ISSN-2815-5823
Khánh Hà
Thứ hai, 10h09 08/04/2024

Mong mỏi ban hành sandbox cho fintech

(KDPT) - Nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh quá trình để ban hành Nghị định về sandbox để có hành lang pháp lý đầy đủ không chỉ bảo vệ quyền lợi của fintech mà còn cả người tiêu dùng, tránh rủi ro cho thị trường.

Tiến thoái lưỡng nan

Với dân số khoảng 100 triệu người trong độ tuổi trẻ, Việt Nam đang được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng tiềm năng, đặc biệt là trong thanh toán không dùng tiền mặt. Tập đoàn Robocash - tập đoàn tài chính chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính ở khu vực Châu Á và Châu Âu cho biết thị trường fintech của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực và dự báo sẽ đạt mức 18 tỷ USD năm 2024. Giao dịch tài chính qua điện thoại di động như thanh toán, cho vay, chuyển tiền đang bùng nổ ở Việt Nam.

Thị trường fintech của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực và dự báo sẽ đạt mức 18 tỷ USD năm 2024.
Thị trường fintech của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực và dự báo sẽ đạt mức 18 tỷ USD năm 2024.

Trong thời gian gần đây, các ngân hàng cũng đã bắt đầu áp dụng nhiều giải pháp fintech để nâng cao các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen và kích thích sản xuất tiêu dùng phát triển.

Tuy nhiên, nói như phía đại diện Ngân hàng Nhà nước, hiện nay lĩnh vực thanh toán đang được các ngân hàng thực hiện khá tốt, người dân được tạo điều kiện gửi tiết kiệm online qua ngân hàng thuận lợi. Song vị này cho rằng, cần giúp cho người dân có thể tiếp cận tài chính toàn diện kể cả với những khoản vay nhỏ lẻ được thực hiện trên môi trường điện tử, hay như để những vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận được. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, hiện ngân hàng vẫn đang còn thận trọng cho vay online bởi tính pháp lý chưa được cụ thể và dữ liệu cung cấp chưa sạch.

Trong lĩnh vực cho vay giải ngân ở thời điểm này giảm so với trước và nợ khó đòi tăng lên. (Ảnh: Thanh Niên)
Trong lĩnh vực cho vay giải ngân ở thời điểm này giảm so với trước và nợ khó đòi tăng lên. (Ảnh: Thanh Niên)

Một lãnh đạo doanh nghiệp fintech cho hay, trong lĩnh vực cho vay giải ngân ở thời điểm này giảm so với trước và nợ khó đòi tăng lên. Vị này cho rằng, do chưa có quy định nên rất rón rén thực hiện trong lĩnh vực cho vay bởi có thể rời khỏi thị trường bất kỳ lúc nào và triển vọng phát triển là rất mong manh.

Xác định tiêu dùng là 1 trong 3 động lực phục hồi kinh tế, vì vậy việc tạo điều kiện hỗ trợ để người dân có thể tiếp cận được vốn vay nhỏ lẻ sẽ góp phần kích thích sản xuất và tiêu dùng. Việc thiếu hành lang pháp lý không chỉ khiến các doanh nghiệp fintech gặp rủi ro mà còn khiến cho các nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng theo.

Các chuyên gia nhận định, có 2 rủi ro lớn cho các fintech cho vay đó là rủi ro pháp lý và tín dụng. Điều đáng tiếc là cho đến giờ phút này, dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox) vẫn chưa được ban hành. Mặc dù được bắt đầu phiên bản đầu tiên từ tháng 5/2020 với dự thảo lần 1 đã được Chính phủ công bố và lấy ý kiến các bên liên quan. Tới tháng 4/2022 mới đưa ra lấy ý kiến song vì nhiều lý do khác nhau mà chưa được thực hiện. Đến tháng 3/2024 một lần nữa được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.

Các chuyên gia nhận định, có 2 rủi ro lớn cho các fintech cho vay đó là rủi ro pháp lý và tín dụng.
Các chuyên gia nhận định, có 2 rủi ro lớn cho các fintech cho vay đó là rủi ro pháp lý và tín dụng.

Cơ hội lớn nếu có quy định về sandbox sớm

Trên thực tế, cả ngân hàng cũng như các công ty fintech đều đang mong ngóng Nghị định về sandbox cho fintech được ban hành để có cơ chế thử nghiệm cho vay trực tuyến. Luật sư Lê Văn An, Giám đốc Công ty luật ANLAW chia sẻ rằng, muốn kinh tế tăng trưởng mà không khuyến khích tiêu dùng thì làm sao được. Chúng ta không thể xem fintech như là ngân hàng song cần có sandbox để thử nghiệm và điều chỉnh dần. Nhưng đáng tiếc thay mãi vẫn chưa được ban hành.

Lý giải nguyên nhân chậm ban hành, về phía NHNN cho hay đây là Nghị định được xây dựng không dựa trên quy định tại cấp độ Luật nên quá trình xây dựng cần nhiều thời gian hơn. Trước khi ký thông qua thì Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định. Đó là chưa kể, việc cần phải rà soát cụ thể kỹ lượng với hệ thống quy phạm của pháp luật hiện hành do đây là vấn đề tiếp cận pháp lý mới, đòi hỏi thiết kế phải tỉ mỉ, cẩn trọng đảm bảo ổn định tài chính khi thực hiện trên thị trường. Hiện nay, theo dự thảo nghị định mới nhất thì NHNN đã cho phép thử nghiệm thu hẹp từ 6 giải pháp còn 3 giải pháp gồm: chấm điểm tín dụng; Open API và P2P Lending.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

Ở góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, Dự thảo Nghị định này đã đi qua nhiều bước và ông kỳ vọng, các cơ quan ban ngành cần sẽ sớm hoàn thành việc nghiên cứu và phê chuẩn đưa ra chương trình thử nghiệm và nên muộn nhất là tới giữa năm 2024. Một trong những vấn đề ông Hiếu đề cập tới là vấn đề bảo mật trong tất cả sandbox bởi hệ thống bảo mật ở Việt Nam vẫn đang được đánh giá là lỏng lẻo, kể cả với công nghệ tài chính Fintech. Do đó, ông cho rằng, chúng ta cần phải giải quyết vấn đề bảo mật trước tiếp đó mới bàn tới các kĩ thuật cao cho công nghệ tài chính này.

Khi có cơ chế sandbox cần có những hướng dẫn rõ ràng để các doanh nghiệp fintech hoạt động cũng như khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam. (Ảnh: The Saigontimes)
Khi có cơ chế sandbox cần có những hướng dẫn rõ ràng để các doanh nghiệp fintech hoạt động cũng như khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam. (Ảnh: The Saigontimes)

Sáng lập viên Trung tâm Fintech-Crypto RMIT (Đại học RMIT Việt Nam) TS. Phạm Nguyễn Anh Huy cho rằng khi có cơ chế sandbox cần có những hướng dẫn rõ ràng để các doanh nghiệp fintech hoạt động cũng như khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam. Ông cũng cho rằng, nếu không có cơ chế cho sandbox sớm rất có thể Việt Nam sẽ bỏ lỡ hoặc vuột mất cơ hội trở thành trung tâm fintech-blockchain trong bối cảnh các nước khác đang đẩy mạnh. Như vậy là, thị trường fintech Việt Nam muốn phát triển thì nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi là cần ban hành cơ chế sandbox cho fintech nhanh nhất và sớm nhất có thể./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 30/10/2024