ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 02h02 08/06/2019

Nét nghệ thuật độc đáo hiếm có trong nền văn hóa Thăng Long – Hà Nội

(KDPT) – Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, ca trù vẫn được lưu giữ và phát triển; cho đến ngày nay, ca trù đã và đang trong giai đoạn phục hồi, là niềm tự hào không chỉ của người dân Hà Nội mà nó đã trở thành một di sản nghệ thuật của cả nước……

Cho đến nay, những tư liệu chữ viết cho thông tin về ca trù sớm nhất là vào thế kỷ XV, theo “Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn” của Tiến sĩ Lê Đức Mao soạn thảo trước năm 1505 chép trong “Lê tộc gia phả”. Bên cạnh đó, những tư liệu khảo cổ học sớm nhất ghi nhận ca trù là bức chạm khắc đàn đáy, tìm thấy ở một số ngôi đình, chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVI. Ca trù tuy có nguồn cội từ lối hát dân gian nhưng khi vào đến chốn cung đình đã được sự nghiên cứu chỉnh sửa của các chuyên gia về âm luật trong chốn cung đình nên đã trở thành một bộ môn nghệ thuật sâu sắc và có tính thẩm mỹ cao. Và loại hình nghệ thuật độc đáo này thường được dùng trong các dịp yến tiệc, khánh tiết và tiếp đãi sứ thần.

Nghệ thuật ca trù được các nhà nghiên cứu xem là một nét nghệ thuật độc đáo hiếm có trong nền văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Dòng nhạc ca trù ở đất Hà thành vẫn phát triển theo nhịp sống riêng của nó, nhưng vào đầu thế kỷ XX, lối ăn chơi của người phương Tây đã tràn vào Việt Nam, Hà Nội và các tỉnh thành lân cận rộ lên “cơn sốt” đào rượu. Các quán cô đầu thi nhau mọc lên và các chủ quán lợi dụng lối hát ả đào để câu khách bằng cách thuê vài cặp đào kép giỏi nghề cầm ca hát mua vui, còn các cô không biết hát thì chuốc rượu cho khách được gọi là đào rượu. Cho đến năm 1945, chính quyền đã dẹp nạn đào rượu, người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung cũng “ác cảm” lây với lối hát ca trù. Các đào nương, kép đàn đã từng một thời vang bóng cùng giấu phách, giấu đàn và không dám nhắc đến hai từ ca trù nữa. Và rồi dòng nhạc này cũng từ đó dần bị lãng quên và phai nhạt theo thời gian.

Tuy ca trù trải qua những bước thăng trầm, có lúc tưởng chừng bị thất truyền như không thể tồn tại được, song rất may đã có nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát là người có công đầu tiên trong việc tuyên truyền giá trị nghệ thuật của ca trù. Phải đến năm 1976, cố GS Trần Văn Khê ở Pháp về nước đã tìm và thu băng giọng hát của bà Quách Thị Hồ đem đi giới thiệu với thế giới. Đến năm 1978, Hội đồng âm nhạc quốc tế của UNESCO và Viện nghiên cứu quốc tế về âm nhạc đã trao bằng danh dự cho bà. Và từ đó cho đến nay, ca trù tiếp tục được duy trì và phát triển. Cùng với sự nỗ lực của một số đào nương và một số nghệ nhân, nghệ sĩ, sau đó là một vài CLB nhỏ lẻ tiếp bước nhưng tất cả đều chỉ dừng lại ở mức độ hoạt động tự phát. Và từ năm 2000 đến nay, đã có nhiều cuộc liên hoan ca trù được tổ chức. Năm 2005, Bộ Văn hóa-thông tin (nay Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch) đã chỉ đạo Viện âm nhạc Việt Nam hoàn tất hồ sơ về ca trù để đền nghị UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể truyền miệng của nhân loại.

Nhắc đến ca trù, không thể không nhắc đến nghệ nhân Quách Thị Hồ, người nghệ sĩ lớn của nghệ thuật ca trù Việt Nam trong thế kỷ 20. Mẹ bà là một danh ca, đã từng đạt giải á nguyên trong một cuộc thi hát. Chính vì vậy, bà đã sớm đi theo nghiệp cầm ca của mẹ, lần hồi qua rất nhiều tiệc tùng chốn cao môn lệnh tộc, bao đình đề trong các làng quê Bắc Bộ. Tiếng phách tre và giọng hát lạ lùng, có sức hút ghê gớm của bà đã từng làm bao thực khách nghe sành sỏi phải mê tới. Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi một tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài ấy.

Nghệ nhân Bích Vân – Chủ nhiệm CLB ca trù Thăng Long, là lớp nghệ nhân thứ tư đã nhiều năm theo học các nghệ nhân tên tuổi và có nhiều năm gắn bó với nghệ thuật ca trù tâm sự: Đối với tôi, nghệ thuật ca trù không có bờ bến, càng học càng thấy thiếu. Do xuất thân trong một gia đình làm nghệ thuật, bản thân lại có năng khiếu về văn chương (từng đạt giải nhất môn Văn lớp 10 TP Hà Nội năm 1975) và theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nên ngay từ năm 1985, Bích Vân đã chọn cho mình con đường riêng đó là ca trù truyền thống. Chị được tiếp xúc rất nhiều và học hỏi các nghệ nhân hàng đầu trong dòng nghệ thuật ca trù như: Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Chu Văn Du…(lúc đó gọi là hát cô đầu). Ở thời điểm đó, theo học ca trù gặp rất nhiều khó khăn, hơn nữa các cụ lại giấu nghề nên đòi hỏi người học phải rất kiên trì, chịu khó học lỏm thì mới có thể hát được.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân, ca trù đã góp phần làm tôn lên giá trị văn hóa phi vật thể của Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Nói đến Thăng Long không thể không nói đến ca trù. Đây là một di sản vô cùng quý báu đòi hỏi mỗi chúng ta cần phải có ý thức bảo tồn và phát huy. Thực tế cho thấy, đã có một thời gian dài chúng ta không đánh giá hết tinh hoa của loại hình nghệ thuật ca trù. Ca trù từng được biểu diễn ở cung đình trở thành tâm linh cho đến cuộc sống đời thường phục vụ giới thượng lưu…

Tuy ca trù đã từng một thời gian dài bị lãng quên, nhưng nay đang dần được khôi phục và phát triển. Nghệ thuật ca trù hiện được nhiều người quan tâm và nó đã giúp các bạn trẻ nhận thức được giá trị đích thực của nó chứ không phải là thú ăn chơi đàn điếm. Hiện đã có nhiều bạn trẻ từ 17 – 20 tuổi đang theo học và hát ca trù. Song theo nhà nghiên cứu Giang Quân thì người hát ca trù phải có chất giọng tốt, phải là tay phách cừ (đệm cho ca nương hát). Và ông đề nghị: Cần khôi phục lại một số ca quán ở khu phố cổ kết hợp với du lịch nhằm tuyên truyền, giới thiệu văn hóa truyền thống của Thăng Long-Hà Nội cho du khách trong và ngoài nước. Mặt khác, Nhà nước và các ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với di sản nghệ thuật ca trù, có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với các nghệ nhân để họ tâm huyết truyền nghề cho lớp trẻ.

Theo Pháp luật và xã hội



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/01/2025