con số trong tháng 7. Nhập khẩu (+24,7% sp với cùng kỳ) tăng mạnh hơn xuất khẩu (+19,1% so với cùng kỳ) là tín hiệu khả quan để kỳ vọng vào mùa xuất khẩu cuối năm.

Các nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng tích cực ở cả chỉ số sản xuất công nghiệp và xuất khẩu là gỗ (+24,4% so với cùng kỳ), điện tử (+22,5%), điệnthoại và linh kiện (+19,1%), sản phẩm sắt thép (+19,5%).

Nguồn: TCTK, SSI Research
Nguồn: TCTK, SSI Research

Tiêu dùng trong nước và du lịch

Tiêu dùng trong nước tăng yếu hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng trước Covid19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (theo giá hiện hành) tăng 9,4% so với cùng kỳ trong tháng 7 (7 tháng đầu năm 2024: 8,5% svck), nhưng do lạm phát vẫn ở mức cao, mức tăng sau khi loại trừ lạm phát trong 7 tháng đầu năm 2024 chỉ ở mức 5,2% so với cùng kỳ (7 tháng đầu năm 2023: 9,8%).

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ nếu đã loại trừ lạm phát, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tiềm năng trước Covid.

Nguồn: TCTK, SSI Research
Nguồn: TCTK, SSI Research

Doanh thu từ hoạt động du lịch chỉ tăng 13,1% so với cùng kỳ khi lượng khách quốc tế tới Việt Nam đã hạ nhiệt do yếu tố mùa vụ (trong 7 tháng đầu năm đạt 10 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019). Đối với khách du lịch nội địa, ước tính từ TCTK cho thấy lượng khách vận chuyển qua đường hàng không giảm mạnh (-29,3% so với cùng kỳ) trong tháng 7 mặc dù đây là tháng cao điểm du lịch nội địa. Điều này cho thấy nhu cầu chi tiêu trong nước vẫn đang ở mức thận trọng.

Tín hiệu tích cực ban đầu cho kỳ vọng nhóm tiêu dùng phục hồi trong nửacuối năm nay xuất hiện ở nhập khẩu mặt hàng tiêu dùng trong tháng 7 tăng mạnh (tăng khoảng 35% so với cùng kỳ).

Đầu tư FDI và đầu tư công

Giải ngân vốn FDI tích cực trong Quý 2. Giải ngân FDI trong 7 tháng đầu năm đạt 12,55 tỷ USD - tăng 8,4% so với cùng kỳ  và phần lớn giải ngân vào lĩnh vực chế biến chế tạo (79,5% tổng vốn giải ngân).

Tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh 7 tháng đầu năm đạt 15,7 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ. Bộ KH&ĐT ước tính tổng FDI đăng ký trong năm 2024 (bao gồm đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần) có thể đạt 39-40 tỷ USD (2023 đạt 37 tỷ USD).

Việc cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI trong khu vực khá gay gắt và Việt Nam đang có những động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi, đặc biệt đối với các dự án công nghệ cao sau khi áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Nguồn: BTC, SSI Research
Nguồn: BTC, SSI Research

Giải ngân đầu tư công chưa bứt phá. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng đầu năm đạt 34,7% kế hoạch Thủ tướng. Mức giải ngân theo số tuyệt đối giảm khoảng 8,4% so với cùng kỳ do mức nền cao trong năm 2023.

Tốc độ giải ngân chưa có sự bứt phá đến từ công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu xây dựng, công tác phân bổ chi tiết kế hoạch vốn chậm hay nguồn thu ngân sách địa phương bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản chững lại.

Bộ Tài Chính phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ban hành một luật sửa đổi, bổ sung một số luật nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách (Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu...).

Lạm phát bật tăng trong tháng 7

Lạm phát tháng 7 tăng mạnh (+0,48% so với tháng trước và 4,36% so với cùng kỳ), khi tác động ban đầu của cải cách lương được thể hiện với việc giá bảo hiểmy tế tăng gần 30% theo cùng mức tăng lương cơ sở.

Lạm phát bình quân 7 tháng đầu năm vẫn trong vùng kiểm soát (4,12% so với cùng kỳ), trong đó giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+5,52%), lương thực (+15,57% so với cùng kỳ), giáo dục (+8,5%), y tế (+7,22%) và đóng góp nhiều nhất làm tăng CPI 7 tháng đầu năm 2024.

Kinh tế Việt Nam tháng 7: Duy trì đà phục hồi - ảnh 4

Áp lực lên lạm phát trong ngắn hạn vẫn còn khá lớn khi tác động của việc tăng lương cơ sở sẽ rõ ràng hơn trong bối cảnh thu nhập khả dụng của người dân sẽ bắt đầu tăng từ tháng 8. Điểm tích cực là ước tính nhu cầu kinh phí của việc tăng lương cho công chức, viên chức sẽ chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Lãi suất huy động ổn định hơn trong tháng 7

Tín dụng sau khi bật tăng mạnh trong tháng 6 (cuối tháng 6 tăng 6% so với cuối năm 2023) đã hạ nhiệt về 5,3% - tính đến ngày 17/7.

NHNN đã tích cực sử dụng hoạt động thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản trên hệ thống. NHNN đã bơm ròng 88,7 nghìn tỷ đồng trên kênh này, chủ yếu nhờ khối lượng tín phiếu đáo hạn lớn.

Lãi suất thị trường 2 tăng lên mức trung bình 4,6%. Tuy vậy, các NHTM vẫn tích cực tham gia trên thị trường 2 (KLGDTB tăng 9,5% so với tháng 6). Lãi suất huy động trên thị trường 1 tăng nhẹ ở các NHTM vừa và nhỏ, chủ yếu ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và gần như không có nhiều thay đổi ở NHTM lớn. Mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng cho KHTC vẫn đang ở mức thấp hơn so với giai đoạn năm 2021, ghi nhận ở 4,5% cho 4 NHTCPNN; 5,0% cho các NHTMCP lớn và 5,8% cho các NHTMCP khác.

Đối với lãi suất cho vay, gói lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi đã bắt đầu tăng nhẹ (từ mức 6,0%-7,0% cố định cho 3 năm đầu lên khoảng 7,0%-7,5%).Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn chưa có nhiều sự thay đổi rõ rệt.

Tỷ giá hạ nhiệt đáng kể trong tháng 7. Tỷ giá liên ngân hàng, niêm yết của VCB và tự do giảm mạnh trong tháng 7 và hiện chỉ còn tăng khoảng 4,2% so với cuối năm 2023 nhờ kỳ vọng Fed giảm lãi suất cũng giúp cho tâm lý đầu cơ giảm dần trên thị trường.

NHNN tổ chức cuộc họp về chính sách ngoại tệ và lãi suất tiền gửi bằng đồng đô la Mỹ, trong đó từ phía NHNN và các chuyên gia kinh tế đều đưa ra đánh giá khả năng chưa cần can thiệp và nên giữ nguyên chính sách lãi suất USD 0%.

Nguồn cung ngoại tệ về cơ bản vẫn tích cực khi cán cân thương mại thặng dư 14 tỷ USD trong 7 tháng hay dòng vốn FDI giải ngân được 12,5 tỷ USD.

Đối với thị trường vàng, NHNN đã phải điều chỉnh giá vàng SJC bán ra nhằm tương đồng với giá vàng thế giới. Nhìn chung, việc cố định mức giá bán ra chỉ giúp giải quyết vấn đề trong ngắn hạn và NHNN sẽ cần phải có những giải pháp dài hạn hơn, bao gồm nới lỏng việc nhập khẩu vàng nguyên liệu và đánh thuế giao dịch vàng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine