ISSN-2815-5823

Phát triển giao thông xanh gắn liền với xây dựng kinh tế xanh

(KDPT) - Phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội là chủ trương của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống giao thông xanh mang ý nghĩa quan trọng

Tại tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và Giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư" diễn ra sáng 21/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, phát triển kinh tế xanh đã được Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam từ khoá XI đặt vấn đề chính thức tại Nghị quyết số 24 ngày 13/6/2013 về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, yêu cầu thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, nông thôn xanh.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Báo Giao thông)
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Báo Giao thông)

Trong đó yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, đổi mới công cụ kinh tế, tiếp cận thị trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng nhấn mạnh, phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh. Đại hội Đảng lần thứ XI, XII và XIII đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông thích ứng với biến đổi khi hậu là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 ngày 2/7/2022 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của ngành GTVT, với mục tiêu phát triển hệ thống GTVT xanh, nhằm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chương trình hành động đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho 5 chuyên ngành GTVT quốc gia và giao thông đô thị, bao gồm: phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hoá, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh.

Các giải pháp trọng tâm để khắc phục những điểm yếu còn tồn tại

Tại hội thảo, ông Lưu Quang Thìn, Vụ phó Vụ KHĐT, Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đã có những phát triển đáng ghi nhận với hơn 24.300km quốc lộ, 2.000km đường bộ cao tốc, 6.800km đường thủy nội địa, 2.640 đường sắt quốc gia, 298 bến cảng, 22 cảng hàng không và nhiều công trình quan trọng, quy mô lớn được đầu tư.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như sự mất cân đối giữa các dự án hạ tầng, chủ yếu tập trung cho lĩnh vực đường bộ, tiếp đến là hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa.

Hệ thống đường sắt mặc dù là phương thức có nhiều ưu điểm nhưng chưa được ưu tiên đầu tư, còn lạc hậu; đường sắt đô thị triển khai chậm nên chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn; chưa phát huy tiềm năng của đường thủy nội địa trong các khu vực có lợi thế.

Với vận tải đường bộ: đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế có nhu cầu vận tải hàng hóa lớn, kết hợp đầu tư đồng bộ với hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên các tuyến cao tốc để hỗ trợ chuyển đổi phương tiện đường bộ.

Với hàng không: ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TP.HCM; từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu; kêu gọi đầu tư đầu tư các cảng hàng không mới… với tổng mức đầu tư theo ước tính của quy hoạch đến năm 2030 vào khoảng 17,1 tỷ USD; đến năm 2050 vào khoảng 21,06 tỷ USD.

Ước tính theo quy hoạch, tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 vào khoảng 24,8 tỷ USD; đến năm 2050 vào khoảng 33,64 tỷ USD, ông Lưu Quang Thìn nhấn mạnh.

Với việc sử dụng năng lượng điện, đầu tư vào lĩnh vực đường sắt là một trong các giải pháp tối ưu chuyển đổi phương thức vận tải trong bối cảnh Việt Nam đang ưu tiên phát triển nền kinh tế carbon thấp, đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Về cơ chế chính sách, quy hoạch: tiếp tục rà soát, sửa đổi hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan, rà soát, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, môi trường đầu tư; xây dựng cơ chế để tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư, tiếp tục rà soát các quy hoạch để định hướng đầu tư gắn với mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon.

3 kịch bản và 4 giải pháp để phát thải ròng bằng "0" tại Việt Nam

GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, theo số liệu năm 2021, tiêu thụ năng lượng trong ngành GTVT đứng vị trí thứ 2 (16,5%), chỉ xếp sau công nghiệp (51,4%). Hơn 95% nhu cầu năng lượng của ngành GTVT phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Năm 2020, lượng khí nhà kính (KNK) phát thải từ hệ thống năng lượng đạt xấp xỉ 300 Mt CO2eq, riêng GTVT chiếm 18% toàn ngành năng lượng, tương đương 45,5 Mt CO2eq.

Mục tiêu đặt ra là xây dựng kịch bản giảm nhẹ phát thải KNK trong GTVT đến năm 2050 theo hướng phát thải ròng về 0, áp dụng cho 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển ven bờ và hàng không.

Có 3 kịch bản được đưa ra, gồm kịch bản BAU (phát triển GTVT theo hướng phát thải thông thường), kịch bản quốc gia tự thực hiện (kịch bản NLTN - giảm phát thải bằng nguồn lực trong nước) và kịch bản hướng tới phát thải ròng bằng 0 (kịch bản PTR0 - có sự hỗ trợ của quốc tế).

Các kịch bản này sử dụng 4 giải pháp chính gồm: sử dụng năng lượng hiệu quả, chuyển đổi phương tiện cá nhân sang công cộng, chuyển đổi vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, chuyển đổi nhiên liệu/năng lượng, ông Tuấn cho biết.

Để thực hiện các kịch bản này, cần có công tác quản lý nhà nước, phối hợp liên ngành; cơ chế huy động nguồn lực và phân bổ vốn đầu tư; phát triển khoa học công nghệ, kịp thời đáp ứng chuyển đổi xanh trong lĩnh vực GTVT; đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với chuyển đổi năng lượng xanh trong GTVT; quan hệ hợp tác quốc tế; cơ chế giám sát thực hiện; cũng như truyền thông nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng, GS. Lê Anh Tuấn nhấn mạnh./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024