PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

Đề cương văn hóa là một bước vượt cần thiết

Theo ông, Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) ra đời có ý nghĩa thế nào?

PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ:

Khi nói đến Đề cương văn hóa (1943), cần nhớ đến bối cảnh lịch sử nước ta và thế giới lúc đó. Đầu tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng sau đó. Ở Đông Dương, Toàn quyền Jean Decoux tập trung tấn công vào những người Cộng sản và các lực lượng tiến bộ. Hàng nghìn đảng viên cộng sản bị bắt, không khí rất ngột ngạt. Đến khi Nhật vào Đông Dương tháng 9/1941, coi Pháp như tay sai của mình. Nhật vào Việt Nam bằng súng đạn, đồng thời, bằng cả vũ khí tâm lý chiến nhằm lừa mị dân ta, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sỹ, giới trẻ, đó là tầng lớp tinh hoa của Việt Nam. Chúng đề cao chiêu bài Đại Đông Á, thuyết “đồng văn đồng chủng”, đưa một số thanh niên sang du học ở Nhật (mục đích là để sau này phục vụ cho nước Nhật), tổ chức triển lãm, hội chợ, chiếu phim, đề cao văn hóa Nhật. Khi ấy, có một bộ phận thanh niên còn cạo trọc đầu theo Nhật, đua nhau học tiếng Nhật. Về phía Pháp, thực dân Pháp cũng toan tính những thủ đoạn riêng, cả với Nhật, cả với chính phủ bù nhìn Nam Triều và nhân dân Việt Nam. Chúng cho một số người Việt thuộc giới thượng lưu nắm giữ một số chức vụ quan trọng để ràng buộc họ với mẫu quốc. Mở thêm một số ít trường cao đẳng (khoa học, kiến trúc, nông lâm…); lập Đông Dương học xá; lôi kéo, ru ngủ thanh niên xa rời những vấn đề cấp thiết của đất nước; rêu rao cái gọi là “Pháp - Việt phục hưng”; mua chuộc, đánh lạc hướng dân ta, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ.

Đầu năm 1941, Bác Hồ về nước, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8, trong đó, Người nhận định mâu thuẫn lúc này là mâu thuẫn giữa dân tộc ta và phát xít Nhật-Pháp. Cuối tháng 2/1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp và chủ trương mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm chuẩn bị lực lượng trong nước, khi có thời cơ thì khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Thời cơ đó là khi Nhật Pháp mâu thuẫn về lợi ích cao độ sẽ cắn xé lẫn nhau.

Xuất phát từ tình hình trong nước như thế, Đảng ta cho rằng đã đến lúc phải ra sức tập hợp và đoàn kết nhân dân, đặc biệt là tầng lớp tinh hoa, phải làm sao để họ hiểu được bản chất, âm mưu xảo quyệt của Nhật và Pháp, sự lừa gạt và mua chuộc tinh vi của chúng, hướng dẫn nhân dân ta đi vào con đường sáng. Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo Đề cương văn hóa Việt Nam (1943). Lúc bấy giờ, Đề cương văn hóa, dù chỉ mới ở tầm mức “đề cương” nhưng đã chỉ rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách đô hộ và tàn phá của phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá.

Đề cương văn hóa ra đời như một tiếng chuông cảnh tỉnh, một tia sáng soi rọi con đường, để tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ hiểu rõ tình hình thời cuộc trong nước và quốc tế, thấy được âm mưu, thủ đoạn lừa gạt của Nhật và Pháp và biết phải làm gì để bảo vệ đất nước, bảo vệ văn hóa.

Văn kiện này như là một cương lĩnh văn hóa; xác định nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công.

Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943: Ngọn cờ tập hợp trí thức tham gia cách mạng
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943: Ngọn cờ tập hợp trí thức tham gia cách mạng.

Nội dung, tính chất của nền văn hóa nước nhà khi ấy được Đề cương văn hóa xác định như thế nào, thưa ông?

Đề cương văn hóa Việt Nam có 5 vấn đề chính: (I) Cách đặt vấn đề; (II) Lịch sử và tính chất nền văn hóa Việt Nam; (III) Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát-xít Nhật, Pháp; (IV) Vấn đề cách mạng và văn hóa Việt Nam; (V) Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác-xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa Mác-xít Việt Nam.

Đề cương văn hóa xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật) và sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới.

