ISSN-2815-5823
Chủ nhật, 02h00 02/09/2018

Lịch sử vẫn thôi thúc chúng ta

(KDPT) – Kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, thêm một lần mỗi người dân Việt Nam càng thêm lòng tự hào để tiếp tục khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh dân tộc của người Việt Nam – một sức mạnh để có một tâm thế Việt Nam hôm nay. Lịch sử vẫn là nguồn thôi thúc cho mỗi người Việt Nam hôm nay vững vàng đi về phía trước. Điều có được từ thành công cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhân dân vùng lên cướp chính quyền ở Bắc Bộ phủ, tháng 8.1945.(Ảnh tư liệu)

Thế mới và lực mới
Trong bài viết “Mãi mãi tỏa sáng tinh thần Cách mạng tháng Tám!” (chinhphu.vn) đã khẳng định, chặng đường 73 năm qua dẫu đầy gập ghềnh, chông gai, nhưng tinh thần quật khởi và giá trị kinh nghiệm lịch sử của Cách mạng Tháng Tám luôn là nguồn lực bồi đắp sức mạnh cho toàn Ðảng và toàn dân ta vững bước, viết tiếp những trang sử vẻ vang. Ðó là cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng, kiên cường chống các thế lực đế quốc ngoại xâm, lập nên những chiến công hiển hách mà đỉnh cao là Chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954 chấn động địa cầu, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thu non sông về một mối; là công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ như ngày nay, trong thế mới và lực mới. Từ một nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển; kinh tế tăng trưởng khá. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội phát triển; dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao…

Sự nghiệp, con đường chúng ta đi đang có nhiều thời cơ và thuận lợi, nhưng phía trước vẫn còn muôn vàn khó khăn, thử thách. Bốn nguy cơ mà Ðảng ta đã chỉ ra vẫn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn. Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm và phức tạp hơn trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, sự bùng nổ của công nghệ thông tin toàn cầu. Tình hình đó đòi hỏi toàn Ðảng, toàn dân ta tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám, kiên định mục tiêu, lý tưởng, tự lực, tự cường, đoàn kết một lòng, tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách, đưa đất nước không ngừng tiến bộ và phát triển.

Bài học kinh nghiệm cho thời hội nhập hôm nay

Trong bài “Cách mạng Tháng Tám: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm đối với công cuộc hội nhập quốc tế hiện nay” của Đại tá, PGS. TS. Hoàng Minh Thảo,Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng đăng trên Tạp chí Thông tin Đối ngoại đã nêu rõ, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phương châm “thêm bạn bớt thù” của Cách mạng Tháng Tám vận dụng cho quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Đây là bài học ông, cha đã thực hiện trong suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, được Đảng và Bác Hồ kế thừa, phát triển, nâng lên tầm cao mới kể từ thời kỳ vận động, tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn khác nhau vận dụng bài học này, có sự uyển chuyển cho phù hợp với tình hình thời cuộc. Nhờ huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và phương châm chỉ đạo chiến lược “dĩ bất biến ứng vạn biến” cách mạng nước ta đã vượt qua thời kỳ “ngàn cân treo sợi tóc”, ra sức chống giặc đói, giặc dốt và thù trong, giặc ngoài ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Sau đó, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, thu non sông về một mối, thống nhất đất nước.

Cột cờ Hà Nội năm 1945. (Ảnh nguồn internet)

Có thể khẳng định, nhờ huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chúng ta đã đạt đươc nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, trước bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi hết sức phức tạp, bất lợi cho cách mạng nước ta vào nửa cuối thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI.

Quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, bài học huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và “thêm bạn bớt thù” càng có ý nghĩa sâu sắc. Bởi vì, cùng với hơn 90 triệu người dân ở trong nước, chúng ta có hơn 6 triệu kiều bào đang sinh sống trên khắp thế giới. Huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thì không chỉ vốn và tri thức của trong nước, mà kiều bào ta ở nước ngoài cũng được đầu tư ngày càng to lớn, toàn diện cho sự nghiệp xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nhân, trí thức Việt kiều đã về nước đầu tư, hàng năm lượng kiều hối thu về trên chục tỷ USD, nhiều tri thức khoa học, kinh nghiệm tổ chức quản lý kinh tế, xã hội của thế giới được chuyển giao phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đó là những minh chứng về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng, Nhà nước vận dụng sáng tạo, phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta, khởi nguồn từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đất nước Việt Nam, kinh tế Việt Nam đang từng ngày đổi mới trong thời kỳ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Ở đây thêm một lần nhắc lại ý chí quật cường bản lĩnh kiên cường của Việt Nam để làm chủ tình thế, giữ vững độc lập tự chủ mang về những hạnh phúc lớn lao cho đất mẹ Việt Nam đang tiếp nối những truyền thống lịch sử vẻ vang của hàng nghìn năm lịch sử mà cha ông ta đã dựng nước và giữ nước.

An Phong (tổng hợp)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024