ISSN-2815-5823
Thứ hai, 13h08 21/06/2021

Nhà báo, nhà thơ và không gian mạng

(KDPT) – Thực tế, trong làng báo, có nhiều nhà văn, nhà thơ đang làm việc và giữ những cương vị quan trọng. Mỗi trang báo, trang thơ của họ thấm đẫm chất nhân văn, bồi đắp tình yêu con người và cuộc sống. Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Hà Nội, nguyên Tổng biên tập Báo Gia đình và Xã hội là một người như vậy. Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông để làm rõ hơn “hai nhà” trong một con người, bên cạnh đó là tâm sự về sự ảnh hưởng của mạng xã hội tới hoạt động báo chí cũng như thơ ca.

Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc.

Ông có thể chia sẻ cơ duyên nào đã đưa ông trở thành nhà báo, và đặc biệt là trở thành một nhà thơ?

Trước khi vào nghề báo, tôi vốn là giáo viên văn học, Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Kim Liên, Nam Đàn quê Bác. Năm 1982 tôi được ngành giáo dục cử đi học tại Liên Xô. Sau 5 năm du học, năm 1988 tôi về nước, công tác tại Tạp chí Văn nghệ thiếu nhi của Trung ương Đoàn. Làm Văn nghệ thiếu nhi âu cũng là nhờ duyên thơ, vì trước đó tôi đã có thơ in trên một vài tờ báo trong nước và trên báo Sự thật Côm-xô-môn của Nga, được trao giải thưởng trong cuộc thi sáng tác thơ do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô tổ chức. Về làm báo tại Trung ương Đoàn, tôi lại rẽ ngang sang viết văn xuôi. Chắc là do thực tiễn phong phú từ tác nghiệp báo chí thôi thúc cầm bút. Viết văn thực sự đã cho tôi nhiều hứng khởi. Sau khi xuất bản 4 tập truyện ký và được nhận một vài giải thưởng văn học, năm 1996 tôi được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam. Trước đó hai năm, với phóng sự 5 kỳ “Mầm ác và hướng thiện” đăng trên báo Tiền Phong, tôi đã được nhận Giải báo chí toàn quốc (sau này là Giải báo chí Quốc gia) và Giải thưởng phóng viên xuất sắc trong hệ thống báo chí của Đoàn do Trung ương Đoàn trao tặng. Nghề báo, nghiệp văn cứ thế song hành cùng tôi suốt từ đó cho đến ngày rời nhiệm sở. Có điều tôi cũng không lý giải được là tại sao sau này mình lại trở về với nàng thơ mà không chuyên chú viết văn xuôi nữa. 30 năm làm báo, trong đó 20 năm ở cương vị Tổng biên tập, tôi nghiệm thấy nàng thơ, nghiệp thơ đã thực sự se duyên ngọt ngào cùng nghề báo.

Giữa ranh giới của một nhà thơ và nhà báo, theo ông “hai nhà” có sự đồng điệu, bổ trợ hay tương phản nhau như thế nào? Có khi nào tâm hồn bay bổng của một thi sĩ lấn át tính hiện thực của một nhà báo?

Thực tế cho thấy có rất nhiều nhà thơ đồng thời là những nhà báo, nhà quản lý báo chí giỏi. Đối với những người dày dạn nghiệp vụ, có bản lĩnh, hai tố chất này luôn đồng hành, bổ trợ cho nhau. Đối với những người kém bản lĩnh, hai tố chất này sẽ lấn át lẫn nhau, níu kéo nhau đi chệch hướng. Viết thơ theo tư duy viết báo thì sẽ không có thơ, chỉ cho ra những bài văn vần. Viết báo theo tư duy làm thơ thì dễ suy diễn khiến hiện thực méo mó, thông tin mờ nhạt… Thơ là “ý tại ngôn ngoại”, ý ở ngoài lời, nói ít gợi nhiều, trừu tượng, gợi cảm, bay bổng, ví von, liên tưởng, lãng mạn… Báo chí là thông tin chân thực, sự kiện, luận cứ, luận chứng, phân tích, bình luận, nhận định, đánh giá, dự báo, định hướng dư luận… Nếu không rạch ròi được hai tính chất đặc thù này trong viết báo và làm thơ thì thơ không ra thơ mà báo cũng sẽ không thành báo.

