Ngành bán lẻ công nghệ kỳ vọng lợi nhuận phục hồi mạnh từ nửa cuối năm 2024
Trong năm 2023 vừa qua, áp lực cạnh tranh gia tăng khiến các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ bước vào cuộc chiến cạnh tranh về giá nhằm gia tăng thị phần. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng yếu trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm đã dẫn tới việc kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp suy giảm, thậm chí là thua lỗ.
Đơn cử, năm 2023, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG) ghi nhận 118.279,8 tỷ đồng doanh thu, giảm 11,3% so với năm 2022. Lợi nhuận trong năm vừa qua của MWG là 167,8 tỷ đồng, giảm 95,9% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 4% kế hoạch (tương đương lãi 4.200 tỷ đồng). Biên lợi nhuận ròng giảm từ 3,07% xuống 0,14% - mức thấp nhất kể từ khi niêm yết trên sàn năm 2014 đến nay.
Ở diễn biến khác, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT) ghi nhận doanh thu 31.849,6 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 5,6% so với năm 2022 trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ kỷ lục 329,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 398,1 tỷ đồng.
Bước sang năm 2024, các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ đều đặt kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng cao.
Chẳng hạn với Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động lên kế hoạch năm 2024 đạt doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 6%, lợi nhuận sau thuế đạt 2.400 tỷ đồng, gấp 14,2 lần so với năm 2023.
MWG cho biết, công ty có dư địa để củng cố doanh thu cũng như cải thiện mạnh mẽ chi tiêu lợi nhuận nhờ cuộc tái cấu trúc toàn diện bắt đầu từ quý IV/2023 với những thay đổi quyết liệt hướng đến nâng cao hiệu quả vận hành cùng với nền tảng tài chính lành mạnh, thị phần của chuỗi Thế giới Di động, Topzone, Điện máy xanh, An Khang và AVAKids. Trong đó, chuỗi Bách hóa xanh được kỳ vọng sẽ bắt đầu mang lại lợi nhuận kể từ năm 2024.
Nguồn tin từ Reuters cho biết, Công ty CDH Investments của Trung Quốc đang tiến hành đàm phán để mua tối đa 10% cổ phần của chuỗi Bách hóa xanh. Nếu như thỏa thuận này thành công, định giá của Bách hóa xanh có thể lên đến 1,7 tỷ USD. Về phía Đầu tư Thế giới Di động cho biết, kế hoạch bán vốn chuỗi Bách hóa xanh vẫn đang trong quá trình thực hiện và dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm nay.
Với Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail), mặc dù kế hoạch kinh doanh năm 2024 chưa được công bố, nhưng đại diện doanh nghiệp này cho biết, trong ngắn hạn, thị trường ICT có sức mua ở mảng điện thoại và laptop vẫn còn yếu do yếu tố vĩ mô chưa cải thiện nhiều cũng như chưa có các sản phẩm đột phá để tạo nhu cầu mới.
Tuy nhiên, xét về ngành bán lẻ nói chung trong năm 2024, một số yếu tố có khả năng sẽ cải thiện tốt. Có thể kể đến như áp lực từ chi phí lãi vay cao so với cùng kỳ năm trước được kỳ vọng sẽ lắng xuống nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô dần cải thiện, đưa ra nhiều quyết sách để kích thích nền kinh tế, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng. Ngoài ra, vị lãnh đạo doanh nghiệp này còn cho biết sức mua sẽ dần cải thiện và thị trường bán lẻ có thể phục hồi mạnh mẽ hơn từ nửa cuối năm 2024.
Cuộc chiến về giá dần hạ nhiệt
Trước bối cảnh nhu cầu tiêu thụ yếu ở hầu hết sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ. Thời điểm đầu năm 2023, Đầu tư Thế giới Di động đã phát động “cuộc chiến” cạnh tranh về giá, từ đó thúc đẩy các chuỗi bán lẻ khác thực hiện chiến lược tương tự.
Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, việc giảm hàng tồn kho các sản phẩm điện thoại và điện máy thuộc lĩnh vực bán lẻ đã bắt đầu diễn ra kể từ quý IV/2022, nhất là với sản phẩm iPhone 14. Việc bàn giao iPhone 14 muộn vào quý I/2023 thay vì quý IV/2022 như dự kiến đã khiến không ít người hủy đơn đặt hàng. Điều này buộc các nhà bán lẻ phải giảm giá sâu để giải phóng lượng hàng tồn kho trước khi Apple ra mắt sản phẩm mới (cuối quý III/2023).
Tuy nhiên, SSI Research cho rằng, cuộc chiến giá cả đã hạ nhiệt trong quý III/2023. Bên cạnh đó, mức tồn kho của các nhà bán lẻ trong quý III/2023 là khác nhau khi chuỗi Điện máy xanh/Thế giới Di động ghi nhận lượng tồn kho giảm, trong khi đó, lượng hàng tồn kho của FPT Shop vẫn ở mức cao. Chính vì thế, các nhà bán lẻ điện thoại và điện máy có thể vẫn phải duy trì chiến lược giá cạnh tranh và biên lợi nhuận năm 2024 có thể không trở lại được như mức năm 2022.
Bước sang năm 2024, các chuyên gia kinh tế đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô vẫn còn thách thức, tuy nhiên phần nào giảm bớt so với năm 2023. Cùng với đó, lãi suất giảm đáng kể giúp giảm áp lực trả nợ vay mua nhà, tăng thu nhập và gián tiếp hỗ trợ tiêu dùng.
Trong báo cáo ngành bán lẻ của Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam tăng trưởng 12,05% trong giai đoạn 2023-2027, nhờ yếu tố tích cực về dân cư, thu nhập, mức độ thâm nhập của Internet và các thiết bị thông minh. Dự báo, “miếng bánh” bán lẻ có thể có giá trị lên tới 163,5 tỷ USD vào năm 2027 với những ngành hàng nổi bật là tiêu dùng, công nghệ, thiết bị điện tử...
Còn theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, năm 2024, thị trường điện thoại thông minh sẽ tăng trưởng dương trở lại, nhờ niềm tin và sức mua của người tiêu dùng đang hồi phục. Trong đó, nhu cầu được thúc đẩy bởi tác động trễ của các chính sách vĩ mô dần lan tỏa ra khắp nền kinh tế, khi lãi suất giảm và kinh tế phục hồi./.
- Cổ phiếu xây dựng kỳ vọng nối dài đà tích cực sang năm 2024
- Hàng tỷ cổ phiếu sẽ được “bơm” ra thị trường chứng khoán khi mùa Đại hội cổ đông đang đến gần
- Cổ phiếu chứng khoán đang chờ tín hiệu tốt để bật tăng