Căn cứ chính sách pháp lý

Nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực trong đấu thầu, tiết kiệm chi phí và ngân sách nhà nước, đơn giản hóa quy trình thủ tục đấu thầu và tăng tính cạnh tranh, hiệu quả đấu thầu, ngày 13/07/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1402/QĐ-TTg chính thức áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng trên phạm vi toàn quốc.

Tiếp đó, ngày 15/11/2017, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã ban hành Thông tư 04/2017/TT-KHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, có hiệu lực từ ngày 01/03/2018. Trên cơ sở đó, nhiều đơn vị với vai trò là chủ đầu tư đã tăng cường áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng nhằm góp phần đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, triển khai nghiêm túc lộ trình, cắt giảm những chi phí không cần thiết và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Ngày 21/06/2019 Văn phòng Chính phủ ra công văn số 5464/VPCP-CN về tình hình triển khai đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2018 và lộ trình giai đoạn 2019 – 2025. Công văn nêu ý kiến chi đạo như sau: “Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước nghiêm túc triển khai đấu thầu qua mạng theo chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết Chính phủ số 01/NQ-CP năm 2019; thường xuyên giám sát việc triển khai đấu thầu qua mạng tại các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 01 (một) nhà thầu tham gia và xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu”.

Tại khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020 – sau đây gọi là Luật Đấu thầu), đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Tại Điều 33 Luật Đấu thầu về nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước. Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu. Việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý.

Khoản 16, khoản 22 Điều 4 Luật Đấu thầu quy định:

Gói thầu là một phần hoặc toàn bộ dự án, dự toán mua sắm; gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung. Giá gói thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Khoản 2 Điều 35 Luật Đấu thầu quy định về giá gói thầu như sau:

- Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với sự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên. Giá gói thầu được tình đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết;

- Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin về giá trung bình theo thống kê của các dự án đã thực hiện trong khoảng thời gian xác định; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư.

Căn cứ lập và xác định giá gói thầu được quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cụ thể:

Khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau:

- Giá hàng hóa cần mua của ít nhất 03 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 03 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 03 báo giá;

- Dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loạt tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm);

- Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật giá;

- Giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet;

- Giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.

Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.

Khảo sát thực tiễn một số gói thầu tại một tỉnh miền nùi phía Bắc có yếu tố doanh nghiệp tham gia

Qua khảo sát thực tế một số địa phương, triển khai Chuyên đề nghiên cứu “Nhận diện môi trường đầu tư công: Góc nhìn thực tiễn”, PV Tòa soạn Tạp chí Kinh doanh và Phát triển đã tìm hiểu công tác quản lý và chính sách đầu thầu ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua đó, đã nhận được những ý kiến phản ánh đa chiều, tồn tại nhiều bất cập, có dấu hiệu chưa minh bạch trong công tác đấu thầu.

Theo hồ sơ nghiên cứu về một số gói thầu trong lĩnh vực văn hóa, xã hội cho thấy: Nhiều gói thầu có mức tiết kiệm "nhỏ giọt", mức tiết kiệm đấu thầu chỉ từ 0,1% đến 0,6% giá gói thầu, có dấu hiệu đội giá thiết bị, gây nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước.

Ví dụ: Tại một số gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục, giá của bộ thiết bị Màn hình tương tác thông minh theo kết quả đầu thầu từ 92.500.000 đồng đến 93.800.000 đồng, trong khi đó giá thị trường giao động từ 55.000.000 đến 65.000.000 đồng; hoặc tại một số gói thầu mua sắm thiết bị truyền thanh giá một bộ tăng âm, loa míc trúng thầu từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng, trong khi đó giá thị trường giao động từ 35.000.000 đến 40.000.000 đồng…

Bên cạnh dấu hiệu đội giá thiết bị như minh chứng ở trên, hầu hết các gói thầu có mức tiết kiệm "nhỏ giọt" đều chỉ có 01 nhà thầu tham gia và nghiễm nhiên trúng thầu, điều này đặt ra nghi vấn lớn về sự cạnh tranh bình đẳng khi thực hiện đầu thầu.

