ISSN-2815-5823
Nguyễn Khánh Linh - Đại học California, Los Angeles
Thứ năm, 06h00 13/02/2025

Phát triển thị trường tín chỉ xe điện nhằm điện khí hóa giao thông ở Việt Nam

(KDPT) - Tối 10/2/2025, Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới và sáng 11/2 Hà Nội đứng thứ hai toàn cầu. Trước đó, vào ngày 3/1, AQI Hà Nội đạt 284, có nơi lên đến 557, nguy hiểm đối với sức khỏe. TP.HCM cũng ghi nhận AQI cao vào ngày 24/1, đứng thứ hai toàn cầu.

Ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm và làm trầm trọng thêm các bệnh hô hấp, tim mạch, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ em. PM2.5 là thủ phạm chính, làm nặng thêm bệnh hen suyễn, ung thư, và đột quỵ. Năm 2023, chỉ có 9% thành phố đạt chuẩn PM2.5 của WHO. Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu có thể được giải quyết đồng thời, mang lại cơ hội cải thiện môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Việt Nam cần kiểm soát phát thải, phát triển xe điện qua tín chỉ xe điện, mở rộng không gian xanh và nâng cao nhận thức cộng đồng về ô nhiễm không khí.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

1. Kinh nghiệm phát triển thị trường tín chỉ xe điện trên thế giới  

Ngày 24/1, Bangkok đóng cửa 352 trường học do ô nhiễm không khí nghiêm trọng, với chỉ số PM2.5 lên tới 108 µg/m³, cao hơn nhiều so với khuyến nghị của WHO (15 µg/m³). Thủ tướng Thái Lan miễn phí giao thông công cộng từ 25-31/1/2025, phân bổ 140 triệu baht và triển khai 8 trạm kiểm soát khí thải để giảm ô nhiễm. Chính phủ Thái Lan thúc đẩy điện khí hóa giao thông, hỗ trợ 2.000-4.300 USD cho người mua ô tô điện và 520 USD cho xe máy điện. 

Các nhà máy sản xuất pin EV được trợ cấp 12-23 USD/kWh. Nhà máy có quy mô lớn hơn 8 GWh được hỗ trợ 17-23 USD mỗi kWh. Chương trình Giảm phát thải tự nguyện (T-VER) giúp phát triển thị trường carbon, trong khi chương trình bù trừ carbon T-COP cho phép doanh nghiệp mua bán tín chỉ carbon.

Thái Lan và Thụy Sĩ hợp tác theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris, với Quỹ KliK hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm phát thải. Chương trình xe buýt điện Bangkok đã phát hành 1.916 ITMOs đầu tiên, thu hút đầu tư tư nhân nhờ tín chỉ carbon, giúp nâng IRR từ 1,33% lên 9,3%. Thành công này đặt nền tảng cho các dự án khí hậu tiếp theo của Thái Lan.

Tesla thu về 2,76 tỷ USD từ bán tín chỉ carbon năm 2024, tăng 54% so với 1,78 tỷ USD năm 2023. Năm 2022, doanh thu đạt 1,78 tỷ USD, trong khi năm 2020 là 1,58 tỷ USD. Từ 2018, Tesla đã bán tổng cộng 419 triệu USD tín chỉ carbon. Chrysler đã mua tổng cộng 2,4 tỷ USD tín chỉ, đóng góp đáng kể vào doanh thu Tesla.

Mỹ triển khai tín chỉ xe điện và tiêu chuẩn phát thải CO₂ để giảm khí nhà kính. Chương trình EPA yêu cầu các hãng ô tô cắt giảm CO₂ từ xe mới, áp dụng cho xe con, xe tải nhẹ và xe vận tải nặng. Từ 2012-2025, EPA đặt mục tiêu giảm phát thải CO₂ từ 250g/mile xuống dưới 140g/mile cho xe con. Các hãng phải tuân thủ hoặc mua tín chỉ phát thải để bù đắp, thúc đẩy xe điện và công nghệ sạch.

