Thị trường chứng khoán chứng kiến “cú rơi mạnh”, nhà đầu tư nên hành rộng ra sao?Vàng và USD liên tục tăng giá, chứng khoán có bị “lép vế”?Định giá cổ phiếu chứng khoán đang ở mức cao

Nâng hàng thị trường, vốn nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam

Nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là một trong những mục tiêu cụ thể được đề ra đến năm 2025.

Từ năm 2018 cho đến tháng 3/2024, FTSE Russell đã đưa TTCK Việt Nam vào danh chờ nâng hạng. Trong khi đó, trong kỳ đánh giá hồi tháng 6/2023, MSCI vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng.

Có thể thấy, Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí của FTSE (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging) tuy nhiên đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI mới đáp ứng 8/17 tiêu chí - tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI khắt khe và không linh hoạt bằng việc phân loại của FTSE Russell.

Thị trường chứng khoán hy vọng nâng hạng lên mới nổi.
Thị trường chứng khoán hy vọng nâng hạng lên mới nổi.

Tại hội thảo về nâng hạng TTCK ngày 16/4, Th.s Vũ Thanh Tùng - Đại học Tài chính Marketing cho rằng, nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng thì sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho thị trường tài chính Việt Nam nói riêng và toàn bộ nền kinh` tế nước ta nói chung.

“Nâng hạng TTCK sẽ giúp thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp đổ vào TTCK Việt Nam, cũng như sự tham gia của số lượng lớn các tổ chức nước ngoài uy tín có quy mô lớn, từ đó sẽ gia tăng mạnh mẽ tính thanh khoản của TTCK nước ta”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, so với thị trường vận biên, rõ ràng thị trường mới nổi có tiềm năng phát triển, quy mô và chất lượng lớn hơn. Dòng vốn đầu tư vào thị trường mới nổi cũng sẽ ổn định và mang tính dài hạn hơn. Nâng hạng thị trường sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là các nguồn đầu tư thụ động như các quỹ ETF quốc tế.

Theo World Bank (2023), ước tính khoảng 7,2 tỷ USD vốn gián tiếp nước ngoài dự kiến sẽ chảy vào thị trường Việt Nam ngay sau khi được nâng hạng; mang lại tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.

Ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước
Ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

Theo ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), việc nâng hạng TTCK sẽ là tín hiệu quan trọng cho thấy Việt Nam đang trên đà phát triển thành một nền kinh tế thị trường theo đúng bản chất. Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn.

“Việc này sẽ là cú hích gián tiếp dành cho mục tiêu từng bước nâng bậc tín nhiệm quốc gia theo “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, việc nâng hạng cũng giúp cải thiện khả năng định giá cổ phiếu. Giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp tham gia đánh giá, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và đánh giá đúng tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp.

“Việc cải thiện định giá này sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hoá, giúp cho việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có thể thu được nguồn thu cao hơn cho Ngân sách Nhà nước”, ông Dũng nêu.

Một lợi ích nữa là việc nâng hạng sẽ giúp gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn trên thị trường (hiện nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đang chiếm hơn 90% trên thị trường). Điều này làm tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư, giảm thiểu các biến động mạnh của thị trường do bị tác động tâm lý của số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân.

“Các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước chịu áp lực buộc phải nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu theo chuẩn mực quốc tế”, ông Dũng nói.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo.
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo.

Chưa kể, theo đại diện UBCKNN, việc TTCK mở rộng và phát triển là điểm đến hấp dẫn trong quá trình huy động vốn của thị trường vốn cổ phần của các công ty khởi nghiệp sáng tạo, công ty cổ phần nhỏ và vừa, các công ty cổ phần lớn chưa niêm yết, hỗ trợ cho các hoạt động chào bán lần đầu ra công chúng (IPO)…

Không ít thách thức

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng có không ít thách thức khi nâng hạng thị trường chứng khoán.

Theo ông Vũ Chí Dũng, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK có thể gây tác động đến mức độ biến động của TTCK do tác động đến tâm lý thị trường; gây áp lực cho thị trường ngoại hối do gia tăng nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ - tiền đồng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, hoạt động giao dịch tăng mạnh, có thể cao hơn nhiều lần so với bình thường, gây áp lực đến hệ thống giao dịch, thanh toán của thành viên thị trường.

TS. Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng cục thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cũng cho rằng, để nâng hạng thị trường chứng khoán, còn rất nhiều giải pháp cần thực hiện và nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Theo ông, việc triển khai nhanh chóng hệ thống KRX được xem là bước đi quan trọng, đồng thời cần giải quyết các vấn đề như thực hiện yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding), cải thiện giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán.

Việt Nam đã tiến hành hàng loạt giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán.
Việt Nam đã tiến hành hàng loạt giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán.

Theo TS. Phụng, số các doanh nghiệp phát hành có quy mô lớn hơn 1 tỷ USD tính đến thời điểm quý I/2024 còn quá ít, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong 4 năm gần đây, thị trường không ghi nhận hoạt động IPO và đưa cổ phiếu lên sàn với quy mô lớn.

“Sự tồn tại của nhiều mã cố phiếu bị hạn chế giao dịch, các mã cổ phiếu có giá thấp hơn mệnh giá, nhiều mã cổ phiếu hầu như không có giao dịch trên thị trường, sự thiếu vắng những thương vụ IPO mới với những hàng có chất lượng... là những hạn chế dễ dàng nhận thấy”, ông Phụng nêu và cho rằng, vấn đề chất lượng hàng hóa trên thị trường còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu.

TS. Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng cục thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế)
TS. Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng cục thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế)

Cho rằng việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK là rất quan trọng, TS Nguyễn Văn Phụng đề nghị cần làm rõ và thu hẹp dần danh mục ngành nghề hạn chế sở hữu nước ngoài tại các luật liên quan; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường…

Thêm nữa, theo ông Phụng, cần thẩm định, giám sát chặt chẽ việc phát hành chứng khoán; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích theo phương án phát hành được cấp phép theo quy định pháp luật; kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin của các doanh nghiệp huy động vốn trên TTCK; giám sát việc cung cấp dịch vụ kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán, bảo đảm độ tin cậy, minh bạch”, ông Phụng nêu./.