ISSN-2815-5823
Hoài Phong
Thứ hai, 11h42 20/05/2024

Open API - chìa khóa mở ra hệ sinh thái số ngân hàng

(KDPT) - Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang ảnh hưởng mạnh tới tiến trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó xu hướng ngân hàng mở (Open API) đang tác động mạnh mẽ đến ngành ngân hàng.

Xu hướng ngân hàng mở bùng nổ

Ngân hàng mở là mô hình kết nối, xử lý các giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) cho phép các bên thứ ba cung cấp dịch vụ (TPP - Third-party provider) được quyền truy cập thông tin dữ liệu khách hàng tại ngân hàng dựa trên sự chấp thuận của khách hàng.

Với mô hình ngân hàng mở, dịch vụ của ngân hàng không chỉ tồn tại trên kênh thuộc sở hữu của ngân hàng mà còn được “nhúng”, tích hợp trên phần mềm của bên thứ ba đem đến sự đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng.

Xu hướng ngân hàng mở phát triển mạnh mẽ
Xu hướng ngân hàng mở phát triển mạnh mẽ

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, 72,3% tổ chức tín dụng đã và đang dự kiến triển khai các API, trong đó 47,6% đã xây dựng các API để cho các bên thứ ba kết nối; khoảng 65% các tổ chức tín dụng sẵn sàng triển khai API mở, trong đó trên 30% tổ chức tín dụng có mức độ sẵn sàng cao đối với API mở. Nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng các API cho phép các bên thứ ba kết nối, triển khai API Portal để các đối tác có thể kết nối vào hệ sinh thái ngân hàng mở .

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mô hình ngân hàng truyền thống tương đối khép kín, khó tích hợp dữ liệu với bên ngoài. Tuy nhiên, với ngân hàng mở, các ngân hàng, fintech và các bên khác kết nối và chia sẻ dữ liệu qua API, cho phép phát triển các sản phẩm và dịch vụ đổi mới sáng tạo phục vụ việc cá nhân hóa nhu cầu của khách hàng.

Theo ông, trên thế giới, ít nhất 87% quốc gia đã triển khai các hình thức khác nhau của ngân hàng mở thông qua giao diện lập trình ứng dụng mở. Còn tại Việt Nam, ngân hàng mở cũng đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước

Theo đại diện BIDV, với Open API, dịch vụ ngân hàng không chỉ được thực hiện tại hệ thống ngân hàng mà còn được “nhúng”, “tích hợp” vào các ứng dụng, các phần mềm, các nền tảng của các đối tác nền tảng. Dịch vụ ngân hàng sẽ không chỉ được thực hiện tại các kênh thuộc sở hữu của ngân hàng mà tại bất kỳ “điểm chạm” và “bối cảnh” nào phát sinh nhu cầu tài chính của “người dùng cuối”.

Theo đó, khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ như đặt vé máy bay, gọi taxi, đặt hàng siêu thị, mua sắm của các nhà cung cấp trên ứng dụng ngân hàng. Đồng thời, khách hàng có thể sử dụng phần mềm, ứng dụng do bên thứ ba cung cấp để thực hiện các dịch vụ ngân hàng như thanh toán, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, đề nghị cấp tín dụng.

Đặc biệt, doanh nghiệp có thể tích hợp dịch vụ ngân hàng vào ERP của doanh nghiệp để thực hiện các chức năng như quản lý doanh thu; thanh toán chi phí; quản lý dòng tiền; tín dụng online...

Nhiều lợi ích cho các bên từ Open API
Nhiều lợi ích cho các bên từ Open API

Theo các chuyên gia, với ngân hàng mở, nhiều bên đều có lợi ích. Theo đó, khách hàng dễ tiếp cận với nhiều dịch vụ tài chính từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Điều này giúp khách hàng cá nhân hoá, tối ưu hoá các giải pháp tài chính cũng như trải nghiệm bản thân. Chưa kể, ngân hàng mở còn giúp khách hàng thực hiện giao dịch, quản lý thanh toán thông qua các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng dễ dàng hơn.

Về phía các ngân hàng, lợi ích thu được là đáp ứng nhu cầu của cách hàng tại nhiều thời điểm, giúp khách hàng nâng cao trải nghiệm dịch vụ, tăng thêm nguồn thu cho ngân hàng cũng như lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ fintech phù hợp nhất. Ngoài ra, bên thứ 3 cung cấp dịch vụ cũng có thêm cơ hội tiếp cận với khách hàng tiềm năng…

Hoàn thiện hành lang pháp lý với Open API

Theo ông Đoàn Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước cho biết việc triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành ngân hàng hiện nay là hoàn toàn khả thi.

“Ngân hàng Nhà nước cũng đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách, ví dụ nghiên cứu xây dựng Thông tư quy định về giao dịch, lập trình ứng dụng ngân hàng mở để thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu, cung cấp các dịch vụ mới phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp…”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đánh giá việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này rất có ý nghĩa.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS)
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS)

“Khi mô hình "hạ tầng dùng chung" dần trở thành xu hướng, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ Open API trong hoạt động thanh toán. Do đó, giải pháp là sử dụng hạ tầng chung ngân hàng mở, chia sẻ và thống nhất tiêu chuẩn chung, quy trình, quy định vận hành để kết nối giữa các bên, hỗ trợ các bên trong việc cung cấp dịch vụ trung gian và chia sẻ dữ liệu nhanh chóng”, ông Long nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mô hình Open Banking hay Open API tại Việt Nam còn mang tính riêng lẻ, phần lớn do ngân hàng và đối tác tự xây dựng dựa trên nhu cầu của nhau.

Hiện nay vẫn chưa có quy định chung nào về tiêu chuẩn kỹ thuật khi đưa vào thực tế giữa các tổ chức. Vấn đề quản trị dữ liệu. Khi kết nối liên thông liền mạch, quy trình quản lý, kiểm soát rủi ro dữ liệu là vấn đề hết sức đáng quan ngại.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về Open API
Hoàn thiện hành lang pháp lý về Open API

Tiếp theo, về an toàn bảo mật, có nguy cơ lộ, lọt dữ liệu, thông tin khách hàng và xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ tấn công hệ thống thông tin hoặc nền tảng dùng chung. Do đó, các doanh nghiệp cần hết sức chú trọng trong bối cảnh xu hướng tội phạm ngày càng gia tăng và biến động khó lường.

Theo Bộ Công an, năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 91% cảnh báo về lừa đảo trực tuyến liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Do đó, rủi ro về bảo mật đặt ra nhiều thách thức trong phát triển ngân hàng mở, trong đó quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu là thách thức lớn nhất.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, hạ tầng chung giúp thúc đẩy Open banking phát triển nhanh hơn kết nối tự phát. Tại các nước trên thế giới, hạ tầng chung được cấp phép hoặc vận hành bởi các tổ chức/hiệp hội lớn có uy tín./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024