Sự nghiệp văn hoá là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tính chất nền văn hoá mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung. Đề cương xác định ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa”, “Đại chúng hóa”, “Khoa học hóa”; khẳng định việc kế thừa, xây dựng và phát triển nền văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc, tự tôn văn hóa dân tộc, khắc phục tư tưởng tự ti, tự phụ; nâng cao lòng yêu nước, chí khí anh hùng, độc lập, tự do.

Vậy, Đề cương văn hóa ra đời đã có tác động sâu sắc thế nào đến nền văn hóa, nghệ thuật lúc bấy giờ, thưa ông?

Ở góc độ dân tộc hóa, Đề cương văn hóa đã giúp dân ta thức tỉnh trước chiêu trò của Pháp và Nhật, yêu quý văn hóa hàng ngàn đời của cha ông, phải luôn coi đó là gốc rễ, là nền tảng. Ở góc độ khoa học hóa, nền văn hóa phải đạt tới sự tiến bộ, khoa học, ta tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng quan trọng hơn là phải kế thừa được tinh hoa văn hóa của cha ông. Đại chúng hóa là xác định văn hóa do quần chúng nhân dân sáng tạo nên, nhân dân cũng thụ hưởng những giá trị văn hóa cao đẹp, văn hóa, nghệ thuật phải vị nhân sinh. Người trí thức, văn nghệ sĩ cần đi vào đời sống, chiến đấu và cống hiến vì hạnh phúc của nhân dân.

Phát triển công nghiệp văn hóa từ nền tảng văn hóa Việt Nam
Các văn nghệ sĩ cách mạng tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp. Từ phải qua trái: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung (hàng trên); Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi (hàng dưới).Ảnh tư liệu

Trong Đề cương văn hóa có nói đến đấu tranh về học thuật và tông phái, sau này các nhà nghiên cứu có nhiều tranh luận về các nội dung này. Xin hỏi quan điểm của ông thế nào?Khi Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo Đề cương văn hóa, ông chưa thể nắm bắt đầy đủ, sâu sắc tình hình trong nước và thế giới, nhất là các vấn đề về tư tưởng, học thuật, về khunh hướng và tông phái nghệ thuật. Điều này cũng dễ hiểu. Và do đó, sau này chúng ta nhìn nhận, đánh giá sự việc trên quan điểm lịch sử cụ thể; không nên lấy con mắt của bây giờ nhìn lại 80 năm trước phê phán một vài bất cập. Nghiên cứu các vấn đề trong quá khứ, cần áp dụng quan điểm lịch sử cụ thể, quan điểm biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Lấy tầm nhìn, cách nhìn hiện đại hôm nay để ngược về 80 năm trước, hiển nhiên là dễ nhận thấy những hạn chế khó tránh khỏi lúc trước.

Trong Đề cương, khi nói đến học thuật, đến tông phái, có chi tiết phê phán học thuyết Khổng Tử, Mạnh Tử, Descartes, Bergson, Kant, Nietzsche…; nói đến văn nghệ thì phê phán chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng cũng chỉ là đề cao chủ nghĩa hay xu hướng, khuynh hướng tả thực xã hội thắng. Chúng ta cần hiểu rằng vào thời điểm đó, Đảng ta cần người dân thức tỉnh, muốn nghệ thuật phải bám vào hiện thực, phê phán chế độ phát xít, thực dân, phong kiến thối nát, tàn bạo. Chúng ta muốn trí thức, văn nghệ sĩ hiểu hiện trạng khổ đau của đất nước, để tập trung đấu tranh, hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.

Có thể liên hệ sau này, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, văn học nghệ thuật ta phê phán chiến tranh phi nghĩa, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đề cao những chiến công, còn những mất mát, nhất là mất mát của bộ đội ta, ta phản ảnh có chừng mực. Nhà văn Nam Hà từng viết “Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt”... Làm như vậy để không ảnh hưởng đến chí khí, tinh thần của nhân dân và bộ đội ta. Đến sau năm 1975, văn học ta mới có những tác phẩm nói nhiều hơn, sâu hơn về những mất mát trong chiến tranh như Bến không chồng của Dương Hướng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân; Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức; Lính trận của Trung Trung Đỉnh...; các trường ca Mở bàn tay gặp núi của Nguyễn Đức Mậu, Biển của Hữu Thỉnh; Sông Mê Kông bốn mặt của Anh Ngọc, Đổ bóng xuống mặt trời của Trần Anh Thái...…

Đề cương văn hóa của Đảng ra đời trước khi ta giành được chính quyền. Đó là một sự đi trước, một sự vượt trước sáng suốt và cần thiết. Ta hãy thử đặt câu hỏi: giả như không có Đề cương văn hóa (1943) để thức tỉnh nhân dân, tập hợp lực lượng đông đảo cho Mặt trận Việt Minh thì liệu ta có Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công hay không? Có thể sẽ muộn hơn, có thể sẽ không thành công toàn diện và vang dội như đã xẩy ra trong lịch sử.

