ISSN-2815-5823
Thứ năm, 03h16 15/07/2021

Những ‘con hổ châu Á’ đang đi về đâu?

(KDPT) – Viết trên tờ Project Syndicate, tác giả Jayati Ghosh* cho rằng, không có phép màu nào có thể đảm bảo rằng “những con hổ châu Á” sẽ thực sự vươn lên và hiện thực hóa cam kết. Tuy nhiên, việc xem xét lại một cách triệt để hoạt động quản lý tài khoản vốn ở các quốc gia này sẽ là một bước khởi đầu tốt.

Các nền kinh tế châu Á không chỉ được hưởng lợi từ những tác động tích cực của Trung Quốc, mà còn từ lợi ích chủ động của nền tài chính toàn cầu. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Khu vực năng động nhất thế giới

Thế kỷ XXI được cho là thế kỷ của châu Á, trong đó sự vươn lên của Trung Quốc chỉ là một phần – mặc dù là phần chính – của nhận định này.

Phần còn lại sẽ là về “những ngôi sao” đang lên khác trong khu vực, gồm: Các nền kinh tế có tiềm năng khổng lồ như Ấn Độ, các nước đang trải qua quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng và có mức thu nhập trên trung bình như Malaysia, các nước xuất khẩu khoáng sản và nguyên liệu thô có vai trò chiến lược quan trọng như Indonesia, cùng một số quốc gia mới nổi tại khu vực, trong đó có Việt Nam và Bangladesh.

Nhiều người coi châu Á là khu vực năng động nhất thế giới, một khu vực có nhân khẩu học tương đối thuận lợi và có tiềm năng đa dạng hóa kinh tế, trong khi nền kinh tế ngày càng khổng lồ của Trung Quốc và các chuỗi cung ứng đang phát triển chắc chắn sẽ là “đầu tàu” của khu vực.

Các kế hoạch ngoại thương và đầu tư nước ngoài của chính Trung Quốc đã củng cố niềm tin nói trên.

Bắc Kinh sẽ cung cấp nguồn viện trợ nước ngoài, đầu tư trực tiếp và các khoản vay lớn từ các tổ chức như Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu của nước này, trước khi áp dụng một cơ chế có tổ chức hơn thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Những nỗ lực này sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng, đồng thời là nguồn hỗ trợ hậu cần cho ngành thương mại ngày càng lớn mạnh của khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, các thỏa thuận như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – với sự tham gia của 15 nước – về sau sẽ thúc đẩy sự trỗi dậy của một khu vực có nền kinh tế đáng nể.

Ít nhất, đây là nhận thức phổ biến vào đầu những năm 2010, được củng cố nhờ sự phục hồi khá nhanh chóng của hầu hết các nước trong khu vực sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

“Cú đánh mạnh” từ Covid-19

Tuy nhiên, đã có rất nhiều thay đổi trong thập kỷ qua. Việc phương Tây bị ám ảnh về Trung Quốc cũng như mối đe dọa về sự trỗi dậy của nước này cho thấy lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và hầu hết các nhà bình luận phương Tây vẫn chưa đánh giá cẩn thận về các thị trường mới nổi khác của châu Á.

Nếu xem xét kỹ lưỡng, họ sẽ nhận thấy một số quốc gia châu Á có quỹ đạo phát triển còn khó lường hơn.

Rõ ràng, mức sản lượng và đầu tư đều giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng Covid-19, còn triển vọng phục hồi vẫn chưa chắc chắn. Các nền kinh tế ở châu Á đã bớt nhộn nhịp ngay từ trước khi đại dịch làm gián đoạn mọi hoạt động.

Mặc dù một số nền kinh tế thuộc loại nhỏ trong khu vực (điển hình là Việt Nam) vẫn báo cáo mức xuất khẩu hàng hóa cao trong giai đoạn trước đại dịch, nhiều nền kinh tế khác đã cho thấy dấu hiệu chững lại, cùng với tình trạng suy giảm động lực đa dạng hóa.

Hãy cùng xem xét 4 nền kinh tế thị trường mới nổi – được ghi nhận là những “tấm gương” thành công của châu Á và đã nhanh chóng trở thành các điểm đến ưa thích trong thị trường tài chính toàn cầu – là Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các quốc gia này đã chậm lại đáng kể.

Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Ấn Độ – từng được ghi nhận là “tấm gương” thành công của châu Á. (Nguồn: Getty)

Tại Ấn Độ, tăng trưởng GDP hằng năm giảm từ 8% năm 2016 xuống 4% năm 2019, thậm chí những con số này vẫn bị nhiều người cho là quá cao do một vài thay đổi trong quy trình tính toán.

