Phát triển bền vững ngành sáng tạo nội dung số, công nghiệp văn hóa
Có những đóng góp quan trọng cho GDP
Phát biểu tại tọa đàm "Bản quyền và Phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số" do Cục Bản quyền tác giả chủ trì phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số tổ chức vào sáng 17/4, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, trong những ngày này, nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới đã được tổ chức ở nhiều nơi trên toàn quốc, dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có Tọa đàm do Cục Bản quyền tác giả tổ chức ngày hôm nay. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nhà sáng tạo, các tổ chức và cá nhân đầu tư sáng tạo và những tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng cùng hợp tác và trao đổi về vai trò của bảo vệ bản quyền trong phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa.
Ông Hoàng cho biết, theo số liệu khảo sát công bố năm 2021 của WIPO về đóng góp kinh tế của các ngành CNVH dựa trên bản quyền, tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, đóng góp của các ngành này chiếm khoảng 11,99% GDP, Hàn Quốc là 9,89% GDP, Pháp là 7,02% GDP, Australia 6,8% GDP, Singapore 6,19% GDP, Canada 6,15% GDP … Những số liệu này cho thấy việc bảo hộ hiệu quả bản quyền có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành), các ngành CNVH đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%.
Đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng, ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp bình quân ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Hiện nay, các ngành CNVH Việt Nam đã có những bước phát triển mới về mặt nghệ thuật, công nghệ và cách thức tiếp cận công chúng. Khía cạnh thương mại của các ngành CNVH cũng được chú trọng đầu tư, phát triển.
“Làm tốt công tác bảo hộ bản quyền là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng nền CNVH phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước”, Ông Trần Hoàng nhấn mạnh.
Vẫn còn nhiều khó khăn trong vấn đề bảo vệ quyền tác giả
Hiện nay, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.
Sự phát triển như vũ bão của internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là trên các nền tảng số đã tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu quyền có thể truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh chóng và rộng rãi hơn. Nhưng chính sự “tiếp tay” của công nghệ cũng khiến tình trạng sao chép tác phẩm, cắt, ghép tác phẩm trái phép, tạo ra nhiều bản sao trái phép ngày càng đơn giản. Các vi phạm ngày càng trở nên phổ biến, tinh vi, phức tạp ở nhiều loại hình ấn bản, trong nhiều lĩnh vực.
Môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số.
Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Quản lý và hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan (Cục Bản quyền tác giả) cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau.
Bên cạnh đó, công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư về nguồn nhân lực tại trung ương và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, xuyên biên giới chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.
Một số tác giả, chủ sở hữu quyền còn chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Các vướng mắc trong xử lý vi phạm thường xảy ra trên môi trường số, các website và sàn thương mại điện tử. Các đối tượng lập nhiều website để thực hiện các hành vi vi phạm. Với các trang web độc lập, các đối tượng che giấu thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, mua bán, thanh toán, vận chuyển online nên việc điều tra rất khó khăn. Trong khi đó, các website lại không tiết lộ thông tin đối tượng vi phạm cho chủ thể quyền. Do đó mà không tìm ra được các bằng chứng về hành vi xâm phạm để chứng minh đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Điều này cũng gây khó khăn, cản trở cho cơ quan thực thi quyền tác giả, quyền liên quan.
Đề xuất các giải pháp khắc phục
Ông Trần Hoàng cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan để vào sâu trong đời sống, nhằm thúc đẩy nhận thức tuân thủ pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của người dân được nâng cao.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan hơn nữa trong hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đặc biệt là trên môi trường mạng. Cần nghiên cứu mô hình thanh tra chuyên ngành về bản quyền tác giả.
Bên cạnh đó, các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan cần có sự chủ động, phải bảo vệ được “đứa con tinh thần” của mình, phải lên tiếng trước những hành vi xâm phạm bản quyền, có thể khiếu nại hoặc khởi kiện tại Tòa án... Một điều cần lưu ý là các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cần phải biết mình có quyền gì và những quyền ấy được bảo hộ như thế nào. Khi cho ra đời tác phẩm, đặc biệt các tác phẩm sáng tạo, có giá trị thương mại thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số và tăng cường tham gia, bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; đào tạo nhân sự và đầu tư cơ sở vật chất để có đủ năng lực quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt trên môi trường mạng./.
- Cần gắn kinh tế đêm với phát triển công nghiệp văn hóa
- Dành gói tín dụng ưu đãi khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa
- Phát triển công nghiệp văn hóa từ nền tảng văn hóa Việt Nam