ISSN-2815-5823
Thứ năm, 01h30 18/10/2018

Ngắm những công trình trăm tuổi ở Thủ đô

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

(KDPT) – Sau cả thế kỷ ra đời, Nhà hát lớn, Bắc Bộ Phủ, chợ Đồng Xuân vẫn tồn tại và phục vụ nhiều công năng khác nhau…

Kiến trúc của Bảo tàng Louis Finot thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp khi xưa

Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng lịch sử ngày nay) thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (École Française d’Extrème – Orient), do các kiến trúc sư C.Batteur và E.Hébrard thiết kế năm 1925 có thể được coi là một đại diện lớn của phong cách Kiến trúc Đông Dương, một phong cách nỗ lực kết hợp các giá trị của nền kiến trúc Pháp với các giá trị kiến trúc bản địa.

Công trình được khởi công năm 1926 và hoàn thành năm 1932 trên khu đất phía sau Nhà hát lớn, chạy dọc theo bờ đê sông Hồng và là điểm kết thúc của tuyến phố Quaï Guillemoto (phố Trần Quang Khải ngày nay), một vị trí có thể tạo ra điểm nhấn kiến trúc cho tuyến đường bờ đê.

Ngày nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vẫn thường xuyên có các buổi triển lãm, trưng bày hiện vật lịch sử.

Nǎm 1958, người Pháp bàn giao lại ngôi nhà này cho chính quyền cách mạng mới. Hiện nay, công trình Bảo tàng Louis Finot trở thành trụ sở chính của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, số 1 Tràng Tiền.

Nhà khách Chính phủ

Phủ thống sứ Bắc Kỳ – cơ quan đầu não của chính quyền thực dân Pháp tại miền Bắc Việt Nam xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 20

Tọa lạc tại số 12 phố Ngô Quyền, tòa nhà Bắc Bộ phủ là một di tích lịch sử quan trọng của thủ đô Hà Nội, đặc biệt nơi đây gắn liền với sự kiện Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Tòa nhà này được xây dựng vào năm 1918-1919 để làm Phủ thống sứ Bắc Kỳ – cơ quan đầu não của chính quyền thực dân Pháp tại miền Bắc Việt Nam.

Công trình là đại diện tiêu biểu cho kiến trúc tân cổ điển thời Pháp thuộc với bố cục các mặt đăng đối, mặt đứng với hàng cột cổ điển khỏe khoắn cùng những chi tiết Baroque, Phục hưng.

Nhà khách Chính phủ vẫn còn nguyên giá trị về mặt lịch sử và được sử dụng tới ngày nay.

Sau khi giải phóng Thủ đô (10-10-1954), Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành Nhà khách Chính phủ. Ngày nay, tòa nhà là nơi đón tiếp những đoàn khách quan trọng đến từ các quốc gia trên thế giới.

Khách sạn Metropole Hà Nội

Hình ảnh của Khách sạn Metropole trên bưu thiếp những năm đầu thế kỉ 20

Khách sạn được xây dựng năm 1901 bởi 2 nhà đầu tư người Pháp. Sofitel Metropole Hà Nội đã vinh dự kỉ niệm dấu ấn hơn một thế kỉ hoạt động và luôn được coi là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều doanh nhân và khách du lịch.

Metropole là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Hà Nội và cũng là khách sạn lâu đời nhất ở thủ đô, tự hào về lịch sử hoạt động của mình với tên tuổi của rất nhiều nhân vật nổi tiếng và các nhà chính khách quốc tế đã từng nghỉ tại khách sạn.

Hiện nay, khách sạn Metropole vẫn là cái tên được nhiều chính khách nước ngoài lựa chọn khi tới Việt Nam.

