ISSN-2815-5823

P2P lending là xu hướng tất yếu của kinh tế số, nhưng chỉ 10% doanh nghiệp Việt đáp ứng được tiêu chí Sandbox

(KDPT) - Mô hình hoạt động P2P lending vẫn chưa có thị phần lớn tại Việt Nam, tuy nhiên đây sẽ là xu hướng tất yếu của nền kinh tế số. Số lượng các doanh nghiệp P2P lending ngày càng nhiều hơn, song chỉ khoảng 10% số này được Sandbox "bật đèn xanh".

Không thể phủ nhận Việt Nam đang chứng kiến xu thế phát triển mạnh mẽ của hoạt động cho vay ngang hàng trong một vài năm nay, trong bối cảnh cả người dân và doanh nghiệp đều có nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngoài ngân hàng tăng cao.

Ứng dụng tối đa công nghệ tiên tiến

P2P lending - Cho vay ngang hàng là ứng dụng được xây dựng trên nền tảng công nghệ số 4.0, kết nối trực tiếp giữa người cho vay (nhà đầu tư) và người đi vay mà không cần thông qua trung gian tài chính. 

Tại Việt Nam, các nền tảng như Grap, Be… sẽ kết nối người lái xe với khách hàng, thì các công ty P2P lending sẽ cung cấp các gói vay tín chấp hoặc thế chấp, hay mua trả góp như: Vay trả góp theo ngày; vay tín chấp theo lương; vay theo sổ hộ khẩu, đăng ký xe, hóa đơn điện nước; vay cầm cố xe hơi đang thế chấp ngân hàng… cùng nhiều gói hỗ trợ tài chính khác đáp ứng nhu cầu thị trường.

P2P kết nối trực tiếp giữa người cho vay (nhà đầu tư) và người đi vay mà không cần thông qua trung gian tài chính.
P2P kết nối trực tiếp giữa người cho vay (nhà đầu tư) và người đi vay mà không cần thông qua trung gian tài chính.

Đối với người cho vay, P2P Lending sẽ giúp họ dễ dàng tăng lợi nhuận, phân tán rủi ro và có thêm cơ hội lựa chọn người đi vay.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (Fintech) như P2P lending đang xuất hiện nhiều hơn, đã mở ra kênh tiếp cận vốn mới cho các khách hàng không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng và giúp giảm đi tình trạng vay tín dụng đen.

Mức tăng trưởng ấn tượng

Hoạt động P2P Lending đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt từ nhiều năm trước tại một số quốc gia trên thế giới. Ghi nhận từ năm 2011-2015, Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 163%/năm; Tại Châu Âu là 87,3% và Anh là 109,4%. 

Tính riêng từ năm 2014-2017 tại Trung Quốc, dư nợ cho vay ngang hàng tăng 29 lần, đạt mức 1.000 tỷ USD. Tính chung trên toàn cầu trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường P2P Lending đạt xấp xỉ 120%. Cho vay ngang hàng hiện tại chỉ chưa bằng 1% so với cho vay truyền thống nhưng tốc độ tăng trưởng đạt 3 chữ số. Do đó, trong tương lai sẽ đạt quy mô ấn tượng. 

Tại Việt Nam, động lực thúc đẩy hoạt động P2P Lending đến từ việc sử dụng Internet là 49,7% và sử dụng Smartphone là 48,6%. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ phải vật lộn với việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và phải tìm đến những khoản vay từ nguồn phi truyền thống. 

P2P lending với kênh tín dụng ngân hàng truyền thống có phân khúc khách hàng khác nhau.
P2P lending với kênh tín dụng ngân hàng truyền thống có phân khúc khách hàng khác nhau.

Có một thực trạng dễ nhận thấy hiện nay, là việc quản lý và ứng xử của các Chính phủ đối với hoạt động P2P Lending tại các quốc gia có sự khác biệt đáng kể. Một số nước xem các công ty cung cấp dịch vụ này là một dạng khác của hoạt động kinh doanh ngân hàng, một số thì coi là một tổ chức trung gian, nhưng một số lại không thừa nhận đây là một hoạt động hợp pháp.

Với nhu cầu và mức tăng trưởng ấn tượng của hoạt động cho vay ngang hàng, Việt Nam đã sớm nhận thấy sự quan tâm và đầu tư của nhiều doanh nghiệp, hiện tại có khoảng 100 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực này. 

Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính VAYONLINE247 - ông Tạ Thanh Long cho biết, năm 2019 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến nhiều quốc gia phải giãn cách xã hội, điều này giúp thúc đẩy hoạt động P2P Lending khi giải quyết được các vấn đề giải ngân khoản vay cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà không cần tiếp xúc. Đây là một trong các ưu điểm vượt trội của hoạt động này.

Đánh giá về sức cạnh tranh trên thị trường, theo ông Long, P2P lending với kênh tín dụng ngân hàng truyền thống có phân khúc khách hàng khác nhau. Với P2P lending thường tập trung vào đối tượng có nhu cầu vay nhanh, ngắn hạn để xử lý công việc trong thời gian ngắn hoặc những khách hàng không đủ điều kiện để vay ngân hàng.

Các doanh nghiệp phải nỗ lực đáp ứng Sandbox

Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của P2P lending, Ngân hàng Nhà nước sắp có cơ chế cho phép thử nghiệm cho vay ngang hàng. Vậy, các doanh nghiệp P2P lending cần chuẩn bị những gì để đáp ứng những tiêu chí của cơ chế này?.

Chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trước đó các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đăng ký theo dự thảo của Ngân hàng Nhà nước, gồm: Đơn đăng ký tham gia; Giấy phép thành lập doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (không trong quá trình chia, tách, hợp nhất, chuyển đổi, sáp nhập, giải thể, phá sản); Văn bản mô tả về cơ cấu tổ chức và quản lý điều hành đối với giải pháp Fintech đăng ký thử nghiệm; Đề án mô tả giải pháp Fintech.

Doanh nghiệp P2P cần chuẩn bị thêm những nội dung như: Vốn điều lệ; danh mục các sản phẩm; quy trình quản trị rủi ro; quy trình kết nối nhà đầu tư và bên vay vốn; vấn đề lãi suất và phí…

Thị trường Việt Nam hiện nay có khoảng 100 công ty P2P, nhưng theo ước tính chỉ có khoảng 10% đơn vị đáp ứng được các tiêu chí của Sandbox.

Ngân hàng Nhà nước sắp có cơ chế cho phép thử nghiệm cho vay ngang hàng.
Ngân hàng Nhà nước sắp có cơ chế cho phép thử nghiệm cho vay ngang hàng.

Ông Hiếu cũng lưu ý thêm, sau khi được xét duyệt tham gia Sandbox, các công ty cho vay ngang hàng cần thường xuyên báo cáo lên cơ quan quản lý để tiếp tục được nhận các ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý, hướng tới mục tiêu nhận được “chứng chỉ tốt nghiệp”.

Đối với các cơ quan quản lý, nên thông báo danh sách các doanh nghiệp được phép tham gia chương trình Sandbox, hay bị loại trừ khỏi danh sách này một cách rộng rãi và có thời điểm cụ thể, để thị trường nhận biết được những đơn vị không đạt chuẩn./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024