ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ ba, 11h26 28/11/2023

Đẩy mạnh sử dụng phương tiện "sạch" hướng tới phát triển giao thông "xanh"

(KDPT) - Phát triển giao thông xanh đang là xu thế tất yếu ở các đô thị trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, để hướng tới giao thông "xanh", cần ưu tiên phát triển nguồn năng lượng sạch. Thúc đẩy sử dụng các phương tiện công cộng mang năng lượng xanh như xe buýt điện hay sử dụng xe điện là một trong những giải pháp quan trọng.

Việt Nam ưu tiên sử dụng năng lượng sạch

Việt Nam là quốc gia có lợi thế để phát triển nguồn năng lượng sạch thông qua hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Việc phát triển năng lượng sạch cần được ưu tiên phát triển, ngoài phục vụ mọi mặt đời sống, sản xuất, nó cũng là tiền đề quan trọng để hướng tới giao thông "xanh".

Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc khuyến khích và hỗ trợ về giá cả trong sản xuất năng lượng sạch đã giúp nước ta có tốc độ phát triển nguồn năng lượng điện từ gió và mặt trời nhanh hơn so với các nước trong khu vực.

Việc sử dụng năng lượng sạch trong phát triển kinh tế đã và đang trở thành mục tiêu phát triển của quốc gia. Trong ngành giao thông vận tải, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình hành động chuyển đổi năng lượng "xanh", giảm phát thải khí carbon và khí metan. Trong đó, mục tiêu hướng đến việc sử dụng phương tiện giao thông đường bộ hoàn toàn bằng điện năng trở thành vấn đề quan trọng thiết yếu trong tương lai.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi Khí hậu và Môi trường thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, năng lượng là một trong những lĩnh vực ưu tiên của UNDP tại Việt Nam. Theo đó, UNDP nhận thấy việc phát triển giao thông là vấn đề quan trọng trong việc sử dụng năng lượng. Bởi ngành này chiếm đến 1/4 lượng phát thải tại Việt Nam.

Thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông "xanh"

Năng lượng sạch là một trong những vấn đề được ưu tiên phát triển tại Việt Nam. Theo khảo sát từ Ban Biến đổi Khí hậu và Môi trường thuộc UNDP khảo sát tại 5 thành phố trực thuộc trung ương và một số tỉnh khác cho thấy, gần 78% số người được khảo sát mong muốn chuyển đổi phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Phương tiện giao thông công cộng: Sự lựa chọn của tương lai. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 15 năm trở lại đây, các đô thị ở nước ta đều nằm trong nhóm 500 thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm môi trường ở nhiều thành phố, thị xã của Việt Nam là các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu xăng, dầu truyền thống, ít sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường. Do vậy, khí từ các phương tiện giao thông thải ra môi trường mỗi ngày rất lớn, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người. Ở Hà Nội, TP.HCM hay các đô thị lớn của nước ta, số lượng ô tô, xe máy được người dân mua sắm ngày một tăng nên mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng cao.

Để đẩy mạnh việc sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường, trong những năm qua Thủ đô Hà Nội và TP.HCM đã có chủ trương phát triển giao thông xanh. Hà Nội đưa vào vận hành các tuyến xe buýt sử dụng năng lượng xanh, bao gồm xe buýt điện của VinBus và xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch khí nén CNG.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam đã thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng, tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân đi lại và du khách tham quan khu vực trung tâm thành phố.

Xe đạp điện công cộng tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Hạnh)

Tại Hà Nội cũng đang đưa vào vận hành các dự án xe đạp đô thị phục vụ người dân tại các quận trung tâm bao gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan. Tuy nhiên, các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch ở nhiều thành phố của nước ta còn rất khiêm tốn, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng thể các phương tiện giao thông.

Trên thực tế, muốn xây dựng và phát triển giao thông xanh thì phải hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân và phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Cùng với đó là tăng cường các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch và năng lượng tái tạo. Nhà nước và các địa phương cần những chính sách mang tính sáng tạo, đổi mới trong việc vận hành, triển khai các mô hình giao thông xanh, thuyết phục để người dân tự giác chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng nói chung và phương tiện giao thông xanh nói riêng.

Chúng ta cần có hành lang pháp lý đạt quy chuẩn quốc gia về xe buýt điện, đơn giá định mức, định hướng trong công tác quản lý sau này một cách đồng bộ, chặt chẽ. Bên cạnh đó, Nhà nước phải tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho giao thông xanh, nhất là xe điện, tàu điện. Khích lệ xã hội hóa và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để phát triển giao thông xanh.

Để xây dựng và phát triển giao thông xanh, các địa phương cần phải có phương án loại bỏ những phương tiện giao thông không đạt chuẩn, xả thải nhiều khí độc ra môi trường, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các loại xe điện, xe đạp. Tiếp đó là nâng cao hiệu quả phục vụ của các phương tiện giao thông công cộng hiện có để thu hút người dân, từ đó góp phần giảm những phương tiện giao thông cá nhân. Có như vậy, giao thông xanh mới được lan tỏa ra xã hội và trở thành xu thế tất yếu trong sự phát triển của đất nước.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi Khí hậu và Môi trường thuộc UNDP tại Việt Nam, cho biết: "Tín hiệu đáng mừng là chúng ta đang có lợi thế vì trên thế giới giao thông "xanh", giao thông "điện" đang có tốc độ tăng trưởng tốt, tạo thành một lĩnh vực kinh tế mới. Điều này sẽ thúc đẩy Việt Nam phát triển và toàn diện hóa giao thông từ nhiên liệu sạch, giảm thiểu phát thải carbon"./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024