Tuy nhiên, giữa thơ và báo luôn có sự đồng hành bổ trợ cho nhau. Thực tiễn tác nghiệp báo chí tích lũy cho nhà thơ vốn sống vô giá, kích hoạt sáng tạo, ươm mầm cảm xúc. Thơ ca mang hơi thở cuộc sống, thời cuộc, dễ lay động trái tim người đọc. Ngược lại tâm hồn nhà thơ, trái tim mẫn cảm của nhà thơ hẳn sẽ giúp cho tính nhân văn trong tác nghiệp báo chí cao hơn, hạn chế bớt những quy kết vội vàng, những nhận định khiên cưỡng, cứng nhắc… Một khi hai tố chất trên vừa rạch ròi, vừa hài hòa, cùng đồng hành, chia sẻ và bổ trợ cho nhau thì cả nghề báo và nghiệp thơ đều thăng hoa, cất cánh.

Có nhận định rằng, báo chí và thơ hiện nay đều bị mạng xã hội lấn át. Người ta ít đọc tin trên báo và cũng ít đọc thơ. Là nhà thơ đồng thời là một nhà báo, ông đánh giá điều này như thế nào? Theo ông, cơ hội và thách thức cho thơ và báo hiện nay ra sao?

Quả là hiện nay mạng xã hội đang tạo một áp lực không nhỏ đối với cả báo chí và thơ ca. Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi thói quen của người đọc. Hàng loạt mạng xã hội như Facebook, Instargram, Twitter, Wechat, Zalo… với không gian ảo vô tận, là kho thông tin khổng lồ, thu hút sự quan tâm của độc giả. Đồng thời đây cũng là nơi mọi cá nhân có thể bộc lộ suy nghĩ của mình. Ở khía cạnh tiêu cực thì đó là thách thức, là trở ngại lớn đối với báo chí và thơ ca truyền thống. Mọi người có thể mở điện thoại cập nhật thông tin nhanh nhạy nhất thay vì mua tờ báo hay mua một tập thơ về đọc. Mở mạng là có cả thế giới trong tầm mắt, cần gì đọc báo và càng thú vị hơn nhiều so với đọc thơ… Tuy nhiên, xét về mặt tích cực, mạng xã hội lại đang mở ra những thuận lợi, cơ hội lớn đối với sự phát triển của báo chí và thơ ca. Với sự hỗ trợ của công nghệ, quy trình tổ chức sản xuất, xuất bản các sản phẩm báo chí nhanh hơn, giúp báo chí tiếp cận thực tiễn và công chúng nhạy bén hơn. Nhờ có công nghệ mà nhà báo thuận lợi hơn trong việc thu thập, kiểm chứng thông tin, thực hiện các tác phẩm báo chí, tương tác với đồng nghiệp, với tòa soạn. Việc xử lý tin, bài, ảnh thuận tiện hơn, đưa thông tin đến với công chúng nhanh nhạy hơn. Nhà báo có thể trực tiếp phản ánh sự kiện thông qua kết nối với tòa soạn và bạn đọc trong cùng một thời điểm.