Nhà thờ lớn Hà Nội

Nhà thờ Lớn hay Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse được xây dựng theo phong cách tân Gothic của thế kỷ 19, với nhiều chi tiết phỏng theo phong cách kiến trúc của nhà thờ Đức Bà Paris. Hiện nay, đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đông đảo giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội và cũng là một điểm tham quan thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Bưu điện thành phố Hà Nội

Sở Bưu điện Hà Nội gồm tòa nhà hướng ra phố Đinh Tiên Hoàng và Lê Thạch (xây dựng vào các năm 1893-1899) và tòa nhà ở góc phố Đinh Tiên Hoàng và Đinh Lễ (xây dựng vào năm 1942). Công trình được người Pháp cho xây dựng kể từ khi Hà Nội được quy hoạch và mở rộng với việc lấy khu vực Hồ Gươm làm trung tâm. Ngày nay, hai tòa nhà của Sở Bưu điện Hà Nội do Bưu điện thành phố quản lý và sử dụng.

Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

Kiến trúc cổ của Viện Đại học Đông Dương

Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập năm 1956, là một trường đại học khoa học cơ bản đa ngành, đa lĩnh vực. Địa điểm của trường tại 19 phố Lê Thánh Tông – Hà Nội, vốn trước Cách mạng tháng Tám, là địa điểm của Viện Đại học Đông Dương.

Tòa nhà mang phong cách “Kiến trúc Đông Dương” kết hợp giữa kiến trúc kinh viện Châu Âu với các thành phần và giải pháp kiến trúc bản địa được xây dựng ở Hà Nội do kiến trúc sư E.Hébrard thiết kế năm 1924. Công trình được coi là một điểm nhấn về nghệ thuật kiến trúc tại Hà Nội. Hiệu trưởng đầu tiên của trường là ông Ngụy Như Kon Tum.

Công trình hiện nay là niềm tự hào của mỗi sinh viên tại trường Đại học Dược Hà Nội.

Đến nay, Đại học Đông Dương vẫn được coi là công trình có giá trị lớn về mỹ thuật và kỹ thuật theo lối kiến trúc hiện đại. Công trình hiện được Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội quản lý và sử dụng.

Tòa nhà trụ sở Bộ Ngoài giao

Sở tài chính Đông Dương được xem là một trong những tòa nhà có kiến trúc đẹp nhất ở Hà Nội

Tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại giao trước kia, tòa nhà là Sở tài chính Đông Dương và được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm Trụ sở của Bộ Ngoại giao từ ngày 3-10-1945. Tòa nhà còn có tên khác là nhà trăm mái, nằm trên trục phố Chu Văn An cắt hai đường Điện Biên Phủ và Tôn Thất Đàm, ở giữa nối thẳng với quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây được xem là một trong những tòa nhà có kiến trúc đẹp nhất ở Hà Nội. Công trình được kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế năm 1924, khởi công xây dựng năm 1925 và hoàn thành năm 1928, theo Đồ án Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, chính trị Đông Dương.

Tòa nhà nay là trụ sở của Bộ Ngoại giao.

Trải qua gần trăm năm lịch sử, tòa nhà được đánh giá có kiến trúc đẹp, nổi bật tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Đông, là một trong những công trình tiêu biểu cho vẻ đẹp kiến trúc đô thị và sự hấp dẫn của Thủ đô.

Phủ Chủ tịch

Kiến trúc hoành tráng của Phủ Toàn quyền Đông Dương vào đầu thế kỉ 20

Phủ chủ tịch, trước đây là Công trình Phủ Toàn quyền Đông Dương (tiếng Pháp: Palais du Gouvernement général de l’Indochine) tại Hà Nội do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder thiết kế và được xây dựng trong những năm 1901-1906 với quy mô hoành tráng, uy nghiêm và quyền lực.

Việc xây dựng được khởi xướng bởi Toàn quyền Paul Doumer. Tòa nhà là một trong những dinh thự lớn nhất được Pháp xây ở Đông Dương gồm 30 phòng, mỗi phòng có một phong cách trang trí khác nhau. Theo thiết kế ban đầu dành cho phủ Toàn quyền Đông Dương, mặt bằng của tòa nhà được thiết kế đối xứng, có một khối lớn ở giữa và hai khối ở hai bên.

