ISSN-2815-5823
Thứ ba, 09h39 25/12/2018

Những “trụ cánh” để chinh phục thị trường

(KDPT) – 10 năm qua, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tạo sự lan tỏa, thay đổi nhận thức của người dân về sản phẩm của Việt Nam. Qua đó giúp cho doanh nghiệp bước đầu định vị được thương hiệu tại thị trường trong nước. Nhưng trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cần có phương thức khác để tiếp cận thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, bằng chính chất lượng sản phẩm, trách nhiệm với xã hội để không những chinh phục được người dân trong nước mà còn hướng tới thị trường quốc tế.

Tinh thần dân tộc là điều trân quý

Được khởi xướng cách đây 10 năm, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần lan tỏa tình cảm, sự trân trọng của người dân trong nước đối với các thương hiệu Việt trong thời kì kinh tế nước ta bắt đầu bùng nổ. Với một điều kiện khó khăn, nhưng chỉ nghe người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chứ chưa cần ưu tiên, tôi đã cảm thấy rất xúc động. Bởi trong đó có truyền thống đùm bọc lẫn nhau của dân tộc, bởi chúng ta là đồng bào, cùng chung một Mẹ. Từ đó đã giúp hướng người tiêu dùng có sự quan tâm với hàng hóa nội địa. Từ đó các doanh nghiệp cũng đã có sự đầu tư nhất định, tạo dựng được hình ảnh, nâng cao chất lượng để tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể vì “ỷ lại” sự ưu ái của người dân mà đánh mất mình. Ví dụ cho điều đó là sau 6 năm từ 2012 chúng ta có 56 thương hiệu quốc gia thì đến 2018 này đã có tới 97 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia. Trong đó năm 2018, Traphaco đã có 2 thương hiệu được vinh danh là Thương hiệu quốc gia là nhãn hiệu là thuốc bổ gan Boganic và thuốc bổ não Cebraton.

Tinh thần dân tộc là điều rất đáng ghi nhận trong việc giúp doanh nghiệp trong nước có được một động lực mạnh mẽ để vươn tới những tầm cao mới, nhưng chỉ yêu nước là chưa đủ. Để giữ chân được người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao chất lượng, tăng cường năng lực quản trị để thực sự chinh phục được thị trường nội địa có tiềm năng rất lớn như hiện nay. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng tự ý thức được cần phải làm sao để người tiêu dùng thực sự có cảm tình với hàng hóa, thương hiệu trong nước từ chính chất lượng, giá cả chứ không chỉ từ tình cảm yêu nước đơn thuần.

Th.s Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco.

Hàng Việt chinh phục người Việt

Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị là một trong những giải pháp quan trọng và có chiều sâu, qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ và hàng hóa thương hiệu Việt trong thời gian vừa qua và để tiếp tục nuôi dưỡng phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì trách nhiệm của các doanh nghiệp là phải tiếp tục sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, giá thành hạ, dịch vụ, hậu mãi chu đáo, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy vậy, ở bối cảnh mới có lẽ cần sử dụng thông điệp “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, không những để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường, mà còn thể hiện tinh thần, lòng tự tôn của dân tộc Việt. Để làm được điều đòi hỏi phải có sự thay đổi căn cơ. Bên cạnh nỗ lực của chính doanh nghiệp là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ với những chính sách thông thoáng, “cởi trói” cho doanh nghiệp có thể bay cao hơn.

Về phía doanh nghiệp, cần có định hướng phát triển một cách bền vững, có thể gọi là những “trụ cánh” để doanh nghiệp có thể chinh phục được thị trường. Đó là hiệu quả kinh doanh; trách nhiệm với xã hội và ý thức bảo vệ môi trường. Nếu doanh nghiệp làm tốt những điều này thì không những đủ sức chinh phục được thị trường trong nước mà có thể hướng tới thị trường quốc tế, bởi đây đang là xu hướng phát triển mà các tập đoàn hàng đầu thế giới đang hướng tới.

Việc doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị, nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội cũng chính là khẳng định mình, khẳng định trí tuệ và tầm vóc Việt, qua đó lan tỏa tinh thần tự tôn dân tộc trong cộng đồng doanh nghiệp. Những FPT, Viettel đã rất thành công ở thị trường trong nước và bước đầu đã thành công ở nước ngoài là một minh chứng rõ nét. Dân tộc ta đã giỏi trong chiến đấu chống ngoại xâm, tại sao không thể giỏi trong kinh doanh? Mặc dù đi sau các nước phát triển, nhưng đó cũng là một lợi thế của chúng ta, từ đó tránh được những thất bại mà họ đã gặp và tiếp nhận những cái mới để làm tốt hơn. Như vậy doanh nghiệp không những làm giàu cho mình mà còn thể hiện được tinh thần dân tộc một cách mạnh mẽ trong thời đại hiện nay.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những chia sẻ với doanh nghiệp để có được một đội ngũ doanh nghiệp “khỏe”. Theo đó cần có những biện pháp giảm chi phí, bao gồm chi phí vận chuyển, chi phí ngoài lề không cần thiết, giảm bớt các thủ tục hải quan, hành chính… để doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn vốn và năng lực vào đầu tư cho công nghệ, cho chuỗi giá trị. Nếu làm được những điều đó, chắc chắn doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc chinh phục thị trường trong nước mà còn tự tin hướng tới thị trường nước ngoài.

Từ những kinh nghiệm và thực tiễn tại Traphaco, tôi cho rằng nếu các doanh nghiệp đồng lòng, chung sức hướng tới một mục tiêu cao hơn là phát triển bền vững, khơi dậy được lòng tự hào, tự tôn dân tộc, không những làm cho bản thân được giàu mạnh mà đất nước cũng cất cánh bay lên, và cũng là “để thể hiện mãnh liệt tinh thần và trí tuệ Việt cháy bỏng khát vọng chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn tầm quốc tế để tiếp nối ra đời nhiều niềm tự hào Việt Nam” như Thủ tướng đã nói.

Th.s Vũ Thị Thuận

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024