Thông qua khảo sát thực tiễn, Tạp chí còn nhận thầy: Tại nhiều địa phương, nhiều chủ đầu tư còn đưa ra yêu cầu thời gian thực hiện rất ngắn (chỉ từ 20 ngày đến 40 ngày) đối với những gói thầu có quy mô mua sắm lớn hàng tỷ đồng, thậm chí là vài chục tỷ đồng, yêu cầu này giống như một giấy phép con, một rào cản đối với những doanh nghiệp khi muốn tham gia đấu thầu.

Theo Luật sư Bùi Hải Yến - Công ty Luật TNHH Sen Vàng - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: Vụ việc vi phạm các quy định về đấu thầu xảy ra tại nhiều đơn vị được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, khiến nhiều cán bộ lãnh đạo sở, doanh nghiệp bị khởi tố, bắt giam cho thấy đã có lỗ hổng trong việc quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí ở các địa phương, trong nhiều lĩnh vực khác nhau…

Theo quy định của pháp luật, việc mua sắm tài sản của nhà nước và nguồn đầu tư công phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị nhà thầu có năng lực, giá thành hợp lý để tiết kiệm cho ngân sách, đảm bảo hiệu quả trong việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo kết luận của cơ quan điều tra từ những vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu trong lĩnh vực mua sắm máy móc thiết bị y tế cũng như thiết bị giáo dục… thời gian qua cho thấy, giá cả của các loại thiết bị này thường tăng lên gấp nhiều lần so với giá thị trường, gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước.

Đây là vấn đề nghịch lý đang diễn ra ở nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước. Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát ở các cơ quan, các lĩnh vực đều phát hiện sai phạm, nhiều cán bộ bị xử lý, trong đó có chế tài hình sự. Thông thường, nếu không tổ chức đấu thầu, có thể cơ quan nhà nước mua được hàng hóa với giá thị trường hoặc có thể cao hơn giá thị trường một chút. Khi tổ chức đấu thầu sẽ mua được hàng hóa chất lượng tốt, giá cạnh tranh, thậm chí có thể là giá rẻ. Tuy nhiên, khi tổ chức đấu thầu mà các cơ quan, tổ chức nhà nước này lại mua phải các hàng hóa giá đắt hơn gấp nhiều lần... đó đúng là nghịch lý.

Theo Điều 35 Luật Đấu thầu quy định về cơ sở xác định giá gói thầu. Trong đó phải đảm bảo tiêu chí “tính đúng, tính đủ”. Trường hợp giá mua sắm được duyệt cao hơn thị trường dẫn đến tổng mức gói thầu bị đội lên với con số chênh lệch hàng trăm triệu đồng thì cần thiết phải xem xét lại hồ sơ xây dựng giá gói thầu, nhất là cơ sở để xác định giá. Ngoài ra, một vấn đề khác cần làm rõ là “cơ sở nào để đưa các tiêu chí về cung cấp hàng mẫu và giấy phép bán hàng vào hồ sơ mời thầu?” đối với những loại hàng hóa thông thường, thông dụng có sẵn trên thị trường, và có hay không việc áp đặt các tiêu chí này để nhằm mục đích “cài thầu”? Điều này, có lẽ cần phải tổ chức thanh tra và kiểm tra toàn bộ quá trình từ xây dựng giá gói thầu đến thẩm định giá, thương thảo và lựa chọn nhà thầu… thì mới có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục được.

Với phạm vi của chuyên đề, đồng thời vì liên quan đến quyền và trách nhiệm của đối tượng được phản ánh trong bài báo. Vì vậy, Tạp chí không nêu cụ thể rõ đối tượng, mà chỉ nêu những dấu hiệu để nhận diện gói thầu có dấu hiệu cài thầu, không minh bạch và đội giá thiết bị nhằm trục lợi ngân sách của Nhà nước, để độc giả đọc tham khảo, cũng suy ngẫm.