ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 07h48 12/01/2019

Ngành Công Thương: Đổi mới công nghệ đón đầu 4.0

Một ngày hai robot ở nhà máy DAP 2 có thể xếp lên pallet 20.000 bao. Ảnh: Internet

(KDPT) – Với tốc độ và quy mô, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được xem là đảo lộn toàn bộ mô hình và các phương thức truyền thống trong kinh doanh hiện nay. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp (DN) cần chủ động tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi mô hình sản xuất – kinh doanh.
Hiện đại hóa công nghệ
Tiếp chúng tôi tại nhà máy phân bón DAP số 2 ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, ông Trần Ngọc Hiến – Phó Tổng giám đốc công ty – cho biết, DAP 2 là nhà máy có mức đầu tư rất lớn với dây chuyền đã được tự động hóa khoảng 80%, thiết bị hiện đại của các nước phát triển như: Hoa Kỳ, Bỉ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ… Điều này đã giúp nâng cao năng suất lao động, tiết giảm sử dụng nhân công, đặc biệt trong bối cảnh chi phí lao động càng tăng cao.

Gây chú ý nhất ở nhà máy DAP 2 là sự có mặt của hai robot có từ ngay khi nhà máy đầu tư, với mục đích thay thế nhân lực để bốc xếp lượng bao chất lên pallet (kệ xếp hàng). Ước tính, một robot có thể thay thế 6 người. Trung bình một ngày hai robot có thể xếp lên pallet 20.000 bao, tương ứng trong 1 tiếng một con có thể xếp khoảng 500 – 750 bao, con người chỉ đạt được 50% năng suất này.

Xu hướng số hóa hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở nhiều lĩnh vực ngành Công Thương. Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) – Bộ Công Thương, để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh CMCN 4.0, một số tập đoàn, tổng công ty ở một số ngành như điện lực, dầu khí, bia, rượu, nước giải khát… đã có mức độ ứng dụng công nghệ tiên tiến ở mức cao, tiệm cận với các công nghệ của CMCN 4.0.

Ví dụ, tại Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn đa số các nhà máy sản xuất bia đều có trình độ tin học hóa và tự động hóa ở mức cao, riêng Nhà máy Bia Sài Gòn – Củ Chi được đánh giá là đơn vị có trình độ phát triển nhất hiện nay của tổng công ty, tiệm cận với trình độ phát triển của cuộc CMCN 4.0.

Lan tỏa công nghệ 4.0

Bộ Công Thương đã và đang chủ động rà soát, lồng ghép nội dung liên quan đến CMCN 4.0 trong quá trình xây dựng, bổ sung các chính sách phát triển ngành. Bên cạnh đó, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc bộ sớm triển khai việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án CMCN 4.0, tập trung vào việc nâng cao nhận thức, ứng dụng, đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ của CMCN 4.0. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ CMCN 4.0; sớm xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về các nhà máy thông minh, nhà máy số cho các DN sản xuất công nghiệp; phối hợp với các DN thành công, các đơn vị nghiên cứu trong nước và quốc tế để giới thiệu về các công nghệ và ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 cho từng ngành cụ thể.

‘Binh đoàn’ Robot tại nhà máy ô tô VinFast. Ảnh: Internet

Ngoài ra, tăng cường tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ của CMCN 4.0. Bộ cũng đang đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ liên quan tới phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào trong quản lý và điều hành của bộ, nhằm hỗ trợ và tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý.

Từ góc độ của DN, ông Trần Ngọc Hiến cho hay, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ để tham gia tích cực, chủ động hơn trong cuộc CMCN 4.0. Đặc biệt, hỗ trợ ổn định hoạt động của máy móc để giảm bớt sự hư hỏng không đáng có do sự ảnh hưởng của những môi chất chạy trong thiết bị, đồng thời đưa ra những giải pháp để tự động hóa hoàn toàn.

Theo Báo Công Thương Điện Tử

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024