ISSN-2815-5823
Nguyễn Thùy
Thứ năm, 10h27 04/04/2024

Nhiều cơ hội "vượt khó" của doanh nghiệp từ P2P Lending

(KDPT) - TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, Việt Nam được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng, thích hợp cho sự phát triển mô hình P2P Lending dựa trên sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của khoa học công nghệ, mạng internet và thiết bị di động, đặc biệt là dữ liệu lớn (Big Data).

Theo tìm hiểu, cho vay ngang hàng (P2P Lending) là mô hình kinh doanh dựa trên việc sử dụng một nền tảng công nghệ số (thường sẽ là một ứng dụng di động) với mục đích kết nối trực tiếp giữa những người có vốn nhàn rỗi muốn cho vay (nhà đầu tư hoặc là bên cho vay) với người có nhu cầu sử dụng vốn (được gọi tắt là bên vay, gồm cá nhân hoặc doanh nghiệp đang có nhu cầu vay vốn).

Các thông tin về nhu cầu vay vốn cùng khả năng trả nợ của bên vay sẽ được thu thập và phân tích dựa trên nền tảng công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sau đó gửi đến bên cho vay vốn để quyết định việc cho vay hoặc là không. Đồng thời, định chế trung gian kết nối giữa những người có tiền nhàn rỗi, có nhu cầu cho vay cùng với người thiếu tiền cho nhu cầu được vay tiền chỉ là doanh nghiệp hoặc công ty cung cấp nền tảng kết nối, không phải là tổ chức chuyên về thực hiện hoạt động nhận tiền nhàn rỗi từ những người có nhu cầu cho vay để có thể chuyển cho người có nhu cầu vay tiền như những định chế ngân hàng thương mại (trung gian tài chính truyền thống).

Các thông tin về nhu cầu vay vốn cùng khả năng trả nợ của bên vay sẽ được thu thập và phân tích dựa trên nền tảng công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). (Ảnh minh họa)
Các thông tin về nhu cầu vay vốn cùng khả năng trả nợ của bên vay sẽ được thu thập và phân tích dựa trên nền tảng công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). (Ảnh minh họa)

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khơi thông nguồn vốn chính là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi mà các kênh cấp vốn đang gặp nhiều khó khăn. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nên tìm hiểu thêm về các sản phẩm tài chính, huy động vốn trên nền tảng công nghệ cùng những giải pháp khác.

Nguồn vốn cần được đa dạng hóa

Thông thường, các nước trên thế giới hiện nay thường có những biện pháp riêng để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng những chương trình bảo lãnh tín dụng của Chính phủ, hoặc là lập ngân hàng chuyên biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với vấn đề này, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... đã làm vô cùng hiệu quả.

Tại Việt Nam hiện nay, đang có 6 kênh dẫn vốn chính cho các doanh nghiệp, đó là vốn từ ngân sách nhà nước gồm có vốn mồi; ưu đãi miễn hoặc giảm thuế; chương trình phục hồi; đầu tư công; quỹ phát triển doanh nghiệp địa phương. Ngoài ra còn có nguồn vốn tín dụng bảo lãnh và cho thuê tài chính; huy động vốn từ thị trường vốn như trái phiếu, cổ phiếu, các nền tảng công nghệ. Cuối cùng là vốn tự có và vốn góp.  

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, nền kinh tế thiếu tiền một cách trầm trọng cộng thêm nhiều nút thắt về thể chế, các doanh nghiệp muốn rút lui khỏi thị trường là điều tất yếu. Vì nhiều lý do khác nhau, việc doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ những ngân hàng cũng đối diện với nhiều khó khăn.

Dòng vốn từ nền tảng P2P Lending được đánh giá là giải pháp ‘cứu cánh’ cho các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Dòng vốn từ nền tảng P2P Lending được đánh giá là giải pháp ‘cứu cánh’ cho các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu nửa đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn cũng như ngừng hoạt động để chờ làm thủ tục giải thể đã tăng 28,9%, ngoài ra số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể cung tăng 2,8%. Quý II/2023, tình hình lao động và việc làm cũng đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ việc thiếu đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp. Các chuyên gia nhận định, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp chính là việc tiếp cận vốn khó khăn, không kịp thời. 

P2P Lending trở thành giải pháp “cứu cánh” của doanh nghiệp

Hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp đã chậm lại đáng kể vì rơi vào tình trạng nghẽn mạch và thiếu vốn. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều kênh huy động vốn như trái phiếu, cổ phiếu hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, dòng vốn từ nền tảng P2P Lending được đánh giá là giải pháp "cứu cánh" cho các doanh nghiệp. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng từng nhận định, Việt Nam được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng, thích hợp cho sự phát triển mô hình P2P Lending dựa trên sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của khoa học công nghệ, mạng internet và thiết bị di động, đặc biệt là dữ liệu lớn (Big Data).

