ISSN-2815-5823

Masan đặt mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng trong năm 2023

(KDPT) - Tập đoàn Masan trong tài chính năm 2023, dự báo doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Masan ước tính sẽ từ 90.000 tỷ đồng - 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% - 31% so với mức 76.189 tỷ đồng trong năm 2022.

Ngày 30/1, Tập đoàn Masan (HOSE: MSN, “Masan” hoặc “Công ty”), công bố bản phân tích chi tiết kết quả kinh doanh chưa soát xét của Quý 4/2022 (“Q4/2022”) và năm tài chính 2022 (“FY2022”).

Nửa cuối năm 2022, môi trường kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn do lạm phát cao hơn (chủ yếu do giá lương thực, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng), chính sách tiền tệ thắt chặt, phát hành trái phiếu doanh nghiệp chậm lại và tổng cầu trên toàn thế giới suy yếu đã ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu của Việt Nam (giảm từ 35 tỷ USD vào tháng 8/2022 xuống còn 29 tỷ USD vào tháng 12/2022).

Những trở ngại vĩ mô nói trên và môi trường kinh doanh đầy thách thức khiến người tiêu dùng nhìn chung có tâm lý thắt chặt chi tiêu khi sức mua, thu nhập và giá trị tài sản của họ sụt giảm. Tổng cầu trên thế giới yếu hơn suy giảm dẫn đến 117.000 người bị mất việc làm trong Quý 4/2022 (trong đó 85% thuộc các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu). Bên cạnh những lo ngại về lương và thu nhập, người tiêu dùng cũng cảm thấy khó khăn hơn khi thị trường trái phiếu, vốn chủ sở hữu và bất động sản (các loại tài sản phổ biến nhất đối với các nhà đầu tư bán lẻ) sụt giảm hoặc đình trệ. Do đó, các xu hướng tiêu dùng chính như cao cấp hóa sản phẩm và chuyển dịch từ thương mại truyền thống (“GT”) sang thương mại hiện đại (“MT”) vào năm 2022 cũng chậm lại.

MSN nhận định môi trường vĩ mô đầy thách thức và tâm lý thắt chặt chi tiêu có thể tiếp tục tác động đến hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, Công ty tin rằng triển vọng vĩ mô có khả năng phục hồi sớm nhất là vào nửa cuối năm 2023. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại (cả về hoạt động kinh tế và du lịch đến Việt Nam) kết hợp với những tín hiệu ban đầu về các chính sách mềm dẻo hơn của Fed cho thấy các chất xúc tác vĩ mô tích cực thúc đẩy cải thiện tâm lý tiêu dùng và từ đó hỗ trợ triển vọng kinh doanh của MSN.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Tôi tự hào về cách Masan đã và đang đổi mới để vượt qua bối cảnh kinh tế vĩ mô và vi mô đầy biến động. Năm 2022, chúng tôi củng cố nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp với việc ra mắt các cửa hàng WIN. Năm 2023 và xa hơn nữa, những đổi mới mang tính quyết định tiếp theo của Masan sẽ là số hóa toàn bộ cơ sở hạ tầng tiêu dùng từ sản xuất đến bán lẻ, đồng thời phát triển nền tảng tích hợp giữa thương mại hiện đại và thương mại truyền thống. Nếu thực hiện được điều này, sẽ ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn Masan bởi những trải nghiệm mua sắm độc đáo và chi phí tiết kiệm ít nhất 5% cho các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu hàng ngày. Tốc độ và mức độ đổi mới sâu rộng là điều khiến Masan tự tin về triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn.”

Masan đã mở rộng hệ thống bán lẻ có hiệu quả kinh tế trên mỗi cửa hàng tốt nhất Việt Nam. Điều này đã khẳng định năng lực mở rộng điểm bán offline của Masan để đẩy nhanh chiến lược Offline-to-Online (“O2O”).

Xây dựng danh mục hàng tiêu dùng có thương hiệu hàng đầu với triển vọng tăng trưởng bền vững, qua đó thu hút người têu dùng sử dụng sản phẩm và dịch vụ thuộc hệ sinh thái của Masan.

Thiết lập nền tảng số để Masan hiện thực hóa chiến lược O2O và trở thành một hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ thực thụ.

Masan tiếp tục củng cố bảng cân đối kế toán với tỉ lệ đòn bẩy và thanh khoản trong mức kiểm soát. Đặc biệt, Masan đã huy động thành công khoản vay hợp vốn với tổng trị giá 600 triệu USD kì hạn 5 năm với lãi suất ưu đãi. Khoản vay được đăng ký vượt mức từ gần 40 tổ chức tài chính, thể hiện năng lực tín dụng vững chắc và khả năng huy động vốn với điều khoản ưu đãi của Công ty trong thị trường tài chính đầy biến động. Tiếp theo, MSN cũng đang xem xét các lựa chọn khác nhau để cải thiện lãi suất và kết quả kinh doanh thông qua việc giảm đòn bẩy.

Bên trong cửa hàng bán lẻ đa tiện ích của Masan.

