ISSN-2815-5823

Kinh tế Việt Nam là điểm sáng ở Đông Nam Á

(KDPT) - Theo báo chí nước ngoài nhận định, triển vọng kinh tế của Việt Nam được đánh giá khả quan; Việt Nam là ngôi sao đang lên, điểm sáng ở Đông Nam Á.

Thế giới nhận định kinh tế Việt Nam đang tiếp đà phát triển

Báo chí nước ngoài đưa tin, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn khả quan, với dự báo tăng trưởng đạt 4,5-6% trong năm 2024 và 4,7-7% trong năm 2025.

Cụ thể, Oxford Economics dự báo GDP năm 2024 tăng 5,6%, trong khi Ngân hàng United Oversea - UOB (Singapore) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6% trong năm 2024 và 6,4% vào năm 2025.

Hãng Maybank Research dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2024 và 2025, lần lượt ở mức 4,5% và 4,7%, so với 4% năm 2023, còn trang ING THINK dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 là 6%, một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và dự kiến ​​sẽ tăng lên 6,5% vào năm 2025.

S&P Global Ratings dự báo, triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn khả quan, với tăng trưởng GDP thực tế ở mức 5,8% trong năm 2024 và quay trở lại xu hướng dài hạn là từ 6,5-7% trong 3 đến 4 năm tới. Cả xuất khẩu và nhập khẩu nhiều khả năng sẽ quay lại mức tăng trưởng ổn định trong năm 2024. Thặng dư tài khoản vãng lai sẽ vẫn ở mức cao, khoảng 5,5% GDP trong năm 2024, trước khi giảm theo xu hướng dài hạn từ năm 2025.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nền kinh tế vĩ mô ổn định và ngày càng đa dạng, với lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ, chủ yếu là nhờ FDI. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, khi các doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hóa hoạt động trong khu vực. Việt Nam với tư cách là điểm đến thu hút FDI ở Đông Nam Á nhờ lực lượng lao động trẻ, có trình độ học vấn ngày càng cao và có tính cạnh tranh, điều này sẽ giúp duy trì sự phát triển trong dài hạn.

Mạng lưới logistics phục vụ xuất khẩu ngày càng hoàn thiện, giúp ngành sản xuất trở nên hấp dẫn đối với các tập đoàn toàn cầu trong ngành điện tử, điện thoại di động và dệt may.

Các ngành có vốn FDI tiếp tục thúc đẩy hoạt động trong nước, với cơ hội việc làm tốt hơn và mức lương cao hơn, theo đó thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng cá nhân. Kỳ vọng chu kỳ tăng trưởng của ngành bán dẫn cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 khi xuất khẩu của ngành bán dẫn tăng lên.

Về lĩnh vực dịch vụ, du lịch xuyên biên giới đang phục hồi, trong đó lượng khách du lịch Trung Quốc tăng đột biến. Nhu cầu trong nước cũng đang phục hồi dù vẫn chậm hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Đầu tư công có khả năng tăng tốc dần trong những năm tới, chủ yếu từ ngân sách nhà nước.

Việt Nam: Nền kinh tế mới nổi ở Châu Á

Theo Wealth Briefing Asia, Việt Nam là “con rồng trỗi dậy”, trở thành một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất khu vực Đông Á, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Theo thống kê của Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 4.2024, có 517 tin, bài của các hãng thông tấn, báo đài nước ngoài về kinh tế Việt Nam. Dư luận báo chí nước ngoài phân tích một số khó khăn, thách thức của kinh tế Việt Nam như: Nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm; Cảnh báo về việc tình trạng buôn lậu vàng hiện nay...

Tuy nhiên, nhìn chung, báo chí nước ngoài nhận định tích cực về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam vững vàng. Cho rằng kinh tế Việt Nam là “con rồng trỗi dậy”, có lợi thế trong việc thu hút các nhà đầu tư; vị thế của Việt Nam trên thị trường bán dẫn toàn cầu gia tăng, nổi lên như một “thánh địa”, “ngôi sao đang lên”...

Theo Wealth Briefing Asia, Việt Nam có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư rất rõ ràng nhờ các yếu tố: Sở hữu vị trí chiến lược, Việt Nam có khả năng tiếp cận trực tiếp tới các quốc gia lân cận, khiến Việt Nam trở thành trung tâm quan trọng cho các hoạt động trong khu vực; dân số trẻ, có trình độ học vấn.

Ngoài ra, Việt Nam có môi trường kinh doanh thuận lợi, thân thiện với doanh nghiệp; tích cực tham gia vào các thỏa thuận thương mại quan trọng; Việt Nam chứng kiến ​​dòng vốn FDI đáng kể; tầng lớp trung lưu gia tăng không chỉ thể hiện sự gia tăng trong thu nhập khả dụng, mà còn nhu cầu ngày càng cao về hàng hóa và dịch vụ đa dạng, mang đến cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp cơ hội sinh lợi để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Trang web của chính quyền thành phố Goyang, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) đánh giá, Việt Nam là ngôi sao đang lên ở Đông Nam Á. Việt Nam, được mệnh danh là nền kinh tế mới nổi ở Châu Á, phát triển thành quốc gia lớn thứ 35 thế giới về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lớn thứ 26 thế giới về sức mua tương đương (PPP) tính đến năm 2023 (thống kê của IMF).

GDP bình quân đầu người là khoảng 4.300 USD, tương đương khoảng 14.000 USD tính theo PPP. Đây là một khoảng cách rất xa so với con số chỉ 1.200 USD khi Việt Nam bắt đầu cải cách. Hiện Việt Nam đã trở thành nước có quy mô kinh tế vừa và nước có thu nhập trung bình thấp về thu nhập.

Khi cải cách kinh tế tiến triển, hệ thống kinh tế của Việt Nam cũng thay đổi. Cơ cấu công nghiệp đã trở thành hình mẫu điển hình cho các nước đang phát triển.

CNBC đánh giá Việt Nam có lợi thế hơn Ấn Độ trong việc thu hút các nhà đầu tư và các hãng nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo nhờ khả năng sản xuất thiết bị điện tử.

Trong khi đó, Tractus Asia nhận định Việt Nam trở thành ngôi sao đang lên trên thị trường bán dẫn toàn cầu và chứng tỏ vị thế lớn và ngày càng tăng trong chuỗi giá trị bán dẫn ở ASEAN. Điều này có được nhờ các yếu tố: Việt Nam nằm trên các tuyến đường hậu cần quốc tế quan trọng; là nước hội nhập toàn cầu và có quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước dẫn đầu về sản xuất chip; có lợi thế về chi phí lao động, lực lượng lao động đông đảo và chi phí sinh hoạt tương đối thấp; ngành công nghiệp điện tử đang bùng nổ./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024