Hóa giải “thách thức” bảo mật dữ liệu như thế nào khi Fintech “bùng nổ”, số lượng công ty tăng gấp 4 lần?
Tại Việt Nam, Fintech đang tăng trưởng rất nhanh
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện nay cả nước có 52 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động, 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp giấy phép hoạt động cho 51 tổ chức trung gian thanh toán.
Đối với lĩnh vực Fintech, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng (40 đơn vị cung ứng ví điện tử). Và số lượng công ty Fintech đã tăng gấp 4 lần trong thời gian 6 năm, từ con số 39 trong năm 2015 lên 154 vào cuối năm 2021. Đặc biệt, 70% công ty Fintech ở Việt Nam hiện nay là công ty khởi nghiệp.
Theo như đánh giá của Tập đoàn Robocash (năm 2022), tốc độ tăng trưởng của thị trường Fintech tại Việt Nam nhanh thứ hai trong khu vực, chỉ đứng sau Singapore. Dự kiến, thị trường Fintech ở Việt Nam sẽ đạt 18 tỷ USD trong năm 2024.
Cũng theo TS Nguyễn Quốc Hùng, quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng tốc. Và xu hướng ngân hàng hợp tác với Regtech, Suptech, Proptech cũng đã bắt đầu được triển khai. Trong đó thì Regtech được hiểu là ứng dụng công nghệ nhằm mục đích hỗ trợ thực thi pháp lý dành cho các định chế tài chính; Suptech sẽ là những ứng dụng công nghệ để có thể hỗ trợ thực thi pháp lý cho các cơ quan quản lý và giám sát; Proptech được hiểu là ứng dụng công nghệ vào bất động sản.
Không riêng ở Việt Nam mà chuyển đổi số đã và đang trở thành một xu thế tất yếu của ngành tài chính - ngân hàng trên thế giới.
Khảo sát của Công ty kiểm toán quốc tế Pricewaterhouse Coopers (PwC) cho thấy, có 68% ý kiến được hỏi cho rằng động lực thúc đẩy số hoá ngân hàng chính là cải thiện trải nghiệm của khách hàng, có 56% ý kiến cho rằng cần phải tăng hiệu quả hoạt động của các bộ phận từ giao dịch khách hàng, trung gian và nghiệp vụ, giảm chi phí hoạt động; 41% mong muốn sẽ được tiếp cận với khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng (unbanked).
Cũng có 75% ngân hàng được khảo sát cho biết họ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập cũng như đạt được mức tăng trưởng doanh thu cao nhất thông qua số hoá.
Khung pháp lý chưa thể theo kịp sự phát triển của Fintech
Chủ tịch Công ty Luật SBLaw - Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, Chính phủ đang nỗ lực tạo ra môi trường phát triển thuận lợi cho công nghệ tài chính, tuy nhiên thì hiện nay cơ chế pháp lý đối với lĩnh vực này là vẫn chưa đủ, vẫn chưa theo kịp được sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu rõ: “Khung khổ pháp lý cho hoạt động Fintech ở Việt Nam đang dần được hình thành và cải thiện, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được một phần cho các lĩnh vực Fintech trong hoạt động thanh toán, còn chưa thực sự đầy đủ với các hoạt động khác, ví dụ như cho vay ngang hàng”.
Bên cạnh đó, ông Hà cũng cho biết, pháp lý đối với Fintech cũng chưa rõ về bản chất dịch vụ, điều kiện thành lập cũng như hoạt động của công ty Fintech, chưa rõ về cơ chế quản lý và giám sát, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành ở trong vấn đề này.
Cũng theo Luật sư Hà, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ để có thể tạo điều kiện cho phát triển lĩnh vực này, đồng thời cũng xây dựng cơ chế quản lý một cách linh hoạt, đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng cũng như tính tuân thủ của các công ty Fintech. Hơn thế, cần phải hoàn thiện khung khổ pháp lý rõ ràng về sản phẩm, dịch vụ, tiêu chuẩn cũng như mô hình hoạt động, điều kiện thành lập,... của các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech.
Ngoài khung pháp lý, ông Hà cũng khẳng định đối với Fintech thì cần chú trọng xây dựng cũng như áp dụng các quy định về bảo vệ dữ liệu, an ninh mạng cũng như cơ chế giám sát và quản lý đối với các hoạt động Fintech, trong đó cũng cần nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn, năng lực của các cơ quan quản lý, các biện pháp xử lý khi có vi phạm.
Cũng đồng quan điểm, Ths Phí Thị Thu Hương - Học viện Tài chính cho rằng, vẫn còn nhiều người Việt Nam chưa có kiến thức đầy đủ về công nghệ tài chính cũng như cách sử dụng các dịch vụ tài chính trực tuyến. Điều này cũng có thể làm giảm đi sự tin tưởng của họ đối với các dịch vụ này, từ đó gây khó khăn cho việc phát triển Fintech ở Việt Nam.
Bà Hương cho rằng, bảo mật thông tin, an ninh mạng vẫn là một thách thức lớn đối với công nghệ tài chính ở Việt Nam. Chính vì thế cần có các giải pháp bảo mật thông tin cũng như an ninh mạng hiệu quả để có thể đảm bảo được tính bảo mật, đáng tin cậy của các dịch vụ tài chính trực tuyến.
Chuyên gia này cũng đánh giá rủi ro an ninh mạng đang ở mức cao, trong khi nhận thức cũng như giải pháp cho Fintech vẫn còn hạn chế. Dữ liệu về doanh nghiệp đang còn phân tán, khách hàng đối mặt với rủi ro về lộ thông tin cá nhân, mất tiền, bị hack tài khoản,... Chưa kể, nhiều công ty Fintech bị giả mạo đã khiến cho người dùng nhầm lẫn, bị lừa đảo./.
- Động lực từ Fintech
- Cần tiếp cận rộng rãi và tổng thể hơn với Fintech?
- Sự bùng nổ của Fintech và bài toán pháp lý, bảo mật dữ liệu