ISSN-2815-5823
Diễm Quỳnh
Thứ năm, 06h00 27/06/2024

Kinh tế xanh, doanh nghiệp xanh là điều bắt buộc trong nền kinh tế hội nhập

(KDPT) - Đó là nhận định được PGS.TS Đặng Văn Thanh chia sẻ tại Tọa đàm Xu hướng bứt phá trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt.

Sáng ngày 26/6/2024, dưới sự chỉ đạo của Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế (IDE), Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển tổ chức buổi Tọa đàm “Xu hướng bứt phá trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt”. Tại phần II của tọa đàm, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế đồng thời là người điều phối tọa đàm nhấn mạnh tọa đàm sẽ thảo luận mở với tất cả các ý kiến sâu hơn về các khía cạnh, lát cắt về chủ đề này.

Tọa đàm Xu hướng bứt phá trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt

Mở đầu phần thảo luận mở, TS. Nguyễn Minh Phong đưa ra một số câu hỏi dành cho PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế (IDE), Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội về việc kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tương đồng và phân biệt về mục tiêu như thế nào? Hiện nay cơ sở pháp lý của Việt Nam về vấn đề này đến đâu? Cần làm gì về mặt pháp lý để tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế?

Từ đó, PGS.TS Đặng Văn Thanh đã cung cấp cái nhìn toàn diện về sự tương đồng và khác biệt giữa kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Ông cũng sẽ đánh giá về cơ sở pháp lý hiện tại của Việt Nam đối với những mô hình kinh tế này và đề xuất các biện pháp cần thiết để tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế (IDE), Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.
PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế (IDE), Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn hay nói cách khác là xu hướng doanh nghiệp xanh, trách nhiệm và cách thức doanh nghiệp tham gia vào phương thức này. Kinh tế xanh và doanh nghiệp xanh là xu hướng, là đòi hỏi và đồng thời cũng là cam kết của Chính phủ Việt Nam. 

"Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế đa ngành, trải rộng từ công nghiệp đến nông nghiệp. Kinh tế xanh, doanh nghiệp xanh là xu thế chung và là điều bắt buộc trong nền kinh tế hội nhập. 

Một thách thức lớn hiện nay là làm thế nào để các doanh nghiệp có thể thu hồi và xử lý được việc giảm phát thải trong khi nền kinh tế vẫn luôn có phát thải? Bây giờ phải làm sao để thu hồi khi nền kinh tế tuần hoàn không chỉ giải quyết vấn đề Carbon mà còn liên quan đến tài nguyên năng lượng, nước và không khí?

Riêng Carbon là vấn đề rất lớn, đây là vấn đề của các doanh nghiệp nhưng chưa được đề cập sâu. Hiện nay, chúng ta chưa hình thành thị trường, còn là thị trường tự nguyện, tiến tới tạo lập thị trường thực sự, thị trường mua bán, thị trường mang tính bắt buộc khi các doanh nghiệp tham gia.

Đối với các doanh nghiệp, việc nhận thức đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình là vô cùng quan trọng. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường Carbon còn ít và chỉ lác đác có một số doanh nghiệp tham gia. Do đó cần có sự tuyên truyền và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn từ phía các doanh nghiệp", PGS.TS Đặng Văn Thanh nhận định.

Riêng đối với Nhà nước, ông Đặng Văn Thanh cho rằng chính sách luật chưa đề cập đến, nên khi bắt đầu đi vào nền kinh tế xanh thì cần có những quy định, chính sách rõ ràng. Hiện nay, chưa ai tính đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn có cần bộ luật riêng hay không. 

Vấn đề về quy hoạch, hiện nay đã có khung quy hoạch 2030, thậm chí đến năm 2045 được quy định rất rõ ràng, xây dựng 6 vùng kinh tế trọng điểm, từ đó xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương.

"Tuy nhiên, tôi cảm thấy không yên tâm lắm, những quy hoạch mới chỉ vẽ cho đẹp. Cái khó nhất là từ quy hoạch này đi đến các chi tiết cụ thể. Từ thực tế các nhà quản lý kinh tế nên có ý kiến sâu hơn", ông Đặng Văn Thanh cho biết thêm.

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, chúng ta tốn hàng triệu đô la thuê nước ngoài vào, nhưng thực tế họ còn chưa hiểu hết về vùng miền nước ta. Do đó, cần có thêm các chính sách về nguồn vốn, hỗ trợ liên quan đến thuế, phí; có quỹ như Quỹ Môi trường quốc gia.

"Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh những thành tựu Cách mạng công nghệ 4.0, AI vì nó có tác động trực tiếp, thay đổi cách thức, phương thức quản lý và tăng hiệu suất cho các doanh nghiệp", PGS.TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh.

PGS.TS Đặng Văn Thanh phát biểu bế mạc tọa đàm.
PGS.TS Đặng Văn Thanh phát biểu bế mạc tọa đàm.

PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng, buổi tọa đàm đã nêu lên những đánh giá, nhìn nhận một cách khái quát nhất về sự phát triển và thay đổi của khoa học - công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong xu hướng chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, những lợi thế, thách thức, rào cản… trong quá trình bứt phá, chuyển đổi xanh, phát kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt nói chung, trong một số ngành nghề, lĩnh vực tiêu biểu nói riêng cũng được đề cập. Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì để thích ứng cũng như để bứt phá trong quá trình chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, đáp ứng những yêu cầu của xã hội.

Kết luận buổi tọa đàm, PGS.TS Đặng Văn Thanh cảm ơn các đại biểu đã tham gia những ý kiến tâm huyết chất lượng, góp phần xây dựng buổi Tọa đàm. Ông Thanh khẳng định: "Chúng tôi xin ghi nhận các ý kiến và rất mong sẽ tiếp tục nhận được những đóng góp, sự hỗ trợ và đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học"./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 01/07/2024