ISSN-2815-5823
Thứ tư, 06h40 25/08/2021

Món quà đặc biệt dành tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(KDPT) – Bố đẻ của Đại tá Nguyễn Hồng Phong từng vinh dự là cận vệ phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời bình, Đại tá Nguyễn Hồng Phong cũng được làm việc cùng con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại Viện Kỹ thuật Phòng không – Không quân . Với lòng kính ngưỡng Đại tướng – người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Hồng Phong đã hun đúc và tận tâm làm nên tác phẩm pháo thần công “Tiếng vọng ngàn năm Thăng Long – Hà Nội” dâng tặng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong đã có hơn 30 năm công tác tại Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân (đến năm 2011, ông chuyển về Cục Kế hoạch và Đầu tư) và được đào tạo bài bản về chuyên ngành cơ khí vũ khí cùng với sự hun đúc, khát vọng đã thôi thúc Nguyễn Hồng Phong nghiên cứu, chế tạo thành công Thần pháo. Ông tự hào cho biết: “Thần pháo chứa đựng cả “tâm-tầm-trí-lực”, là tác phẩm nghệ thuật dựa trên nguyên mẫu khẩu pháo cổ được các nghệ nhân Bộ Quốc phòng thiết kế chế tác bằng nghệ thuật bố trí, sắp đặt, cách điệu kết hợp với kỹ nghệ điêu khắc tạo hình tinh xảo; tạo thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tái hiện loại binh khí cổ mà người Việt chế tạo ra để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc mình”.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong với mô hình tác phẩm Pháo thần công “Tiếng vọng ngàn năm Thăng Long – Hà Nội”.

Pháo thường gắn liền với sự kiện vui mừng hoan hỉ, ngày tết mọi người, mọi nơi chào đón năm mới bằng các chương trình bắn pháo hoa, và quan trọng hơn nữa là bắn pháo để mở màn lễ duyệt binh hay chào đón nguyên thủ quốc gia. Pháo thần công hiện lên trong ý thức người Việt là vũ khí bảo vệ độc lập chủ quyền, là biểu tượng của chiến đấu và chiến thắng trong suốt chiều dài lịch sử đất nước.

Ông đã mất nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu từ thế giới, đi khắp các nơi trong nước như Huế, Bắc Ninh… bất kỳ nơi nào có tư liệu, hình ảnh để ông khắc hoạ và ngay cả trên Google. Ngay khi hoàn thành những tác phẩm đầu tiên, Đại tá Nguyễn Hồng Phong đã dâng tặng món quà – khẩu pháo thần công – tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay lời chào mừng ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người anh Cả của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, là người chỉ huy quân đội làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đại thắng mùa Xuân 1975 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đối với ông, cuộc đời Đại tướng là tấm gương của một nhân cách văn hóa lớn, liêm khiết, giản dị và khoan dung, tấm gương đó đã được ghi tạc vào lòng nhân dân và tỏa sáng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực sự là đại diện cho một “thế hệ vàng” của dân tộc Việt Nam, ông là nhân vật lịch sử đã đạt tới một tầm cao về uy tín và lòng yêu kính của nhân dân cũng như sự nể trọng của bạn bè quốc tế, kể cả với những người từng là đối thủ của ông.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong luôn tâm huyết với những tác phẩm của mình.

Theo ông Phong, pháo thần công mang nhiều ý nghĩa và được chia làm từng phần, mỗi phần mang ý nghĩa sâu xa khác nhau. Trước hết, bệ đỡ là hình khối cách điệu cuốn sách đang mở ra, có chạm khắc họa tiết tường thành cổ; ở đây sách là nền tảng của tri thức, còn tường thành thể hiện sự vững chắc.

Hai bánh xe là “bánh xe lịch sử”, bề mặt chạm khắc họa tiết mặt trống đồng, với tia nắng mặt trời và đàn chim Lạc đang bay, tưởng nhớ về thời kỳ đầu dựng nước của các vua Hùng. Hai càng pháo là hình ảnh hai con rồng cuộn lên, tái hiện giấc mơ của đức vua Lý Thái Tổ báo hiệu một trang sử mới, một kinh đô Thăng Long – rồng bay ra đời.

Thân của tác phẩm là một khẩu pháo cổ, phần đuôi cách điệu như ngọn lửa, châm ngòi cho sự khởi đầu trường tồn của kinh đô nước Việt bằng bản chiếu dời đô của đức vua Lý Thái Tổ được khắc nguyên văn theo “Đại Việt sử ký toàn thư” với 214 chữ Hán.

Phần thân giữa chạm khắc biểu tượng “Thăng Long – Hà Nội-thành phố ngàn năm văn hiến”, hình ảnh Khuê Văn Các và nguyên mẫu rồng thời nhà Trần. Không những thế, theo cách nhìn ở góc độ nghệ thuật, từ trên cao xuống có thể thấy hình tượng rùa vàng, gợi nhớ từ hình ảnh thần Kim Quy giúp Thục Phán An Dương Vương xây thành Cổ Loa đến truyền thuyết “hoàn kiếm” của Lê Lợi. Một góc nhìn khác còn cho thấy hình ảnh như một chiếc nỏ thần…

Cái độc đáo làm nên giá trị của thần pháo, là từ một binh khí cổ, một ngôn ngữ chung của thế giới, Nguyễn Hồng Phong đã thể hiện được bề dày lịch sử của đất nước, và khát vọng hòa bình, khát vọng được chia sẻ. Đó không phải là sự mô phỏng, mà Nguyễn Hồng Phong dã dùng ngôn ngữ của nghệ thuật bố trí, sắp đặt, và điêu khắc để tạo nên một sản phẩm hoàn hảo và mang đậm hồn cốt Việt.

Ngày 4/10/2013, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại sự xúc động mạnh mẽ đối với hàng triệu đồng bào. Với Đại tá Nguyễn Hồng Phong cũng vậy, ông đã dành những tình cảm thiêng liêng đối với Đại tướng vào tác phẩm của mình để dâng tặng lên Đại tướng. Với ông, Đại tướng không chỉ là một vị tướng tài mà còn là một tấm gương về lòng yêu nước, sự giản dị và đức hi sinh và chính là những bài học lịch sử gần gũi và sinh động nhất mà may mắn gia đình ông vinh dự và tự hào có hai thế hệ được gắn bó với Đại tướng và gia đình.

NGUYỄN NGÂN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024