Một loạt tỉnh thành như Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa… đều quyết định dừng bắn pháo hoa trong dịp lễ sắp tới, mặc dù sự kiện này đã được trông đợi là “phát súng” mở màn cho một mùa du lịch sôi động tại các điểm đến nổi tiếng như Hạ Long, Cửa Lò, Đà Nẵng, Nha Trang…

Quyết định dừng bắn pháo hoa và hạn chế các sự kiện tụ tập đông người, đồng thời với đẩy mạnh các biện pháp thiết thực phòng chống dịch bệnh đã lập tức được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Đó là điều thật dễ hiểu, khi đặt trong bối cảnh hiện tại, người dân nước ta đang dõi theo điểm nóng dịch nghiêm trọng nhất thế giới tại Ấn Độ với một tấm lòng đồng cảm, xót xa, nhưng ai nấy đều hiểu rằng, đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm khắc về bài học phòng chống dịch.

Ấn Độ từng một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng 3/2020 khi tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao. Động thái này cùng với sự cảnh giác cao của cộng đồng đã giúp Ấn Độ thành công trong việc kiểm soát số ca mắc bệnh. Các trường hợp mắc COVID-19 mới hàng ngày đạt đỉnh điểm gần 100.000 ca vào giữa tháng 9/2020, sau đó giảm xuống dưới 10.000 ca vào đầu tháng 2/2021.

Tuy nhiên, chủ quan trước thành công ban đầu, kể từ cuối năm 2020, các cơ quan, doanh nghiệp, người dân tại Ấn Độ đã trở lại những thói quen hàng ngày trước khi dịch bệnh bùng phát. Nhiều người đã không tuân theo các hướng dẫn phòng dịch khi không đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách xã hội. Một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới, Kumbh Mela, vẫn được tổ chức tại Ấn Độ vào đầu tháng 4, được cho là một sự kiện “siêu lây nhiễm” SARS-CoV-2. Ngay cả khi virus lây lan ngày càng rộng, các cuộc mít tinh vận động bầu cử vẫn được tổ chức thu hút rất đông người tham dự, là cơ hội để “sát thủ vô hình” COVID-19 len sâu vào các tầng lớp nhân dân lao động Ấn.

Chính phủ Ấn Độ cũng không chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng dịch bùng phát trở lại. Là quốc gia sản xuất vaccine hàng đầu thế giới, nhưng nhiều trung tâm phân phối vaccine trong nước vẫn rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung khi chính phủ ưu tiên sáng kiến “ngoại giao vaccine” hơn là tiêm chủng cho người dân. Vào cuối tháng 3, số vaccine Ấn Độ xuất khẩu (60 triệu liều đến 76 quốc gia) còn nhiều hơn so với lượng vaccine tiêm chủng cho người dân (52 triệu liều).

Những ngày này, hình ảnh những giàn hỏa táng rực lửa ngày đêm vẫn không xử lý kịp thi thể nạn nhân COVID-19 tại Ấn Độ, những người bệnh khắc khoải chờ chết vì thiếu ôxy và không còn giường điều trị, đã thực sự gây rúng động người dân Việt Nam và thế giới.

Không chỉ tại Ấn Độ, đại dịch COVID-19 cũng đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng nguy hiểm ở các nước láng giềng chung biên giới với nước ta như Campuchia, Lào, Thái Lan, hay các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Indonesia.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại nước ta đến nay về cơ bản được kiểm soát tốt, hầu như không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 đều là các ca nhập cảnh, được cách ly nghiêm ngặt. Nhưng đó cũng là lý do khiến người dân có cảm giác yên tâm, sinh ra tâm lý lơ là, chủ quan. Nhiều người tham gia các hoạt động tập trung đông người, ở những nơi công cộng nhưng lại “lười”, “ngại” đeo khẩu trang.

Chính vì thế, kỳ nghỉ bốn ngày dịp Lễ 30/4, 1/5 – kỳ nghỉ dài ngày đầu tiên sau đợt dịch thứ ba, lại diễn ra vào thời điểm bắt đầu mùa du lịch hè, đang đặt đất nước ta trước nguy cơ bùng phát một đợt lây nhiễm mới. Bất cứ một hành vi thiếu trách nhiệm, vô ý thức nào dù chỉ của một cá nhân, cũng có nguy cơ đẩy chúng ta đến tình cảnh nguy cấp tương tự như ở những “điểm nóng” dịch trong khu vực. Trong bối cảnh đó, những màn pháo hoa rực rỡ, có thể sẽ là tiếng nói “lạc điệu” giữa một thế giới đang oằn mình trong cơn sóng thần COVID, cũng có thể là một “thông điệp” bung mở cho một mùa hè di chuyển, hưởng thụ mà quên đi trách nhiệm bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và cộng đồng trước hiểm họa vô hình.

Trước nguy cơ về một đợt bùng phát dịch thứ tư, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, cả nước ta luôn phải trong tình trạng sẵn sàng chống dịch COVID-19 với tinh thần cảnh giác cao độ nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa, du lịch… vẫn cần được duy trì ở mức độ an toàn cho cộng đồng. Ngày kỷ niệm Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước và ngày Quốc tế Lao động sẽ càng thêm trọn vẹn ý nghĩa nếu như mọi hoạt động của người dân, của cộng đồng vừa luôn đảm bảo phòng chống dịch vừa giúp khơi thông nền kinh tế du lịch một cách an toàn.

THU HẰNG