Năm 2024, các "ông lớn" ngân hàng dự kiến chia cổ tức "khủng" cho các cổ đông
Tính đến thời điểm hiện tại, mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 đang đến rất gần. Một trong những vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay chính là phương án chi trả cổ tức của các doanh nghiệp.
Có thể thấy, năm 2023 là một năm nhiều thách thức hơn cơ hội đối với ngành ngân hàng. Kết quả kinh doanh vì thế cũng có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng khác nhau. Ngành này cũng có sự điều chỉnh về tỷ lệ cũng như phương án phân phối lợi nhuận trong năm 2024.
Techcombank dự kiến trả cổ tức tiền mặt, tối thiểu 20% tổng lợi nhuận
Techcombank nằm trong nhóm ngân hàng cổ phần có lợi nhuận vượt qua ngưỡng 1 triệu USD. Năm 2023, ngân hàng này đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra cho cả năm với mức lợi nhuận đạt gần 22.900 tỷ đồng.
Nhờ kết quả kinh doanh tích cực, Techcombank trong ĐHĐCĐ thường niên 2024 dự kiến sẽ trình cổ đông về mức chi trả cổ tức năm bằng tiền mặt, tối thiểu là 20% tổng lợi nhuận của năm 2023, tương đương khoảng 1.500 đồng cho mỗi cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc, cổ đông của Techcombank chuẩn bị nhận cổ tức "tiền tươi thóc thật" sau nhiều năm chờ đợi.
Trước đó, Jens Lottner - Tổng Giám đốc Techcombank từng tiết lộ, từ 10 năm trước ngân hàng này quyết định không trả cổ tức, giữ lại nguồn vốn để phục vụ cho việc mở rộng kinh doanh. Hiện tại, vị thế cùng năng lực của Techcombank đã ổn định và lớn mạnh, ngân hàng có khả năng vừa trả cổ tức vừa đảm bảo việc tái đầu tư ổn định kinh doanh và tiếp tục tăng trưởng.
MB dự tính trả cổ tức với tỷ lệ khoảng 20%
Ngân hàng MB trong năm 2023 cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khá khả quan. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 26.200 tỷ đồng, so với năm 2022 đã tăng 15%. Theo dự kiến, ngân hàng này sẽ chi trả cổ tức cho các cổ đông với tỷ lệ khoảng 20% bằng 2 hình thức tiền mặt cùng cổ phiếu. MB cũng tính toán duy trì chính sách cổ tức ổn định.
Trong Hội nghị nhà đầu tư diễn ra gần đây, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB một lần nữa khẳng định, ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay, tuy nhiên tỷ lệ bao nhiêu vẫn chưa chốt. Trước đó không lâu, MB cũng thực hiện việc tăng vốn điều lệ trong năm 2023 bằng việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, từ mức 45.000 tỷ đồng lên hơn 52.100 tỷ đồng.
ACB, VIB dự kiến chia cổ tức cả tiền mặt và cổ phiếu
Một ngân hàng khác là ACB cũng có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt cho các cổ đông. Theo kế hoạch, ACB sẽ chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm trước cùng phần lợi nhuận còn lại của những năm trước nữa nhưng chưa chia, tổng khoảng 19.886 tỷ đồng.
Theo đó, HĐQT ACB dự kiến sẽ chia cổ tức với tổng tỷ lệ là 25% cả bằng tiền mặt và cổ phiếu, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% còn lại bằng tiền mặt. Điều này tương đương với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Theo dự kiến, ngân hàng sẽ tiếp tục áp dụng tỷ lệ chia cổ tức này cho năm 2024 cùng mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.
Mới đây, VIB đã công bố tài liệu cho buổi ĐHĐCĐ thường niên 2024 dự kiến được tổ chức ngày 2/4. Theo đề xuất của HĐQT, ngân hàng này sẽ chia cổ tức cho các cổ đông với tỷ lệ 29,5% trên tổng vốn điều lệ. Đáng chú ý, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa sẽ là 12,5%, còn tỷ lệ 17% là chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Mới cuối tháng 1 vừa qua, VIB đã thông tin về việc chia cổ tức trong năm 2024 bằng tiền mặt. Cụ thể, ngân hàng này đã chi hơn 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt cho các cổ đông hiện hữu, tỷ lệ là 6%, tương ứng 600 đồng/cổ phiếu. Kết thúc năm 2023, lợi nhuận của nhà băng này đã vượt 10.000 tỷ đồng.
VPBank dự kiến chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liên tiếp
Theo kế hoạch, ngân hàng VPBank sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, lãnh đạo ngân hàng này từng chia sẻ, VPBank với tiềm lực hiện tại sẽ tiến hành chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liên tiếp, đủ lực để sử dụng 30% lợi nhuận sau thuế mỗi năm chia cho các cổ đông.
Trong một diễn biến khác, một số ngân hàng lại muốn chia cổ tức cho các cổ đông để tăng vốn, bao gồm BIDV. Trước đó, Phó Tổng giám đốc BIDV - ông Trần Long cho biết, ngân hàng này đã đề nghị Chính phủ cho phép được tăng vốn điều lệ thông qua lợi nhuận giữ lại với mục đích củng cố nguồn lực và có thêm dư địa để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngoài ra, ngân hàng LPBank cũng dự kiến trình các cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận của năm 2023, đồng thời phát hành cổ phiếu năm 2024 để tăng vốn điều lệ từ mức 20.576 tỷ đồng lên hơn 25.576 tỷ đồng.
Trong năm nay, Nam A Bank cũng dự định phát hành thêm 264,5 triệu cổ phiếu với mục đích trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu, tương ứng với tỷ lệ 25%. Cổ phiếu mới được phát hành lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 cộng thêm số lợi nhuận chưa phân phối của các năm trước./.
- Vụ đòi nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng: Ngân hàng Eximbank chính thức lên tiếng
- “Rã băng” tín dụng: Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay mua nhà, chỉ từ 5%/năm
- Bán hết vàng cưới, đánh liều vay nợ 70% ngân hàng để mua nhà: Sau 5 năm giá nhà tăng gấp đôi