Ngoài ra, sự thay đổi đối với cơ cấu dân số học và đặc biệt là thế hệ trẻ đã sẵn sàng thích ứng với công nghệ mới, luôn mong muốn được cung cấp những dịch vụ tài chính thuận lợi, nhanh chóng hơn. Vì thế, thế hệ này dễ dàng chấp nhận những sản phẩm dịch vụ mới, trong đó có P2P Lending. Nhiều chuyên gia đầu ngành đánh giá, nguồn vốn được huy động kịp thời sẽ là yếu tố tiên phong để các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, hạn chế được những rủi ro trong hoạt động kinh doanh. 

Đầu tiên, những đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực P2P Lending đã mang đến nhiều lợi ích to lớn cho các tổ chức tài chính - ngân hàng thông qua việc bổ khuyết, cải tiến hoặc là giải quyết được tính thiếu hiệu quả trong sản phẩm và dịch vụ tài chính hiện hành như giới hạn về thời gian cũng như địa điểm giao dịch, và điểm tiếp xúc khách hàng theo kênh vật lý, nhận biết cũng như xác thực khách hàng (KYC), quy trình thủ tục giao dịch vẫn tương đối phức tạp như thời điểm hiện tại. Theo kết quả khảo sát, các chuyên gia đều đồng tình, chấm điểm 4.35/5 của hoạt động P2P Lending đối với vai trò nói trên.

Thứ hai, P2P Lending còn đóng vai trò quan trọng với việc tạo thêm kênh tiếp cận về nguồn lực tài chính và cách thức cho vay đối với nền kinh tế, thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia, từ đó hỗ trợ việc phổ cập tài chính bằng việc tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho 1 bộ phận người dân vẫn chưa có tài khoản ngân hàng (unbanked) hoặc gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng truyền thống (underbanked), hoặc là những đối tượng người dân vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận những dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Thứ ba, P2P Lending có thể đóng vai trò quan trọng đối với việc hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ số cũng như nền kinh tế số trong cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 mà nhiều quốc gia đang hướng đến, bao gồm cả Việt Nam. 

P2P Lending còn đóng vai trò quan trọng với việc tạo thêm kênh tiếp cận về nguồn lực tài chính và cách thức cho vay đối với nền kinh tế, thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia. (Ảnh minh họa)
P2P Lending còn đóng vai trò quan trọng với việc tạo thêm kênh tiếp cận về nguồn lực tài chính và cách thức cho vay đối với nền kinh tế, thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, P2P Lending hiện nay cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Rủi ro đối với người cho vay đó là, họ gần như không được bảo hiểm từ những cơ quan chính phủ (khác với những khoản vay từ những tổ chức tín dụng được bảo hiểm từ cơ quan bảo hiểm tín dụng quốc gia). Hầu hết những khoản vay được cung cấp dưới hình thức P2P Lending là những khoản vay không có tài sản đảm bảo. Đây là lý do mà họ phải tự mình quản lý rủi ro bằng việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, chịu rủi ro mất tiền vì không có bảo hiểm, không có hành lang pháp lý bảo vệ cũng không có thông tin người vay.

Bên cạnh đó, nhiều công ty P2P Lending còn thiếu minh bạch, dễ dàng bị lợi dụng để lừa đảo. Chưa kể, rủi ro về đạo đức và công nghệ cũng có thể xuất hiện, điển hình như việc hacker tấn công sập sàn hoặc trục trặc kỹ thuật, dữ liệu bị mất hết hay thậm chí là thông tin cá nhân bị lợi dụng chia sẻ cũng như việc rao bán sản phẩm tín dụng không đúng quy định của pháp luật.

Đối với Ngân hàng Nhà nước cùng một số cơ quan liên quan, họ cũng đang gặp những thách mới về công tác quản lý nhà nước cùng sự xuất hiện của nhiều công ty Fintech khi vẫn chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc những quy định pháp lý cụ thể để tiến hành điều chỉnh. Vì thế, hiện vẫn tiềm ẩn rủi ro và hệ lụy tiêu cực đối với một số phương diện như cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính cũng như an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

P2P Lending ra đời đã giảm được tình trạng tín dụng đen, nhưng mức độ khá khiêm tốn. Nguyên nhân bởi, hoạt động này thông thường chỉ xuất hiện tại các vùng có hạ tầng mạng phát triển. Tuy nhiên không thể phủ nhận, hoạt động P2P Lending tại Việt Nam dù vẫn còn non trẻ nhưng đã ghi nhận sự phát triển nhanh chóng và có nhiều tiềm năng để tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024