Đối với thơ ca cũng vậy. Thay vì mua thơ về đọc hay đọc thơ trên các tờ báo phát hành mỗi buổi sáng như trước đây, người yêu thơ dễ dàng đến với thơ trên các trang mạng xã hội. Một bài thơ hay được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ. Trong một thời gian ngắn bài thơ hay có thể đến với hàng trăm, hàng ngàn độc giả. Các sự kiện và thực tế cuộc sống đang từng giờ từng phút xuất hiện đầy ắp trên các phương tiện nghe nhìn và các trang mạng xã hội luôn ươm mầm cho cảm xúc thi ca. Đối với tôi, mạng xã hội đã tạo điều kiện để “bén duyên” với thơ hơn. Từ đầu năm 2021 đến nay, tôi phối hợp với các nhạc sĩ viết hơn 10 ca khúc, hợp xướng và cả nhạc kịch, nhạc phim nữa… Chủ yếu là những ca khúc do các đoàn nghệ thuật hay các địa phương mời các nhạc sĩ sáng tác, và tôi được đề nghị viết ca từ. Không có điều kiện đi thực tế đến các địa phương để tìm hiểu về phong tục tập quán, truyền thống lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, kinh tế, xã hội, con người, quê hương xứ sở…thì mạng xã hội đã cho tôi mọi thông tin cần thiết. Cái nhà thơ cần phải có để cho ra đời một tác phẩm là cấu tứ, cảm xúc và sự thăng hoa…Có lần tôi đi du lịch, khi đang thả bộ trên đường phố Praha, Cộng hòa Séc, thì nhận được điện thoại của nhạc sĩ Tuấn Phương, đề nghị viết lời cho một ca khúc mới. Nhạc sĩ Tuấn Phương vừa được Huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam mời viết ca khúc về ngôi đền thiêng Lảnh Giang, một địa chỉ văn hóa tâm linh… Trong buổi chiều hôm ấy, ngồi trên xe du lịch, tôi tranh thủ vào mạng… và bài thơ “Lãnh Giang linh từ” được viết trên điện thoại, gửi qua tin nhắn cho nhạc sĩ Tuấn Phương. Anh ngạc nhiên vì không ngờ tôi “trả bài” nhanh thế, lại còn am tường về Lãnh Giang và địa chí, con người nơi đây, cứ như được sinh ra và lớn lên ở Mộc Nam, Duy Tiên vậy. Bài thơ xúc động, gợi cảm, đáp ứng các yêu cầu của nhạc sĩ và người đặt bài. Ít lâu sau ca khúc “Lãnh giang linh từ” ra đời với giai điệu phiêu linh, huyền ảo và xúc động, chan chứa tình yêu, nềm tự hào về truyền thống quê hương Duy Tiên. Xin cảm ơn mạng xã hội. Nếu không được tiếp cận kho tư liệu quý giá từ không gian mạng thì làm sao tôi có thể viết nổi về mảnh đất mà mình chưa một lần đặt chân tới.

Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), ông có nhắn nhủ gì với các đồng nghiệp, nhất là các phóng viên, nhà báo trẻ?

Ngày tôi bước vào nghề báo (năm 1988), chưa có máy vi tính, chưa có mạng internet. Chỉ có máy chữ cọc cạch gõ trên giấy pơ-luya. Muốn có hai bản đánh máy phải kẹp thêm tờ giấy than. Và để chạy máy in, công nhân phải sắp chữ đúc sẵn vào khuôn mới in được… Ngày nay, công nghệ đã thâm nhập vào đời sống báo chí Việt Nam, làm thay đổi nhanh chóng về tổ chức, hoạt động và hiệu quả của báo chí. Các nhà báo trẻ cần tranh thủ phát huy cơ hội, điều kiện tác nghiệp báo chí, nắm bắt các kỹ năng, công nghệ, kỹ thuật làm báo hiện đại để có thể tác nghiệp trong môi trường số hiện nay, không ngừng nâng cao chất lượng báo chí trong xu thế hội nhập và phát triển. Tuy nhiên trong phát huy lợi thế của mạng xã hội, nhìn từ góc độ khai thác, sử dụng, chia sẻ thông tin và vấn đề đạo đức nghề nghiệp, nhà báo cần phải biết sàng lọc và kiểm chứng thông tin, tìm hướng đi đúng trong triển khai đề tài báo chí, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị và đạo đức báo chí để có thể mang đến những thông tin quý giá, có ích nhất cho bạn đọc.

Trân trọng cảm ơn ông!

DUY KHÁNH (Thực hiện)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024