The CrownX (“TCX”), nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất WCM và MCH, ghi nhận doanh thu giảm nhẹ trong môi trường vĩ mô đầy thách thức và tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. The CrownX đạt doanh thu 56.221 tỷ đồng vào năm 2022, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước (“YoY”) và doanh thu Quý 4/2022 đạt 15.496 tỷ đồng trong giảm 6,5% YoY. Trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu TCX năm 2022 tăng 5,2% YoY và doanh thu Quý 4/2022 giảm 2,1% YoY.

Trong bối cảnh nhiều chuỗi bán lẻ thu hẹp hoạt động, WCM mở mới 730 siêu thị mini trong năm 2022. Việc mở rộng điểm bán hàng loạt cho thấy WCM đã xây dựng thành công mô hình bán lẻ có lợi nhuận.

Trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu WCM tăng 10,8% trong Quý 4/2022 và tăng 6,4% trong năm 2022.

Quý 4/2022 và cả năm 2022, WCM đã mở mới lần lượt 253 và 730 cửa hàng WinMart+, nâng tổng số WinMart+ lên 3.268 cửa hàng. Đà tăng trưởng số lượng điểm bán đã cho thấy đây là mô hình bán lẻ có lợi nhuận sẵn sàng mở rộng quy mô với biên EBITDA ở cấp độ cửa hàng là 6,5%. WCM là chuỗi bán lẻ nhu yếu phẩm duy nhất gia tăng quy mô trong năm 2022 với số cửa hàng WCM được mở mới (ròng) xấp xỉ với số cửa hàng đóng cửa (ròng) của toàn thị trường. Điều này cũng cho thấy WCM đã lèo lái thành công qua một năm nhìn chung đầy thách thức đối với các nhà bán lẻ nhu yếu phẩm.

Việc triển khai chương trình Hội viên WIN, bắt đầu với các ưu đãi tại chuỗi WCM như đưa ra giá tiết kiệm 20% cho thịt mát MEATDeli & rau sạch WinEco, giảm giá thêm cho 100 mặt hàng thiết yếu hàng tháng và ưu đãi nổi bật khác mỗi tuần hứa hẹn sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho 2023. Đến cuối tháng 1/2023, đã có 1,8 triệu khách hàng đăng ký tham gia chương trình Hội viên WIN.

MCH đã cải thiện lợi nhuận vào Quý 4/2022, tuy nhiên doanh thu bị ảnh hưởng do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. MCH đạt 28.103 tỷ đồng doanh thu thuần và 6.561 tỷ đồng EBITDA. Khi chuẩn hóa tác động do người tiêu dùng gia tăng dự trữ hàng hóa vào Quý 3/2021 và Quý 4/2021, doanh thu MCH giảm 11,8% trong Quý 4/2022 và tăng 2,4% trong năm 2022. Doanh thu sụt giảm trong Quý 4/2022 chủ yếu do MCH kế hoạch cung ứng chặt chẽ hơn trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng hạn chế chi tiêu để đảm bảo mức tồn kho an toàn và bền vững tại các nhà phân phối, từ đó giúp MCH có khởi đầu thuận lợi vào năm 2023.

Các nhóm hàng chủ lực như Gia vị và Thực phẩm Tiện lợi giảm tốc độ tăng trưởng so với năm 2021 do đây là những mặt hàng được dự trữ nhiều nhất trong giai đoạn phong toả do COVID-19, giảm lần lượt 8,7% và 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, đồ uống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và bia đã phục hồi, đạt mức tăng trưởng lần lượt là 3,9%, 4,4% và 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vượt qua áp lực lạm phát lên lợi nhuận do giá cả hàng hoá tăng đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, MCH vẫn đạt biên lợi nhuận gộp ở mức 40,2% trong Quý 4/2022 so với mức 39,1% trong Quý 3/2022 nhờ vào thương hiệu mạnh và các biện pháp giảm thiểu rủi ro được thực hiện sớm.

Lượng hàng tồn kho tại các nhà phân phối tiếp tục giảm xuống mức an toàn để tránh tình trạng dồn hàng vào cuối năm. Cụ thể, số ngày tồn kho bình quân tại nhà phân phối giảm từ 29 ngày trong Quý 1/2022 xuống chỉ còn 14 ngày trong Quý 4/2022. Nhờ đó, sẽ tác động tích cực đến doanh số bán hàng trong năm 2023.

PLH: số lượng điểm bán kiosk Phúc Long ngày càng được tối ưu hoá trong khi các cửa hàng flagship thể hiện kết quả kinh doanh vượt trội, tạo tiền đề tăng tốc mở rộng hệ thống flagship trong năm 2023.

Bên trong cửa hàng bán lẻ đa tiện ích của Masan.

Năm 2022, Phúc Long đạt 1.579 tỷ đồng doanh thu và 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA), chủ yếu nhờ các cửa hàng flagship hoạt động hiệu quả, mang lại doanh thu 1.153 tỷ đồng và 332 tỷ đồng EBITDA. Bước sang năm 2023, các cửa hàng flagship đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ khi Phúc Long đạt con số kỷ lục vào Quý 4/2022: mở 23 cửa hàng flagship mới và 2 cửa hàng mini, nâng tổng số cửa hàng flagship lên 111 và tổng số cửa hàng mini lên 21.

