ISSN-2815-5823
Minh Quân
Chủ nhật, 08h03 22/09/2024

Lãnh đạo ngân hàng đồng loạt đề xuất tiếp tục “gỡ khó” cho thị trường bất động sản

(KDPT) - Việc tháo gỡ cơ chế chính sách, những nút thắt về thủ tục đầu tư mà hiện nay vẫn đang rất chậm, đặc biệt cho các dự án bất động sản. Khi các nút thắt này được giải tỏa, nguồn cung sẽ được cải thiện giúp cho thị trường bất động sản ấm lên tạo tâm lý tích cực cho đầu tư và tiêu dùng.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước chiều ngày 21/9, lãnh đạo các ngân hàng đã gửi tới lãnh đạo Chính phủ nhiều đề xuất, kiến nghị; trong đó có việc tiếp tục gỡ khó cho thị trường bất động sản.

Ngân hàng mong được hướng dẫn thêm về tài sản nhận thế chấp là bất động sản

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Trần Hùng Huy cho biết, trong tháng 8/2024, các luật ban hành mới trong năm 2024 cũng đã mang đến nhiều thay đổi quan trọng và tác động tích cực đến thị trường bất động sản (như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản). 

Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng mong muốn được có thêm những hướng dẫn chi tiết trong việc nhận thế chấp cụ thể như liên quan đến đất sản xuất kinh doanh (trả tiền thuê đất hàng năm) đặc biệt trong khu công nghiệp. Hiện theo quy định tại Điều 37 Luật Đất đai 2024 chỉ quy định quyền chuyển nhượng, đối với quyền thế chấp thì chỉ được thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và không quy định về thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất.

Việc này gây ảnh hưởng và hạn chế các tổ chức tín dụng trong xác định giá trị đất thuê hàng năm trong khu công nghiệp, tùy thuộc vào sự hợp tác của chủ đầu tư do liên quan đến rủi ro pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm.

Trong khi đó, nhu cầu thị trường là rất lớn. Bất động sản trong khu công nghiệp đang duy trì vị trí hàng đầu trong suốt cả năm 2023 và tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2024 nhờ các chính sách đẩy mạnh đầu tư công và tiềm năng lớn từ dòng vốn FDI.

Vì vậy, theo ông Trần Hùng Huy, trong trường hợp có hướng dẫn rõ ràng cho phép việc nhận thế chấp quyền tài sản là quyền thuê trong hợp đồng thuê đất sẽ giúp các doanh nghiệp sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm tận dụng tối đa nguồn lực, giá trị của quyền sử dụng đất, tạo điều kiện về nguồn vốn cho doanh nghiệp khi được thế chấp thêm tài sản là quyền thuê và tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho tổ chức tín dụng trong việc xác định giá trị và nhận tài sản bảo đảm là đất thuê trả tiền hàng năm.

Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)
Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)

Theo ông Chủ tịch ACB, liên quan đến đất sản xuất kinh doanh (trả tiền thuê đất một lần/giao đất có thu tiền) hiện theo điểm b khoản 3 Điều 33 Luật Đất đai 2024 có quy định cho phép nhận thế chấp dự án đầu tư có mục đích kinh doanh được Nhà nước miễn/giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Việc thế chấp này chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp đã nộp lại cho nhà nước một khoản tiền tương ứng với thời gian đã được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn xác định khoản tiền này như thế nào.

Thực tế, một số dự án thuộc đối tượng ưu đãi được Nhà nước miễn/giảm tiền sử dụng đất nhưng hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết việc xác định khoản tiền tương ứng với số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã được miễn, giảm để nộp lại cho nhà nước, thời gian doanh nghiệp phải đóng cho cơ quan Nhà nước. Số tiền này có bị tính lãi suất chậm thanh toán hay những yếu tố tác động khác hay không? Bởi, rõ ràng sự khác biệt về thời điểm sẽ dẫn đến các con số khác nhau".