Ngày nay, Phủ Chủ tịch là nơi diễn ra lễ đón tiếp cấp cao, các chuyến viếng thăm của nguyên thủ nước ngoài tới Việt Nam.

Năm 1954, Việt Nam đánh bại Pháp tại chiến dịch Điện Biên Phủ và chuyển chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về Hà Nội. Nơi đây được dùng làm công thự cho Chủ tịch nước và bộ máy cơ quan giúp việc. Từ đó có tên gọi chính thức là Phủ Chủ tịch cho đến ngày nay.

Nhà hát lớn Hà Nội

Nhà hát lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền, gần hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. So với các nhà hát ở TP HCM và Hải Phòng, Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất và trở thành một hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.

Cầu Long Biên

Tên đầu tiên của cầu Long Biên được đặt theo tên của viên toàn quyền Đông Dương Paul Doumer

Cầu Long Biên – chứng nhân của lịch sử vẫn còn được sử dụng tới tận ngày nay.

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, do Pháp xây dựng (1898-1902). Tên ban đầu của cầu Long Biên có tên là Doumer, được đặt theo tên của viên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer lúc bấy giờ. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ 1899 -1902 – Daydé & Pillé – Paris. Cầu Long Biên cũng là một biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Trung tâm thương mại Tràng Tiền

Bách hóa Tổng hợp đã từng là biểu tượng thương mại và là một phần trong tâm khảm người Hà Nội xưa.

Tòa nhà nay là Trung tâm Thương mại Tràng Tiền được người Pháp xây dựng lần đầu vào năm 1901 với tên gọi Maison Godard (Nhà Godard), Maison Godard được xem là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn trước đó chỉ có các chợ truyền thống và chỉ phục vụ các khách hàng người Pháp và người Việt giàu có.

Đến năm 1960, tòa nhà được đổi tên thành Bách hóa Tổng hợp và trở thành cửa hàng lớn nhất miền Bắc thời bao cấp. Bách hóa Tổng hợp đã trở thành biểu tượng thương mại và là một phần không thể thiếu của người dân Hà Nội khi ấy.

Tràng Tiền Plaza là một địa điểm xa xỉ ngày nay

Trải qua hơn một thế kỷ với biết bao nhiêu thăng trầm, Tràng Tiền Plaza là một trong những chứng nhân lịch sử trường tồn bất chấp thời gian và trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng mỗi khi nhắc về Hà Nội.

Chợ Đồng Xuân

Hình ảnh chợ Đồng Xuân trên bưu thiếp.

Chợ Đồng Xuân là một biểu tượng đặc trưng của Hà Nội.

Đây là một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội. Trong thời gian xây dựng lại thành Thăng Long vào mùa hạ năm Giáp Tí (1804), Tổng trấn Nguyễn Văn Thành dưới triều đại Nguyễn đã cho đặt ngôi chợ lớn ở cửa chính đông, hay còn gọi là chợ Đồng Xuân ngày nay.

Năm 1890 chính quyền Pháp mới bắt đầu xây dựng chợ Đồng Xuân, tạo thành năm vòm cửa và năm nhà cầu dài 52 m, cao 19 m. Chợ Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ, xung quanh là phố Đồng Xuân, Hàng Khoai, Cầu Đông, ngõ Chợ Đồng Xuân. Ngày nay, chợ là điểm tham quan, mua sắm được du khách yêu thích.

Ngân hàng Đông Dương (Banque de I’Indochine, viết tắt là BIC), công trình do Kiến trúc sư Félix Dumail thiết kế và xây dựng năm 1930. Ngoài trụ sở ngân hàng Đông Dương tại Hà Nội còn có các công trình khác tại Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh.

Theo: phapluatxahoi.vn

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024