Trên cơ sở hiệu quả tính theo đơn vị cửa hàng, ước tính các cửa hàng flagship sẽ mang lại doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp đôi so với doanh thu của cửa hàng tương tự trong ngành, biên EBITDA của cửa hàng là trên 35%, cao hơn hẳn so với các chuỗi F&B thuộc top đầu thế giới. Hiệu quả vượt trội trên mỗi đơn vị cửa hàng đi kèm với đà tăng tốc mở mới điểm bán củng cố tiềm năng Phúc Long sẽ trở thành công ty trà & cà phê số 1 tại Việt Nam trong vòng vài năm tới, hướng đến mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế.

MML: Dù giá thịt lợn hơi và thịt gia cầm thấp hơn đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của MML, doanh thu ghi nhận đà tăng trưởng đồng thời cải thiện biên lợi nhuận mạnh mẽ của mảng kinh doanh thịt mát; chiến lược gia tăng lượng hàng hóa bán để giảm chi phí sản xuất trên mỗi đơn vị sản phẩm bằng cách thu hẹp khoảng cách về giá với chợ truyền thống thể hiện kết quả khả quan.

Masan MEATLife thể hiện sức cộng hưởng với chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+

Trên cơ sở so sánh tương đương, doanh thu của MML tăng lần lượt là 34,3% trong Quý 4/2022 và 6,7% trong năm 2022 nhờ sản lượng thịt mát bán ra tăng. Doanh số bán hàng cao nhờ vào chiến lược thu hẹp khoảng cách về giá giữa thịt mát MEATDeli và thịt tại chợ truyền thống từ mức 40% vào đầu năm 2022 xuống chỉ còn 20% từ tháng 5/2022. Nhờ đó, sản lượng thịt mát bán ra trong nửa cuối năm 2022 tăng 30% so với nửa đầu năm.

Mặc dù việc thu hẹp khoảng cách về giá ban đầu làm biên lợi nhuận gộp của sản phẩm thịt mát giảm trong Quý 2/2022, việc tăng doanh số bán hàng và gia tăng công suất chế biến giúp giảm 32% chi phí chuyển đổi trên mỗi đơn vị sản phẩm trong Quý 4/2022 so với Quý 1/2022. Đà tăng trưởng đã cho thấy sự hiệu quả của chiến lược giảm chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm nhờ vào lợi thế quy mô, từ đó giúp MML tiến tới vị thế dẫn đầu thị trường về chi phí chế biến thịt mát trong dài hạn.

Trong Quý 4/2022, EBITDA của MML âm nhẹ do biên lợi nhuận gộp của mảng trang trại giảm từ 33,9% trong Quý 3/2022 xuống 11,4% trong Quý 4/2022. Mặt khác, biên lợi nhuận gộp mảng thịt heo có thương hiệu tăng từ -5,1% trong Quý 3/2022 lên 7,8% trong Quý 4/2022. Trong khi đó, nhờ tăng cường đòn bẩy kinh doanh, tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí quản lý chung trên doanh thu giảm lần lượt là 240 điểm cơ bản và 190 điểm cơ bản.

MHT: Doanh thu thuần của MHT trong năm 2022 đạt 15.550 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước do giá APT tăng, nhưng giảm 1,6% trong Quý 4/2022 do tác động tiêu cực từ hàm lượng khoáng sản thấp hơn ảnh hưởng đến Công ty Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (“NPMC”) và cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng với Chính sách Zero COVID của Trung Quốc tác động đến nguồn cầu đối với H.C.Starck (“HCS”).

Kể từ khi ký thỏa thuận đầu tư vào Nyobolt Limited (“Nyobolt”), công ty chuyên cung cấp các giải pháp pin Li-ion sạc nhanh, Ban Điều Hành đã không ngừng hợp tác với Nyobolt để phát triển danh mục sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm pin. Đây là một phần trong chiến lược đẩy mạnh chế biến sâu và ứng dụng vonfram có giá trị gia tăng cao.

Techcombank (“TCB”), công ty liên kết của Masan đóng góp 4.310 tỷ đồng EBITDA trong năm 2022, tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ. Thông tin chi tiết về kết quả tài chính của TCB vui lòng xem tại website của ngân hàng này.

Dự báo của Tập đoàn Masan và tình kinh kinh tế vĩ mô, trong năm tài chính 2023, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Masan ước tính sẽ từ 90.000 tỷ đồng – 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% - 31% so với mức 76.189 tỷ đồng trong năm 2022.

TCX vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu. NPAT Pre-MI ở các mảng kinh doanh chính (chưa bao gồm khoản thu nhập 1 lần) dự kiến sẽ nằm trong khoảng 4.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, đạt tỉ lệ tăng trưởng từ 4% đến 30% so với mức 3.852 tỷ đồng trong năm 2022. Trong trường hợp các điều kiện kinh tế vĩ mô xấu hơn như dự kiến và tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn tiếp diễn, Ban Điều Hành ước tính doanh thu sẽ tăng trưởng trong khoảng từ 10% đến 15%.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/05/2024