ISSN-2815-5823

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm sản tăng vọt trong 4 tháng đầu năm

(KDPT) - Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ghi nhận đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, những sản phẩm như cà phê, hoa quả, gỗ đang sáng cửa trở lại khi kim ngạch xuất khẩu tăng từ 23 -54%...

Trong kết quả chung 4 tháng đầu năm 2024 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm các mặt hàng nông sản đạt gần 11 tỷ USD, tăng 32,5%. Mặt hàng thủy sản đạt 2,7 tỷ USD, tăng 4,2%, Sản phẩm chăn nuôi ghi nhận mức 152 triệu USD, tăng 3,6%, gỗ và lâm sản ghi nhận đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều mặt hàng nông sản chính tăng trưởng cao

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong 4 tháng đầu năm 2024, các mặt hàng cụ thể trong nhóm nông sản đã có sự chuyển biến tích cực. Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt mức tăng trưởng cao nhất là 2,5 tỷ USD tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm 2023.

Xếp vị trí thứ hai là sản phẩm gạo, trong 4 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch đạt 1,93 tỷ USD tăng 23,7% về giá trị so với thời điểm cùng kỳ năm 2023. Các sản phẩm xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đang chiếm lĩnh những thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng gạo.

Trong đó, Philippines vẫn là quốc gia nhập khẩu gạo Việt lớn nhất, chiếm tới 46,4% về tổng sản lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đứng ở vị trí thứ hai là Indonesia khi chiếm trên 20% tổng sản lượng cũng như tổng kim ngạch nhập khẩu gạo trên cả nước.

Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch đạt 1,93 tỷ USD tăng 23,7% về giá trị so với thời điểm cùng kỳ năm 2023.
Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch đạt 1,93 tỷ USD tăng 23,7% về giá trị so với thời điểm cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng hàng hóa và gạo xuất khẩu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Trong đó, gạo chất lượng cao chiếm khoảng 3,2 triệu tấn, nhóm gạo thơm và gạo đặc sản chiếm khoảng 2,5 triệu tấn và nhóm gạo chất lượng trung bình ghi nhận đạt 1,15 triệu tấn còn nhóm gạo nếp chỉ khoảng 0,75 triệu tấn. Song, nếu thị trường vẫn duy trì kết quả xuất khẩu giống như 4 tháng đầu năm, nghĩa là mỗi tháng đạt khoảng 750 nghìn tấn/tháng thì dư địa thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay có thể lên tới 9 triệu tấn.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 số lượng gạo xuất khẩu chắc chắn sẽ vượt 4,5 triệu tấn. Vì thế, trong 6 tháng cuối năm số lượng gạo cần để xuất khẩu ước tính đạt 3,22 triệu tấn. Nếu như muốn đạt được mục tiêu này thì nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu gạo từ nước bạn để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu trong nửa cuối năm. Theo dự báo, trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ đạt đỉnh mới khoảng 5 tỷ USD.

Bên cạnh cà phê, lúa gạo thì rau quả cũng trở thành mặt hàng nông sản ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm nay, khi kim ngạch xuất khẩu ghi nhận đạt mức 1,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, trong năm 2024 ngành rau quả sẽ có những triển vọng theo hướng tích cực nhất là với thị trường Trung Quốc.

Điểm đáng chú ý là Việt Nam đang có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch đến đất nước tỷ dân và rất được yêu thích như tổ yến, sầu riêng, khoai lang, thanh long, nhãn, mít, dừa, xoài, măng cụt…

Xuất khẩu gỗ và đồ gỗ còn nhiều dư địa phát triển

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, trong 4 tháng đầu năm nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ đang lấy lại đà tăng trưởng khi đạt kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2023.

Cuối năm 2023 các chuyên gia đã đánh giá nhiều khả năng thị trường sẽ xuống đáy và phải chờ vài năm sau để có thể tăng trở lại. Tuy nhiên kết quả thực tế lại khá bất ngờ và khả quan khi trong 4 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đã lấy lại được đà tăng mạnh. Các doanh nghiệp cho biết số lượng đơn đặt hàng của họ đã tăng mạnh, lượng hàng tồn kho cũng vì thế giảm bớt.

Bên cạnh đó, thời gian đặt hàng và giao hàng được cải thiện nên tránh được những rủi ro biến động từ giá hay chi phí vận chuyển, chi phí nhân công… Trong tình hình hiện nay khi những xung đột quân sự vẫn đang căng thẳng, mà đơn hàng xuất khẩu gỗ lại có thể xuất khẩu, tăng kim ngạch là dấu hiệu đáng mừng. Từ kết quả khả quan trong 4 tháng đầu năm, ngành gỗ đã đặt ra mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu gỗ trong năm nay lên 17,5 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ đang lấy lại đà tăng trưởng khi đạt kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 4 tháng đầu năm, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ đang lấy lại đà tăng trưởng khi đạt kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2023.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã đưa ra nhận định hiện nay dư địa phát triển vẫn còn lớn, nhất là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như đồ nội thất bằng gỗ. Những sản phẩm về gỗ của Việt Nam đang được khách hàng quốc tế yêu thích, đáp ứng được những tiêu chí khắt khe cũng như thị hiếu của người sử dụng. Đồng thời, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được Việt Nam phê chuẩn cũng đã tạo cơ hội thuận lợi và trở thành động lực để ngành gỗ phát triển và tăng trưởng mạnh.

Trong 4 tháng đầu năm kết quả kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành nông, lâm sản đã mang đến những hi vọng khả quan cho các doanh nghiệp từ giờ đến hết năm, nhờ đó cũng sẽ giúp doanh nghiệp thoát khỏi những khó khăn về tài chính, bộ máy hoạt động./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024