ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ tư, 06h16 28/02/2024

Sandbox ảnh hưởng thế nào tới tương lai của P2P Lending?

(KDPT) - P2P Lending (cho vay ngang hàng) sẽ trở thành xu hướng trong giai đoạn tới nhờ nhu cầu tất yếu của thị trường nhưng rất cần sự hỗ trợ từ Sandbox. Cơ chế này đến nay vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng các công ty công ty P2P Lending chính thống vẫn đang chờ đợi và đặt niềm tin vào tương lai của ngành.

Sandbox là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ và mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn trong phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý, có những phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn chặn hậu quả nếu thất bại mà không ảnh hưởng lớn tới hệ thống tài chính quốc gia.

Cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế Sandbox hoàn chỉnh, dù vấn đề này được bàn thảo từ nhiều năm nay. Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân đầu tiên dẫn tới vấn đề này là do đây là lĩnh vực mới chưa từng có tiền lệ. Lý do quan trọng hơn cả là bản thân các đơn vị xây dựng Sandbox cũng ngại rủi ro đến với mình.

Dù chưa có Sandbox cụ thể nhưng các tổ chức P2P Lending chính thống vẫn cho thấy những kết quả nhất định. (Ảnh minh họa)

Theo VCCI, Việt Nam chưa có bất kỳ cơ chế thử nghiệm (theo đúng nghĩa) nào được ban hành dẫn tới việc các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, đơn cử như việc tốn thời gian và chi phí. Một số doanh nghiệp còn phải thay đổi cách thức vận hành mô hình kinh doanh để triển khai được các sản phẩm, dịch vụ. Chẳng hạn, thay vì tự mình triển khai thì doanh nghiệp phải thông qua một hay nhiều đơn vị khác đã có trên thị trường. Việc này làm tốn kém chi phí, gây mất thời gian và làm chậm quá trình mở rộng thị trường của doanh nghiệp.

Ngoài ra còn gây sao nhãng khỏi công việc chính. Thay vì có thể dồn hết sức lực để cải thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh thì doanh nghiệp lại mất nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề pháp lý chỉ để đưa được sản phẩm ra thị trường.

Cuối cùng là không đủ hấp dẫn với nhà đầu tư. Không ít doanh nghiệp gặp phải rào cản pháp lý, gây cản trở việc triển khai và mở rộng sản phẩm, cũng như khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Điều này sẽ làm hình ảnh doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư trở nên kém tốt đẹp, dẫn tới khó khăn trong việc kêu gọi vốn ở những vòng sau.

Trên thực tế, dù chưa có Sandbox cụ thể nhưng các tổ chức cung cấp dịch vụ P2P Lending chính thống đã và đang đem lại những lợi ích nhất định cho khách hàng. Trong nền kinh tế đầy biến động và sự ảnh hưởng lớn từ số hóa thì đây vẫn là lựa chọn đầy tiềm năng.

Tạo sự thuận tiện cho người đi vay

Các chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của các sàn tài chính hoạt động trong nền tảng công nghệ (Fintech) đã mở ra kênh tiếp cận vốn mới. Qua đó giúp được những khách hàng không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng và giảm thiểu rủi ro từ tín dụng đen. Người dùng có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn chính thống đã được kiểm duyệt.

Các công ty P2P Lending đưa ra những gói vay từ tín chấp, thế chấp tới mua trả góp như: Vay trả góp theo ngày, vay tín chấp theo lương, vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, vay cầm cố tài sản… và nhiều hỗ trợ tài chính khác theo nhu cầu thị trường.

Sự xuất hiện của các sàn tài chính hoạt động trong nền tảng công nghệ (Fintech) đã mở ra kênh tiếp cận vốn mới. (Ảnh minh họa)

Các sàn tài chính sẽ rút ngắn thời gian vay tiền nhờ hình thức cho vay đơn giản, khoản vay tiêu dùng vừa và nhỏ. Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động đăng ký, xét duyệt sẽ giúp rút ngắn thời gian đi vay của khách hàng. Ví dụ, thời gian để giải quyết một khoản vay từ khi đăng ký đến lúc giải ngân thậm chí có thể dưới 30 phút.

Nhà đầu tư thu lợi tốt hơn

Nhìn vào tổng quan, P2P lending mở ra một môi trường đầu tư mới với lợi nhuận hấp dẫn. Những khoản vay P2P mang tới lợi nhuận lên đến từ 15-20%/năm, gấp 2-3 lần so với ngân hàng. Điều đặc biệt là các khoản đầu tư P2P mang lại lợi nhuận cao, song lại có ít rủi ro tiềm ẩn.

Để tham gia sàn tài chính, khách hàng không cần có quá nhiều kiến thức chuyên ngành. P2P Lending sẽ mang lại một khoản lợi nhuận cao hơn, giảm rủi ro, tăng thêm sự lựa chọn cho người đi vay.

Công nghệ số hỗ trợ P2P Lending phát triển

Hiện nay, các nền tảng P2P Lending là các ứng dụng được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số 4.0, kết nối trực tiếp tới người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không cần qua trung gian tài chính.

Bên cạnh việc sở hữu hệ thống chấm điểm tín dụng riêng, sàn tài chính khi kết hợp với BigData và AI (trí tuệ nhân tạo) còn giúp hỗ trợ duyệt vay nhanh chóng, giảm thiểu tối đa rủi ro cho đơn vay.

BigData và AI hỗ trợ rất nhiều cho P2P Lending. (Ảnh minh họa)

Thực tế, những ưu điểm mà P2P Lending mang lại cho nền kinh tế là rất lớn. Nhưng khi chưa có một hành lang pháp lý cụ thể cho hoạt động này thì những công ty chân chính sẽ khó có thể phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh công bằng.

“Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending). Tuy nhiên, việc thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề. Về lý thuyết, P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhưng trên thực tiễn, hoạt động P2P - Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội", bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết.

Có thể thấy, cơ chế Sandbox tới nay vẫn còn bỏ ngỏ nhưng với tiềm năng thực tế, các công ty P2P - Lending chính thống có quyền chờ đợi và kỳ vọng cho tương lai của ngành. Thời gian tới, P2P Lending vẫn sẽ là xu hướng bởi nhu cầu tất yếu của thị trường. Song các cơ quan có thẩm quyền cần hỗ trợ tốt hơn để các tổ chức cho vay ngang hàng có thể cạnh tranh lành mạnh, an toàn./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024