ISSN-2815-5823

Liên kết sản xuất mía đường: Minh bạch là trên hết

(KDPT) – Trong chuỗi giá trị sản xuất mía đường tại Việt Nam, mối quan hệ liên kết giữa các nhà máy đường và người nông dân trồng mía, có thể coi là “cộng sinh” nhưng lại có thể bị hủy hoại, phá vỡ bất cứ lúc nào.

Theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), những niên vụ gần đây, đã xảy ra nhiều trường hợp nông dân phá vỡ hợp đồng với nhà máy đường, hoặc một số nhà máy đường không thực hiện đúng cam kết về giá thu mua mía cho nông dân. Nguyên nhân chính do cơ chế chia sẻ lợi nhuận nông dân – nhà máy chưa công bằng, thiếu minh bạch, nông dân luôn bị yếu thế và chịu thiệt thòi, nhất là trong khâu tiêu thụ, mua – bán mía nguyên liệu.

Ảnh minh hoạ.

Hình thức mua mía nguyên liệu của các nhà máy đường với người nông dân hiện nay, phổ biến là mua theo “chữ đường (CCS)”. CCS là do giống mía cũng như các yếu tố về thâm canh, sản xuất áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật… góp phần tạo ra. Kết quả khảo nghiệm của Viện Nghiên cứu Mía đường Việt Nam, cho thấy, tất cả các giống mía đang trồng tại Việt Nam hiện nay, không một giống mía nào có chữ đường dưới 10 CCS, đa số từ 11 CCS trở lên, thậm chí có giống đạt tới 13 hoặc 14 CCS. Thế nhưng, thật kỳ lạ, CCS mía tại Việt Nam thường do các nhà máy đánh giá lại không tùy thuộc vào giống mía, mà chủ yếu phụ thuộc vào giá đường. Niên vụ mía đường 2020-2021, chất lượng mía nguyên liệu do các nhà máy đường đánh giá bình quân chỉ ở mức 10,2 CCS.

Trong khoảng 3-4 năm lại đây, do sức ép của đường nhập khẩu từ bên ngoài vào Việt Nam bán phá, đường nhập lậu, gian lận thương mại đã khiến giá đường trong nước bị tụt giảm, nhiều nhà máy không bán được sản phẩm với giá tốt, tồn kho nhiều, thua lỗ, đã kéo theo khó khăn với người nông dân không thể sống được với cây mía, do giá mía các nhà máy thu mua thấp. Tại nhiều địa phương có vùng nguyên liệu mía tập trung, nông dân đã bỏ trồng mía. Diện tích trồng mía cả nước từ gần 300.000 ha, đến nay đã bị thu hẹp khoảng 30-40%.

Để phát triển bền vững ngành mía đường, VSSA cho rằng, các nhà máy đường cần minh bạch hóa, trung thực trong quy trình phân tích chữ đường CCS và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất với mía nguyên liệu, từ đó củng cố niềm tin của nông dân với nhà máy, thì nông dân mới yên tâm đầu tư sản xuất đem lại lợi ích cho cả hai bên.

LAN NGỌC

Theo link gốc: https://congthuong.vn/lien-ket-san-xuat-mia-duong-minh-bach-la-tren-het-166259.html



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/12/2024