ISSN-2815-5823
Thứ hai, 12h45 04/02/2019

Ký ức Tết thời bao cấp ở Hà Nội

(KDPT) – Nhắc đến thời bao cấp đã qua là nhắc đến bao nhiêu thiếu thốn, vất vả, khốn khó. Nhưng như đã thành một quy luật của tâm lý, tình cảm, càng khó khăn chật vật, con người càng hoài niệm, nhớ thương. Tết này đủ đầy, ấm êm lại khiến bao người nao nao “thương về thời bao cấp”.

Trong những năm tháng chiến tranh, từ lương thực, thực phẩm đến các loại hàng công nghệ phẩm đều chỉ có thể mua được bằng tem, phiếu, sổ lương thực và hàng Tết cũng được phân phối như vậy theo những tiêu chuẩn, định lượng cụ thể. Không những thế, tất cả các loại tem phiếu này chỉ có giá trị trong tháng, hàng lại khan hiếm nên mọi người tranh nhau đi mua. Vì vậy, các cửa hàng thực phẩm luôn bị quá tải. Có người chờ đợi, đến phiên mình thì nhân viên lại thông báo hết hàng. Do đó mới có chuyện mậu dịch 6 giờ mở cửa mà người dân “rồng rắn” đi từ 2, 3 giờ sáng, dùng hòn gạch, lồng gà, dép nhựa giữ chỗ.

Bởi thế, cho dù hàng Tết được phân phối theo tem phiếu, theo hộ gia đình nhưng để mua được túi hàng Tết có chai rượu mùi Cam, hay rượu mơ Thanh Mai, vài miếng bóng bì, hộp mứt Tết, bánh pháo, gói chè và bao thuốc lá Tam Đảo, Điện Biên,… cũng không dễ dàng.

Ngày đó, tiêu chuẩn mỗi người chỉ được vài lạng thịt cho cả tháng, vì thế lúc nào chúng tôi cũng thèm thịt. Việc ăn một miếng thịt là điều xa xỉ với bất cứ đứa trẻ nào bởi bữa cơm hàng ngày chỉ toàn khoai mì, sắn độn, hạt bo bo. Áo quần thì khỏi phải nói, quanh năm suốt tháng chỉ có một hai bộ mặc đi mặc lại. Rách thì khâu đi vá lại, chớ mong có đồ mới để thay. Vì vậy, những năm tháng ấy, mỗi dịp Tết đến vui nhất vẫn là trẻ con. Cả năm ăn mặc xoàng xĩnh, đến ngày Tết, có thể chúng tôi được mặc cái áo, cái quần mới. Cả năm ăn uống thiếu thốn, đến ngày Tết, bữa ăn có thêm ít thịt mỡ, bánh chưng. Rồi còn bánh kẹo nữa, dù ngày đó bánh kẹo cũng chủ yếu được làm thủ công như bánh quy gai, bánh quy xốp, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi,…

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” là câu đối nổi tiếng phản ánh quan niệm của dân gian về mức chuẩn ăn ngày Tết tối thiểu nhà nào cũng phải có ngày ấy. Khá giả hơn thì mâm cơm Tết có thêm ly rượu mùi, khoanh giò lụa hay giò thủ, bát canh măng.

Ngày ấy, gam màu chủ đạo của phố phường Thủ đô là màu tối như xanh công nhân, xanh bộ đội,… Vì thế, những gian bán hàng Tết của mậu dịch quốc doanh trang trí bằng giấy đỏ, giấy màu được cắt, dán thành hoa văn trông thật nổi bật.

Trang trí ngày Tết trong gia đình là bình hoa lay-ơn, thược dược, cúc hay vi-ô-lét. Chỉ có nhà rất khá giả mới có cành đào hay cây quất. Câu đối Tết cũng không thể thiếu. Ngày xưa, câu đối được các thầy đồ hoặc gia chủ viết vào sáng Mùng một sau khi làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên thì bây giờ được Nhà nước in bán ở hiệu sách quốc doanh với những lời chúc mừng năm mới may mắn, an khang, thịnh vượng.

Tết là dịp sum họp thiêng liêng của mọi gia đình nhưng ba anh em tôi có đến 10 cái Tết vắng bố do ông ở chiến trường miền Nam. Đó là cảm nhận thiệt thòi nhất mà chúng tôi cảm nhận được khi các bạn nhỏ khác có đầy đủ bố, mẹ trong nhà. Bọn trẻ khác được bố mẹ chở đi chơi, còn bọn tôi chỉ chơi ở ngoài đường trước nhà là chính. Đến khi tôi đạp xe được thì đi đâu, bốn mẹ con cũng đi 2 cái xe đạp. Mẹ tôi chở đứa em thứ hai còn tôi chở đứa út. Ở nhà không có vô tuyến nên mấy mẹ con phải đi xem nhờ hàng xóm. Mãi tới sau này, được bác Hoàng Quốc Việt, vốn rất quý bố tôi từ hồi còn là cán bộ công đoàn trong kháng chiến, viết giấy xuống, Sở thương nghiệp Hà Nội mới duyệt bán cho mẹ tôi một chiếc vô tuyến đen trắng. Có lẽ năm đó là năm ăn Tết vui nhất của mấy anh em chúng tôi, không phải đi xem nhờ vô tuyến trong mấy ngày Tết.

Khó khăn, thiếu thốn trăm bề như vậy nên ngày Tết được coi là sự kiện trọng đại trong năm; từ già trẻ, trai gái đều háo hức mong chờ Tết đến, Xuân về. Tết năm xưa không đầy đủ, màu sắc như hiện nay nhưng luôn đậm nét văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống. Nhiều năm đã trôi qua nhưng những kỷ niệm về Tết xưa ấm cúng, bình an luôn như hiện ra trước mắt tôi mỗi khi năm mới cận kề. Cũng thoáng chút tiếc nuối cho những thế hệ hôm nay không có được cảm giác mong chờ, sung sướng đón đợi ngày Tết như những năm tháng đã qua…

Trần Văn, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/11/2024