Những gợi mở để Thủ đô thu hút người có tài năng
Phát biểu khai mạc tại hội thảo khoa học, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị bày tỏ, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Thủ đô năm 2012 được kỳ vọng tạo dựng một đạo luật có tính đặc thù riêng, mở đường về mặt thể chế tạo thuận lợi trong việc phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nhất là việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô sẽ là một trong những giải pháp cấp thiết để phát huy tầm nhìn bao quát hơn, tương xứng với tiến trình phát triển mạnh mẽ của Thủ đô ngàn năm văn hiến, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là một bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Điều 16 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của nước ta.
Chia sẻ tại tại hội thảo, TS. Trần Hồng Nhung, Trường Đại học Luật Hà Nội, nêu về vấn đề tuyển chọn nhân tài ở Thăng Long - Hà Nội - Lịch sử và bài học. Theo đó, TS. Trần Hồng Nhung cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định rõ khái niệm, tiêu chuẩn, điều kiện của nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng điều khoản riêng về tiêu chuẩn, điều kiện nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, cần quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, ít nhất là ở 3 chế độ: thu nhập, nhà ở và vị trí việc làm phù hợp, theo hướng quy định chế độ, chính sách đặc thù cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương…
Bên cạnh đó, Hà Nội cần đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau như: sinh sống và làm việc toàn thời gian hoặc trong một thời gian nhất định ở trong nước; sống ở nước ngoài nhưng tham gia tư vấn, tham mưu, kiêm nhiệm… để vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức của những đối tượng này.
Đồng quan điểm, TS. Trần Thị Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao gắn với tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mang tính bền vững. Như vậy, không chỉ chú trọng việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong khu vực công mà khi đã vào làm việc, cần tiếp tục tạo cơ hội cho họ học tập, nâng cao trình độ để phát huy năng lực của bản thân, bắt kịp các xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội
TS. Trần Thị Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội cho hay, hiện nay thu hút nhân tài hầu như mới chú ý tới bằng cấp, chưa chú ý nhiều đến năng lực vượt trội, kinh nghiệm thực tiễn. Các quy định mới về thu hút nhân tài cần chú trọng hơn đến sáng chế, sản phẩm có tính thực tiễn và có thể xây dựng mức lương riêng cho nhân tài, có thể cao gấp 8-10 lần so với mức lương của công chức thông thường.
ThS. Nguyễn Thị Hồng Thuý chia sẻ về vai trò của phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Theo đó, cần phải đưa ra khái niệm, tiêu chí, quy định cụ thể về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như thu nhập, nhà ở,...
Tại hội thảo có 6 diễn giả tham luận và 6 ý kiến phát biểu trực tiếp làm rõ hơn tính mới và quan trọng của Điều 16 dự thảo Luật. Các đại biểu chia sẻ về các vấn đề liên quan như: công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay; vận dụng quan điểm của Đảng về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài - liên hệ thực tiễn tại Thủ đô Hà Nội…
Kết luận tại hội thảo, TS. Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội bày tỏ, "thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" là một trong 9 chính sách mà Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập đến. Việc góp ý nội dung này trong dự thảo Luật của các nhà khoa học, quản lý, đại diện doanh nghiệp… thể hiện trách nhiệm cao với Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
"Tôi tham góp thêm ở hội thảo vấn đề thu hút trọng dụng nhân tài nhìn ở hai lĩnh vực: công và tư. Chúng ta cần tạo cơ chế để thu hút, giữ và làm sao để nguồn nhân lực chất lượng cao đến Hà Nội để cống hiến", TS. Chu Mạnh Hùng nhấn mạnh.
TS. Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội Chu Mạnh Hùng kết luận, với các bài tham luận sát thực tế, chất lượng của các nhà khoa học, quản lý và ý kiến trực tiếp thảo luận tại hội thảo để gửi đến các cơ quan chức năng đóng góp hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến thông qua tại kỳ họp tới tại Quốc hội.