ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ ba, 10h27 30/04/2024

Việt Nam sắp phóng vệ tinh radar đầu tiên lên quỹ đạo

(KDPT) - Dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau 2025, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh LOTUSat-1, vệ tinh radar đầu tiên lên quỹ đạo.

Vệ tinh LOTUSat-1 là vệ tinh quan sát Trái đất với khả năng chụp ảnh độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm bằng công nghệ cảm biến radar khẩu độ tổng hợp. Vệ tinh có khối lượng khoảng 570kg. Đây là vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam do Nhật Bản chế tạo với sự tham gia của các kỹ sư Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), được khởi động từ năm 2021.

Đóng góp quan trọng cho nền khoa học nước nhà

Dữ liệu ảnh thu nhận từ vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1.
Mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1.

PGS.TS Trần Tuấn Anh- Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nói: "Vệ tinh LOTUSat-1 sắp tới được phóng là hợp tác chặt chẽ với JAXA của Nhật Bản. Thì song song với việc mình hợp tác với họ thì mình cũng tự chủ năng lực của mình, thì thời gian qua Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, đã chế tạo PicoDragon, MicroDragon và NanoDragon- đây là những vệ tinh cỡ nhỏ".

Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm KHCN VN đã trình Chính phủ phê duyệt và giao cho Viện Hàn lâm xây dựng cái lộ trình để chế tạo các chùm vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, để từng bước tự chủ trong công nghệ vũ trụ. PGS.TS Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Vệ tinh LOTUSat-1 dự kiến hoạt động trên Quỹ đạo đồng bộ Mặt trời ở độ cao xấp xỉ 500 km, và có thể phát hiện các vật thể có kích thước từ 1m trên mặt đất. Vệ tinh dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào khoảng tháng 12/2024 đến tháng 3/2025. Thời gian hoạt động của vệ tinh trên quỹ đạo là khoảng hơn 5 năm.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn- Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết: "Dự kiến sớm nhất là cuối tháng 12 năm nay sẽ phóng. Còn theo lịch phóng hiện nay là trong khoảng từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 3 năm sau 2025. Và khi phóng lên thì việc điều kiển vệ tinh này sẽ do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tự chủ, ảnh sẽ được thu nhận, xử lý tại Việt Nam để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng".

Để chuẩn bị cho việc khai thác vệ tinh sau khi phóng lên quỹ đạo, dự kiến tháng 9/2024, toàn bộ hệ thống mặt đất phục vụ cho vận hành vệ tinh sẽ được hoàn thiện tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ở Hòa Lạc (Hà Nội) để sẵn sàng đón nhận tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng cho biết, sau LOTUSat-1, Việt Nam sẽ phát triển và chế tạo vệ tinh LOTUSat-2. Việc thiết kế, chế tạo sẽ diễn ra ở Việt Nam, do đội ngũ kỹ sư người Việt thực hiện, đánh dấu bước ngoặt trong khả năng làm chủ công nghệ vũ trụ. Sau LOTUSat-2, Việt Nam có thể vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công nghệ vệ tinh.

Nỗ lực phát triển ứng dụng công nghệ vũ trụ

Tại Việt Nam, từ năm 2006, Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã định hướng cho quá trình phát triển công nghệ vũ trụ ở nước ta.

Tiếp đó, ngày 4/2/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển và ứng dụng KHCN vũ trụ đến năm 2030, mở đường cho sự phát triển về KHCN vũ trụ trong giai đoạn mới.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ứng dụng rộng rãi thành tựu của KHCN vũ trụ; phấn đấu làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, radar cho vệ tinh quan sát trái đất và phát triển thị trường, hỗ trợ khởi nghiệp dần hình thành nền công nghiệp vũ trụ của Việt Nam.

Thời gian qua, ngành vũ trụ Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định như: Phóng 2 vệ tinh viễn thông VINASAT, 1 vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat và tự phát triển 3 vệ tinh nhỏ (PicoDragon, NanoDragon và MicroDragon).

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, công nghệ vũ trụ là lĩnh vực công nghệ cao được đánh giá là "biểu tượng sức mạnh công nghệ và khả năng cạnh tranh công nghệ cao" của mỗi quốc gia trên thế giới.

Trong tương lai, Việt Nam cần chủ động về công nghệ vũ trụ, đặc biệt là công nghệ vệ tinh, từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, chủ động chế tạo, phát triển những thiết bị chính trong vệ tinh giúp làm chủ "tai mắt" của chúng ta trên quỹ đạo./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/05/2024