ISSN-2815-5823

Cần cách tiếp cận chủ động với fintech

(KDPT) - Số lượng các công ty hoạt động hoặc tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp fintech đang tăng nhanh chóng.

Từ năm 2016 đến nay, ở Việt Nam số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực fintech đã tăng từ khoảng 40 công ty lên đến khoảng 200 công ty. Các công ty này ở nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau và đòi hỏi cần phải có khung pháp lý và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Thu hẹp phạm vi thử nghiệm

Dự thảo mới nhất về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng đã thu hẹp còn 3 lĩnh vực thử nghiệm mới bao gồm: Cho vay ngang hàng (P2P Lending), chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API).

Dự thảo mới nhất về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng đã thu hẹp còn 3 lĩnh vực thử nghiệm. (Ảnh minh họa)
Dự thảo mới nhất về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng đã thu hẹp còn 3 lĩnh vực thử nghiệm. (Ảnh minh họa)

Theo Ngân hàng Nhà nước, sở dĩ chỉ giữ lại nhóm 3 giải pháp và thu hẹp ba nhóm giải pháp gồm ứng dụng công nghệ blockchain, cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ và ứng dụng các công nghệ khác trong nghiệp vụ ngân hàng là do nhóm giải pháp fintech phù hợp với trình độ phát triển và năng lực quản lý của Việt Nam. Theo đó, thời gian thử nghiệm các giải pháp fintech tối đa 2 năm tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm. Ước tính nguồn lực cho vận hành một cơ chế thử nghiệm fintech cần từ 2-6 người và 1 cán bộ quản lý nên theo Ngân hàng Nhà nước là sẽ hạn chế và rất khó để có thể thực hiện cùng lúc tại một thời điểm.

Trên thực tế, khung pháp lý hoặc các quy định cụ thể cho hầu hết các lĩnh hoạt động của các công ty fintech là chưa có. Điều này có thể tiềm ẩn rủi ro, đặt ra nhiều thách thức về mặt chính sách cũng như các quy định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, sự cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính và các quyền lợi người tiêu dùng giữa các tổ chức tài chính truyền thống và công ty fintech.

Cơ chế thử nghiệm là một trong những công cụ và cách tiếp cận chính sách đang được rất nhiều nước áp dụng. (Ảnh minh họa)
Cơ chế thử nghiệm là một trong những công cụ và cách tiếp cận chính sách đang được rất nhiều nước áp dụng. (Ảnh minh họa)

Ở nhiều quốc gia trên thế giới các hoạt động này đã có cách tiếp cận chủ động với các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần sớm xây dựng khung pháp lý dưới hình thức nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm. Cơ chế thử nghiệm theo Ngân hàng Nhà nước hướng tới 4 mục tiêu chính: Hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch và hiệu quả; đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp fintech và phát triển các giải pháp phù hợp với nhu cầu thị trường; hạn chế rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi sử dụng các giải pháp fintech tham gia thử nghiệm; kết quả triển khai thử nghiệm được sử dụng làm căn cứ thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan.

“Ngóng” khung pháp lý

Có thể nói, cơ chế thử nghiệm là một trong những công cụ và cách tiếp cận chính sách đang được rất nhiều nước áp dụng. Việc đưa ra cơ này nhằm tăng tốc đổi mới sáng tạo, tăng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả ngành tài chính ngân hàng; các giao dịch thật được thực hiện trong một môi trường có kiểm soát, giới hạn về phạm vi. Bên cạnh đó là sự giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý hạn chế mức rủi ro thấp nhất và những hệ lụy phát sinh.

Ngành tài chính số Việt Nam có tiềm năng phát triển còn rất lớn và Fintech có sẵn nguồn lực công nghệ để cung ứng ngay cho thị trường. (Ảnh minh họa)
Ngành tài chính số Việt Nam có tiềm năng phát triển còn rất lớn và Fintech có sẵn nguồn lực công nghệ để cung ứng ngay cho thị trường. (Ảnh minh họa)

Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, các kiến thức về các nền tảng số và nhu cầu về dịch vụ số cao. Đó là những lý do được các chuyên gia dự báo rằng, năm 2024 thị trường fintech tại Việt Nam sẽ đạt 18 tỷ USD. Theo các chuyên gia, hoạt động chuyển đổi số của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực. Dự đoán một nửa dịch vụ ngân hàng Việt sẽ được số hóa trong năm 2024. Các ngân hàng đã không ngừng nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền thống để tiến tới những sản phẩm và trải nghiệm cá nhân hóa theo thời gian thực mà khách hàng mong đợi.

Ông Dương Quốc Anh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số
Ông Dương Quốc Anh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số

Trước thực trạng trên và nhận định về vấn đề này, ông Dương Quốc Anh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số nhận định, tại Việt Nam sự phát triển fintech rất nhanh, tiềm lực lớn nhưng còn nhiều hạn chế, rủi ro cho các nhà đầu tư do quy định pháp lý chưa rõ ràng, chưa đồng bộ. Một số quy định về thủ tục, xác định danh tính khách hàng, quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số; bảo mật thông tin cho khách hàng… là rất đáng ngại. Do đó, ông Dương Quốc Anh cho rằng, quan trọng nhất là phải xây dựng  khuôn khổ pháp lý.

Là doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính số, ông Tuấn Nguyễn - Chủ tịch của eCap Holding cho rằng, ngành tài chính số Việt Nam có tiềm năng phát triển còn rất lớn và fintech có sẵn nguồn lực công nghệ để cung ứng ngay cho thị trường. Tuy nhiên, đồng quan điểm với các chuyên gia, ông Tuấn Nguyễn cho rằng nên có ban hỗ trợ pháp lý cho các fintech vì có khi bản thân công ty fintech không muốn làm sai nhưng cũng chưa biết làm thế nào cho đúng vì chưa có quy định cụ thể.

TS. Lê Minh Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA)
TS. Lê Minh Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA)

TS Lê Minh Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, vấn đề khó hiện nay là khoảng cách giữa hoạch định và triển khai chính sách. Do đó, ông đề xuất các nhà hoạch định chính sách cần lắng nghe ý kiến từ phía các doanh nghiệp để đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý phù hợp, sát với thực tế nhất để doanh nghiệp yên tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Cho rằng khi sự phát triển của các fintech đang diễn ra mạnh mẽ, ông Nguyễn Thanh Minh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần OneSecond Việt Nam bày tỏ lo ngại đi kèm với điều đó lại không có hành lang pháp lý theo chuẩn cũng như chất lượng tư vấn hạn chế chính là đang đẩy rủi ro tài chính đến người tiêu dùng nhanh hơn.

Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI ông Cao Hoàng Anh cho biết, hiện nay thể chế chính sách liên quan đến kết nối dữ liệu đang có nhiều vướng mắc. Với các tổ chức ngân hàng thì việc thực hiện chuyển đổi số được dễ dàng hơn so với các doanh nghiệp khác. Do đó, cần để quá trình chuyển đổi số được diễn ra đồng bộ, để cùng tạo nên một nền tài chính số phát triển bền vững./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024