ISSN-2815-5823
ÁNH DƯƠNG
Thứ tư, 09h00 17/05/2023

Phát triển khoa học - công nghệ cần sức mạnh của toàn xã hội

Cover image
(KDPT) - Trong thời đại ngày nay, những bước tiến kỳ diệu và những thành tựu to lớn của khoa học và công nghệ (KH&CN) tác động sâu sắc đến sự phát triển của xã hội. Đối với nước ta, khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ quản lý của Nhà nước và tiềm lực lãnh đạo của Đảng. Trải qua thực tế, vai trò KH&CN trong đời sống xã hội là rất to lớn. Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của KH&CN không chỉ cần sức mạnh của một vài cá nhân hay tổ chức nhất định mà toàn xã hội phải cùng thể hiện trách nhiệm, cùng chung tay phát triển KH&CN.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến lĩnh vực khoa học và công nghệ. Người cho rằng khoa học và kỹ thuật có ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Người không ngừng chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật để phục vụ cho nước nhà. Có thể khẳng định, hiểu và đánh giá đúng về vai trò, sức mạnh của KH&CN và biết cách phát huy tối đa sức mạnh đó trong sự nghiệp cách mạng chính là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (18/5/1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu những quan điểm của mình về khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Người đã thể hiện sự quan tâm của mình đối với vấn đề năng suất lao động và tăng năng suất lao động. Người cho rằng: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

Thiết bị máy bay không người lái được sử dụng trong canh tác nông nghiệp.
Thiết bị máy bay không người lái được sử dụng trong canh tác nông nghiệp.

KH&CN liên kết chặt chẽ với sản xuất, nhất là ở nước nghèo, để phục vụ sản xuất phát triển; đồng thời sản xuất cũng là động lực thúc đẩy KH&CN phát triển. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta, việc xây dựng tiềm lực KH&CN hướng tới hiện đại, làm cho sản xuất phát triển nhanh, tạo điều kiện nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là bảo đảm các yêu cầu cơ bản, xóa đói giảm nghèo. Người khẳng định: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kì quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động.

Liên kết chặt chẽ giữa KH&CN với sản xuất là một điểm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về KH&CN. Ngày nay, trong thế giới hiện đại với sự phát triển chưa từng có của KH&CN làm xuất hiện nền kinh tế tri thức, cùng với xu thế toàn cầu hóa đem lại cho tất cả các nước trên thế giới nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức. Trong điều kiện đó càng phải phát huy cao hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về KH&CN, đặc biệt là quan điểm phối hợp giữa tiếp thu thành tựu KH&CN của thế giới và phát triển công nghệ nội sinh, từ đó từng bước tiến hành một nền KH&CN hiện đại đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế sản xuất định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về phát triển công nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến kế hoạch và sản xuất. Người cho rằng kế hoạch không nên tụt lại sau, nhưng cũng không nên chạy quá nhanh trước sự phát triển của công nghệ. Mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm sao để dân ta thoát khỏi đói nghèo, để nền kinh tế của nước ta theo kịp các nước tiên tiến khác. Muốn như vậy thì chúng ta cần phải tập trung tăng cường và đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực về KH&CN dựa trên một nền kinh tế nông nghiệp ổn định bền vững.

nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu

Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao.

Bên cạnh sự quan tâm và chính sách trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt chú ý đến việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực KH&CN. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng "con người mới" vì đây là động lực quyết định hướng đi lên của xã hội Việt Nam tương lai. Người đòi hỏi phải có chiến lược trồng người như trong câu nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (Bác phát biểu tại Lớp học chính trị của giáo viên cấp 2 và cấp 3 toàn miền Bắc năm 1958). Con người mới vừa là nhân vừa là quả của quá trình đấu tranh xây dựng xã hội mới. Bác Hồ đã từng nói: "Đã là người chủ thì phải biết tự mình lo toan gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ". Con người mới phải có tri thức văn hóa và khoa học, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ dựa trên những phẩm chất đạo đức được tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày.

Nhận thức được vai trò, vị trí hết sức quan trọng của KH&CN, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng ta đã sớm có các định hướng và chỉ đạo đúng đắn về phát triển KH&CN. Quan điểm coi KH&CN là quốc sách hàng đầu.

Được sự quan tâm của Đảng, đầu tư của Nhà nước và sự quyết tâm của cả xã hội, trong những năm qua, ngành KH&CN Việt Nam đã có bước phát triển rõ rệt, có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng đối với phát triển KT-XH của đất nước.

Việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TƯ ngày 7/11/2006 về phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là hết sức có ý nghĩa. Khi mà nhân loại đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên toàn cầu hoá và kinh tế tri thức, kỷ nguyên của công nghệ thông tin trực tuyến mà trong đó KH&CN và tri thức đã trở thành động lực trực tiếp và quan trọng nhất cho phát triển thì những quan điểm của Hồ Chí Minh về KH&CN, tấm gương đạo đức và tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ với đội ngũ trí thức vẫn mãi là kim chỉ nam, là động lực để tạo nên nhiều kỳ tích về KH&CN xây dựng đất nước và hội nhập phát triển.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/05/2024