Tuyệt chiêu thời 4.0

Thời gian gần đây, người dùng mạng xã hội hay các công cụ mua sắm trực tuyến đã không còn xa lạ với các video livestream bán hàng, từ quần áo, giày, kính thời trang, mỹ phẩm cho tới các mặt hàng ít phổ biến hơn như dụng cụ gia đình, dụng cụ làm bếp, đồ trang điểm, quần áo…

Dịch Covid-19 với những lệnh giãn cách xã hội đã thay đổi hành vi và xu hướng tiêu dùng trên toàn thế giới, buộc doanh nghiệp phải thay đổi linh hoạt để tồn tại. Trong bối cảnh hầu hết hoạt động kinh doanh và tiếp thị đều dần chuyển sang hình thức trực tuyến, các nền tảng livestream đã tạo ra những dấu ấn mới.

Cùng với đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại nền tảng hạ tầng kết nối Internet và cấu hình của các thiết bị đầu cuối, tạo điều kiện không thể tốt hơn cho loại hình kinh doanh này có “đất diễn”.

Trên thực tế, phương thức kinh doanh được mệnh danh là “tuyệt chiêu thời 4.0” này cho thấy khả năng xâm chiếm mạnh mẽ môi trường bán hàng không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới – với các quốc gia đi đầu là Hàn Quốc, Trung Quốc.

Mô hình bán hàng livestream hay còn gọi là Social eCommerce trước đây thường gắn liền với kênh bán hàng trực tuyến của các chủ cửa hàng nhỏ lẻ. Hiện nay, hiệu quả bán hàng của livestream thu hút cả các thương hiệu lớn tham gia. Livestream đang là một cuộc đua đầy gay cấn trong ngành thương mại điện tử về nội dung, tính sáng tạo để thu hút người dùng. Tại Việt Nam, các sàn thương mại điện tử chính thức đầu tư mạnh vào livestream từ năm 2019. Xu hướng này diễn ra mạnh gần đây khi các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều thi nhau livestream.

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc coi livestream là một ngành nghề chính thức. Hàn Quốc thậm chí cho phép các bộ trưởng tham gia bán hàng trực tuyến để kích cầu mua sắm. Tại Việt Nam, thống kê doanh thu từ 4 sàn thương mại điện tử lớn từ đầu năm đến nay tăng 150%, trong đó có công lớn từ bán hàng livestream.

Livestream bán hàng có thể thu hút lượng khách xem lớn, xem lớn, mang lại hiệu quả cao.

Sự “lợi hại” của livestream

Hiện nay, mỗi ngày bình quân tại Việt Nam đang có khoảng từ 70-80 nghìn (phiên) livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội trong đó chủ yếu là Facebook.

Ngoài ra còn thêm khoảng 2.000- 3.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee live, Tiki Live, Lazada… Như vậy, tính bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream, với sự tham gia của hơn 50 nghìn nhà bán hàng. Tuy nhiên con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt tình hình Covdi-19 vẫn còn phức tạp. Livestream bán hàng trong những năm tới vẫn còn tăng trưởng mạnh mẽ.

Lazada Việt Nam cho biết, quý III/2020, số đơn hàng thành công thông qua kênh livestream của nền tảng này tăng hơn 50 lần so với cùng kỳ 2019. Tổng số nhà bán hàng và thương hiệu tham gia livestream tăng hơn 6,5 lần. Chỉ trong ngày 11/11, kênh LazLive thu hút hơn 11 triệu lượt xem.

Phía Shopee thì cho hay, trong suốt các ngày chiến dịch 12/12 vừa qua, có đến 450 triệu lượt xem được ghi nhận trên Shopee Live toàn Đông Nam Á. Những con số này đã cho thấy livestream là hình thức bán hàng online ưu việt, mang lại lợi ích cho cả người bán lẫn người mua.

Về phía các cửa hàng, họ vừa không cần tốn quá nhiều chi phí như khi setup (chuẩn bị) một cửa hàng vật lý, vừa dễ tiếp cận và tương tác ngay lập tức với khách để tiện tư vấn, chốt đơn hàng.

Trong khi đó, người mua cũng có thể cảm nhận sản phẩm một cách trực quan, nhanh chóng nhận được thông tin tư vấn, rất yên tâm khi có thể tận mắt nhìn thấy sản phẩm trước khi quyết định có bỏ tiền ra mua về hay không, phần nào tránh được tình trạng “mua hàng qua ảnh và thực tế”. Chính vì những ưu điểm của hình thức mua bán này, nhiều shop đã nghĩ ra các chiêu trò khi livestream để tăng tỷ lệ đặt hàng.

Đối với chị L.Hương (Hà Nội), việc xem livestream bán hàng đã trở thành thói quen. Việc đó giúp tiết kiệm thời gian, công sức vì có thể mua các sản phẩm cần thiết cho gia đình mà không cần ra cửa hàng. Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt. “Bạn sẽ mua đồ một cách vô tội vạ”, L.Hương thừa nhận. “Có ngày tôi hốt hoảng vì trả quá nhiều tiền cho 20 đơn hàng đặt trên livestream chỉ trong một đêm”.

Những giờ vàng, trưa từ 11-14h hay tối từ 19-21h, nhà nhà, người người livestream bán hàng. Thậm chí, nhiều cửa hàng giờ đây không còn chụp hay đăng tải sản phẩm nữa mà mỗi ngày chỉ livestream để bán là đã đủ.

Không thể phủ nhận 2020 chính là năm ghi dấu ấn đậm nét cho nghề livestream bán hàng. Có thể thấy, livestream với những điểm mạnh vốn có của mình, trở thành một xu hướng dẫn đầu trong thời gian sắp tới, hứa hẹn sẽ là công cụ tiếp thị, bán hàng hữu hiệu dành cho các doanh nghiệp, cũng như cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Với lượng chi phí thấp, cách vận hành đơn giản, sẽ không quá bất ngờ nếu đây trở thành một hình thức tiếp thị vô cùng hiệu quả trong tương lai gần.

HIỂU MINH