Ngoài ra, theo ông hiện các tổ chức tín dụng và các cơ quan liên quan như: Cơ quan công chứng, cơ quan đăng ký quyền đăng ký quyền sử dụng đất, đăng ký giao dịch đảm bảo đang lúng túng trong việc xử lý và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp. Do đó, rất cần các hướng dẫn chi tiết liên quan đến nội dung trên. Từ đó sẽ giúp mở rộng, tạo cơ hội cho tổ chức tín dụng cũng như khách hàng có thêm quyền nhận thế chấp đối với các trường hợp này.

"ACB rất mong Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn các vấn đề trên. Theo đó, tổ chức tín dụng và khách hàng có thể phát huy, tận dụng tối đa nguồn lực, tài sản để mở rộng và phát triển kinh doanh. Các ngân hàng trong hệ thống đồng lòng trong việc kiểm soát chi phí huy động đầu vào, từ đó làm cơ sở tiếp tục hạ lãi suất cho vay", Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy phát biểu.

Đề nghị tiếp tục gỡ vướng cho thị trường bất động sản

Tham luận tại hội nghị, đại diện của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, trong 8 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện rất tốt vai trò của mình khi điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, ông cho biết, OCB đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức cần được tháo gỡ. Các vướng mắc này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh mà còn gây cản trở sự phát triển bền vững của ngân hàng. Chính vì vậy, OCB đưa ra một kiến nghị cụ thể để NHNN và các bộ, ngành có thể hỗ trợ khắc phục.

Một là, đề xuất NHNN xem xét việc quản lý hạn mức tín dụng (room tín dụng) theo hướng linh hoạt hơn, đặc biệt là đối với các ngân hàng được đánh giá tốt. Room tín dụng chỉ nên áp dụng cho những ngân hàng cần sự quản lý chặt chẽ bởi NHNN.

Lãnh đạo OCB phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)
Lãnh đạo OCB phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)

Hai là, Chính phủ và NHNN tạo cơ chế cho việc xử lý nợ mạnh mẽ tương tự như Nghị quyết 42 tạo thuận lợi cho ngân hàng thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm. Ngoài ra, nhà băng này cũng mong muốn có một hành lang pháp lý thống nhất liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản cho ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu. Hiện nay, quy định này được thực hiện không đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xử lý tài sản.

Ba là, tháo gỡ cơ chế chính sách, những nút thắt về thủ tục đầu tư mà hiện nay vẫn đang rất chậm đặc biệt cho các dự án bất động sản. Khi các nút thắt này được giải tỏa, nguồn cung sẽ được cải thiện giúp cho thị trường bất động sản ấm lên tạo tâm lý tích cực cho đầu tư và tiêu dùng.

“Việc khung giá đất vẫn chưa được giải quyết khiến nhiều doanh nghiệp không thể hoàn thành nghĩa vụ thuế chuyển quyền sử dụng đất và không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, lãnh đạo OCB nêu dẫn chứng.

Cùng quan điểm, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như cần thúc đẩy quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo ông Đặng Khắc Vỹ, những chuyển biến thời gian vừa qua của thị trường bất động sản là khá tích cực, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, của các bộ, ngành trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, theo ông, do ngành ngân hàng ngày càng gia tăng tỷ trọng tín dụng bán lẻ trong danh mục tín dụng của mình, tài sản bảo đảm là nhà đất, căn hộ chiếm tỷ lệ trọng yếu trong tổng số tài sản bảo đảm, nên sự phục hồi của thị trường bất động sản không những tác động tích cực tới nền kinh tế mà giúp các ngân hàng tăng cường cho vay và xử lý được nợ xấu.

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, từ đó giúp ngân hàng gia tăng tín dụng an toàn, mạnh mẽ. Đồng thời, tiếp tục thực thi chính sách không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá nhằm tránh những hệ lụy về sau ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của các ngân hàng và sự ổn định của ngành ngân hàng khi nợ xấu gia tăng, lợi nhuận suy giảm", Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ nói./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/09/2024