Nền kinh tế Thái Lan, từng đạt tăng trưởng hơn 7%/năm vào đầu thập kỷ trước, chỉ tăng 2,3% trong năm 2019. Tăng trưởng GDP của Malaysia cũng giảm từ 7,4% xuống 4,3% trong cùng giai đoạn này. Chỉ riêng Indonesia, quốc gia có tăng trưởng GDP giảm từ 6,2% vào năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2019, là có mức sụt giảm tương đối thấp.

Một nguyên nhân rõ ràng của tình trạng này là do tỷ lệ đầu tư giảm. Ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan, điều này phản ánh xu hướng trung hạn do Cuộc khủng hoảng Đông Á 1997-1998 gây ra, bởi sau đó tỷ lệ đầu tư đã giảm ít nhất 1/4, từ mức gần 40% xuống còn khoảng 30% GDP.

Tại Malaysia, tỷ lệ đầu tư còn giảm mạnh hơn trong thập niên 2010 và xuống chỉ còn 19% GDP vào năm 2019. Tỷ lệ này của Ấn Độ cũng giảm đáng kể, từ 40% GDP năm 2010 xuống 30% GDP năm 2019. Mức đầu tư vào tất cả các nước này tiếp tục giảm trong năm đại dịch 2020.

Nỗi lo hoạt động quản lý tài khoản vốn

Ngoài Covid-19, còn lý do nào khác khiến tỷ lệ đầu tư giảm? Suy cho cùng, các nền kinh tế này không chỉ được hưởng lợi từ những tác động tích cực của Trung Quốc, mà còn từ lợi ích chủ động của nền tài chính toàn cầu.

Họ thu hút vốn dưới mọi hình thức: Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, cùng các dòng vốn đầu tư, trái phiếu tài chính và các khoản vay thương mại khác. Vậy tại sao tất cả những yếu tố này không tạo ra mức đầu tư và tăng trưởng cao hơn?

Thực tế cho thấy việc các dòng vốn không bị hạn chế mới thực sự là vấn đề. Mặc dù các dòng vốn từ bên ngoài là rất lớn và vẫn đang phát triển, nhưng các khoản chi từ bên trong cũng vậy. Do đó, tăng trưởng ròng thường chỉ đạt mức thấp.

Malaysia hiện là nước xuất siêu về vốn trong phần lớn thập kỷ trước, giống như Thái Lan trong một số năm qua. Thậm chí tệ hơn, tỷ suất lợi nhuận trên các tài sản tài chính của họ ở nước ngoài (bất kể nhờ ngân hàng trung ương hay nhà đầu tư tư nhân) đều thấp hơn nhiều so với lợi nhuận của các doanh nghiệp nước ngoài bên trong nền kinh tế của các quốc gia này.

Ví dụ, theo số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), ở Thái Lan, mức thất thoát lên tới 5,2% GDP/năm trong giai đoạn 2010-2018, lớn hơn nhiều so với dòng vốn thu vào.

Ngay cả khi các dòng vốn thu vào đạt mức dương, như ở Ấn Độ và Indonesia, thì vẫn không thể chuyển hóa thành tăng trưởng đầu tư trong nước hoặc cho phép đầu tư vào các lĩnh vực mong muốn.

Thay vào đó, các ngân hàng trung ương đã bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối để tự bảo bảm an toàn trước khả năng thất thoát vốn, đồng thời quản lý tỷ giá hối đoái trước những thay đổi lớn về dịch chuyển vốn.

Trong khi đó, chính phủ các nước có nền kinh tế mới nổi đang tỏ ra lo ngại trước những phản ứng tiêu cực của thị trường tài chính, đến mức phải tự hạn chế khả năng kích thích tài chính của nước mình trong giai đoạn suy thoái, bao gồm cả đại dịch hiện nay.

Từ đó, việc tự do hóa tài chính – được cho là sẽ mang lại nhiều nguồn lực đầu tư trong nước cho các thị trường mới nổi – lại dẫn đến một xu hướng hoàn toàn trái ngược.

Không có phép màu nào có thể đảm bảo rằng “những con hổ châu Á” sẽ thực sự vươn lên và hiện thực hóa cam kết. Tuy nhiên, việc xem xét lại một cách triệt để hoạt động quản lý tài khoản vốn ở các quốc gia này sẽ là một bước khởi đầu tốt.


* Tác giả Jayati Ghosh đang là Thư ký điều hành của Hiệp hội Kinh tế Phát triển Quốc tế, đồng thời là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst, thành viên của Ủy ban Độc lập Cải cách Thuế Doanh nghiệp Quốc tế.

MINH TUẤN

Theo Báo Thế giới và Việt Nam

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 11/05/2024