ISSN-2815-5823
DUY KHÁNH
Thứ tư, 09h24 18/10/2023

Kỳ họp thứ 6 có nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế

(KDPT) - Nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ của nhiệm kỳ khóa XV, Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội sẽ thực hiện khối lượng công việc rất lớn cả về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn... với yêu cầu rất cao về chất lượng và tiến độ. Nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân.

Chiều 17/10, Hội nghị công tác phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra tại Nhà Quốc hội.

Hội nghị công tác phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hội nghị công tác phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại hội nghị lần này, các đại biểu đã nghe, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cho biết, từ ngay say Kỳ họp thứ 5, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sâu sát các cơ quan của hai bên, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan khẩn trương chuẩn bị các nội dung, đảm bảo chất lượng cao nhất để trình Quốc hội.

Thời gian qua các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan đã tiếp tục phát huy tính tích cực, khẩn trương, chủ động, nâng cao trách nhiệm, cố gắng đổi mới, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, khảo sát tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện các nội dung của kỳ họp. Đến nay các nội dung của kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10, dự kiến bế mạc vào ngày 28/11, được tổ chức thành 2 đợt. Tổng thời gian làm việc khoảng 22 ngày. Là kỳ họp cuối năm đồng thời là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ, góp phần bảo đảm cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đặt ra của nhiệm kỳ.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 luật và 01 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật; cho ý kiến 08 dự án luật; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; xem xét quyết định phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; xem xét các báo cáo của các cơ quan; tiến hành giám sát chuyên đề; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; xem xét, quyết định vấn đề quan trọng khác.

Tại Hội nghị, các thành viên Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ đã trao đổi cụ thể, làm rõ hơn một số nội dung trình Quốc hội, tiến độ chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ tài liệu, việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý một số dự án luật; việc bố trí, sắp xếp các nội dung trong chương trình kỳ họp…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết từ sau Kỳ họp thứ 5, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ chuẩn bị từ sớm từ xa cho các nội dung của Kỳ họp thứ 6. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phân công các thành viên Chính phủ, cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì chuẩn bị hồ sơ, tài liệu.

Về một số dự án luật còn ý kiến khác nhau, Thủ tướng Chính phủ cho biết qua trao đổi cho thấy đã có nhiều vấn đề đi đến thống nhất, đề nghị các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tiếp thu, giải trình tối đa các nội dung này. Bên cạnh đó cần tiếp tục rà soát các nội dung trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến định hướng. Đối với các nội dung chưa đưa vào chương trình của kỳ họp, các cơ quan cần tích cực khẩn trương chuẩn bị để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phát biểu kết luận hội nghị, nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, hoan nghênh công tác chuẩn bị cho kỳ họp của các cơ quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều quan trọng là đã có sự phối hợp chặt chẽ để có thể đi đến thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp, phương án tổ chức.

Nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ của nhiệm kỳ khóa XV, Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội sẽ thực hiện khối lượng công việc rất lớn cả về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn... với yêu cầu rất cao về chất lượng và tiến độ. Nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt yêu cầu rất cao đối với kỳ họp và cử tri, Nhân dân cả nước đặt nhiều kì vọng và tin tưởng vào thành công của kì họp. Để bảo đảm kì họp diễn ra thành công, hoàn thành nội dung đề ra với chất lượng tốt nhất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm chất lượng các dự án luật, các vấn đề trình Quốc hội. Đối với một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung giải trình, làm rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án để đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định, bảo đảm chất lượng công tác lập pháp.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp. Đặc biệt, cần chủ động thông tin thường xuyên, kịp thời diễn biến các phiên họp, nhất là với các phiên thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, không để xảy ra khoảng trống về thông tin; định hướng tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm khách quan, toàn diện, kịp thời, góp phần chuyển tải chính xác, đầy đủ diễn biến kỳ họp đến cử tri và Nhân dân cả nước.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/05/2024