Tầm quan trọng của Đề cương văn hóa là ở chỗ đó. Suy cho cùng, hành động cách mạng phải bắt đầu từ nhận thức của người dân, của tầng lớp tinh hoa, tiến bộ. Dân chúng có thức tỉnh, mới đi theo Đảng để đánh đổ chế độ phát xít, thực dân, phong kiến.

Phát triển công nghiệp văn hóa từ nền tảng văn hóa Việt Nam
Phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng phát triển đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Phát triển công nghiệp văn hóa từ nền tảng văn hóa Việt Nam

Đặt bối cảnh thời đại mới, có những điểm gì cần bổ sung cho công cuộc phát triển văn hóa?

Bây giờ, chúng ta đang trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0; thế giới đã có nhiều nước đi trước ta và Việt Nam ta cần tích cực, chủ động đón nhận và tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng này, đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo. Ngày nay, văn hóa số, kinh tế số, truyền thông số… lên ngôi. Chúng ta dứt khoát phải nắm bắt và làm chủ cuộc cách mạng này.

Trong bối cảnh mới, chúng ta sẵn sàng mở cửa với thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ tạo tiền đề để các ngành văn hóa, văn nghệ phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đặt ra cả cơ hội và thách thức trong quá trình lãnh đạo và quản lý văn hóa.

Ta cần nhìn nhận được cả mặt trái của nó. Đó là khi có người sử dụng công nghệ vào mục đích không tốt, mục đích phi văn hóa. Vì vậy, quan trọng là phải giáo dục cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ, sao cho hướng đến những điều tốt đẹp. Khi con người có ý thức tự giác, ý thức chủ động, tích cực, họ sẽ tự biết cạch loại bỏ những điều xấu.

Phát triển công nghiệp văn hóa từ nền tảng văn hóa Việt Nam
Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2021. (Ảnh: Lê Hải Yến)

Thời gian gần đây, cụm từ “công nghiệp văn hóa” được nhắc đến rất nhiều. Theo ông, cần làm gì để phát triển công nghiệp văn hóa?

Để phát triển công nghiệp văn hóa, chúng ta cần xây dựng nền tảng từ văn hóa Việt Nam, đồng thời học tập bài học thành công của các nước bạn. Gần nhất, ta có thể thấy Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, công nghiệp văn hóa của họ đi vào truyền thông, điện ảnh, âm nhạc, phát thanh, truyền hình, xuất bản, mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc, thời trang, thiết kế đồ họa, phần mềm và các trò chơi trực tuyến, triển lãm, du lịch văn hóa…; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

nước ta, chúng ta cũng đang có những dấu hiệu phát triển văn hóa tích cực, có độ lan tỏa cao. Cách đây mấy năm, Hoàng Thùy Linh có bài hát múa Để mị nói cho mà nghe, rất cuốn hút, gần đây lại có See tình, gây sốt ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Những hiện tượng như vậy, theo tôi, nhà nước có thể có chính sách ủng hộ, từ đó, quảng bá được nghệ thuật nước nhà, đem lại kinh tế cho cả nghệ sĩ và đất nước. Đây có thể là bước đầu cho công nghiệp âm nhạc, giải trí, nghệ thuật của Việt Nam.

Ngoài ra, tôi thấy điện ảnh cũng có thể phát triển thành một ngành công nghiệp, không những đem lại hiệu quả kinh tế mà còn quảng bá được văn hóa Việt Nam ra quốc tế một cách ấn tượng.

Rồi cả xuất bản, những cuốn sách tốt cần được dịch và bán ra nước ngoài, câu chuyện hay có thể chuyển thể thành kịch bản điện ảnh, từ đó, quảng bá được văn học Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng. Chúng ta cần tạo điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước, từ đó từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam./.

Trân trọng cảm ơn ông!