Nguy cơ phế liệu Trung Quốc tràn vào Việt Nam: Chính phủ yêu cầu “siết chặt“
Trước tình hình Trung Quốc đang cấm nhập phế liệu vào nước này, khiến nguy cơ phế liệu sẽ nhập ồ ạt vào nước ta, Chính phủ đã yêu cầu 4 bộ trên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tăng trường rà soát, siết chặt mọi hoạt động nhập phế liệu, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động mua bán, chế biến phế liệu nhằm đảm bảo an toàn môi trường.
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng vừa có công văn gửi tới Bộ Công Thương về việc đầu tư sản xuất bột giấy tái chế.
Theo đó, từ cuối năm 2017 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam để nhập thầu giấy bao bì và tìm cách liên doanh để sản xuất bột giấy tái chế. Phương pháp này tức là đánh tơi giấy phế liệu thành bột, rồi qua các quá trình sàng lọc rồi xeo thành tấm, cuộn hay ép thành khối bột rồi xuất về Trung Quốc. Như vậy, bột giấy sạch được đưa về Trung Quốc còn rác ở lại Việt Nam. Điều này sẽ khiến khó kiểm soát, tạo ra nguy cơ lớn về ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 5/2018, cả nước nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch hơn 744 triệu USD (đạt hơn 16.900 tỷ đồng).
Ngoài việc nhập khẩu sắt thép phế liệu, máy móc, hiện một số phế liệu khác còn được nhập khẩu về Việt Nam trong đó có tàu thuyền cũ, lốp xe ô tô, hạt nhựa và phế liệu nhựa, bao bì hay một số loại pin đã qua sử dụng….
PV