Chương trình CAFE yêu cầu mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình tối thiểu nhằm giảm phát thải CO₂. Mục tiêu 2025 là 54,5 mpg cho xe con và 37 mpg cho xe tải nhẹ. Để đáp ứng, các hãng xe cải tiến động cơ, khí động học, phát triển xe hybrid, xe điện và nhiên liệu thay thế. CAFE giúp ngành ô tô giảm phụ thuộc dầu mỏ, đầu tư vào công nghệ sạch và tăng cạnh tranh.

California triển khai chương trình tín chỉ xe điện thông qua Chương trình CARB và ZEV nhằm giảm phát thải CO₂ và thúc đẩy phương tiện không phát thải (Zero Emission Vehicles - ZEV). California Air Resources Board (CARB) yêu cầu các nhà sản xuất ô tô giảm khí nhà kính từ xe mới và tăng tỷ lệ ZEV trong đội xe, bao gồm xe điện thuần (BEV), xe plug-in hybrid (PHEV) và xe chạy bằng pin nhiên liệu (FCEV).

CARB đặt mục tiêu nâng tỷ lệ ZEV từ 8% vào năm 2022 lên 35% vào năm 2026, tiến tới 100% vào năm 2035. Các nhà sản xuất đạt mục tiêu sẽ nhận được tín chỉ ZEV, trong khi những hãng không đáp ứng có thể mua tín chỉ từ các công ty khác. Giá trị tín chỉ dao động từ 2.000 USD đến 6.000 USD, mang lại cơ hội tài chính cho các hãng xe vượt chỉ tiêu. Chương trình này không chỉ giúp giảm ô nhiễm mà còn thúc đẩy phát triển công nghệ xe sạch, giảm tác động của ngành ô tô đối với biến đổi khí hậu.

Tín chỉ Xe Không Phát Thải (ZEV) ở California và các bang theo Điều 177 của Đạo luật Không khí Sạch mang lại cơ hội lớn cho các hãng xe điện khi cho phép tạo ra nguồn doanh thu bổ sung từ việc bán tín chỉ. California và 17 bang khác tại Mỹ áp dụng tiêu chuẩn ZEV theo Điều 177 của Đạo luật Không khí Sạch (Clean Air Act), yêu cầu các nhà sản xuất ô tô đảm bảo một tỷ lệ nhất định xe bán ra là xe không phát thải.

Mỗi chiếc xe điện (EV) được bán tại các bang này sẽ tạo ra tín chỉ ZEV, giúp các hãng xe chưa đạt tỷ lệ ZEV bắt buộc có thể mua tín chỉ để tuân thủ quy định. Giá trị mỗi tín chỉ ZEV dao động từ 2.000 đến 6.000 USD, mang lại lợi ích tài chính đáng kể cho các hãng sản xuất xe điện, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe không phát thải tại Mỹ.

Chương trình Xe Không Phát Thải (ZEV) do California Air Resources Board (CARB) yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải đảm bảo một tỷ lệ nhất định xe không phát thải (ZEV) trong đội xe của mình, với mục tiêu đạt 35% vào năm 2026 và 100% vào năm 2035. Tỷ lệ này được tính thông qua hệ thống tín chỉ ZEV, trong đó mỗi loại xe ZEV nhận số lượng tín chỉ khác nhau: xe thuần điện (BEV) nhận từ 1 đến 4 tín chỉ, xe plug-in hybrid (PHEV) nhận từ 0,4 đến 1 tín chỉ, và xe chạy bằng pin nhiên liệu (FCEV) có thể nhận tối đa 4 tín chỉ.

Các nhà sản xuất ô tô cần đảm bảo từ 7% đến 22% tổng lượng xe bán ra mỗi năm phải được quy đổi thành tín chỉ ZEV, nếu không họ phải mua tín chỉ từ các hãng khác. Chương trình này không chỉ giúp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ xe điện mà còn tạo cơ hội doanh thu bổ sung cho các công ty bán xe điện, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải và phát triển phương tiện giao thông sạch.

Tín chỉ xe điện thông qua Federal FTP (Federal Test Procedure) là quy trình kiểm tra do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) thực hiện để đánh giá hiệu suất nhiên liệu và phát thải khí của phương tiện giao thông. Quá trình thử nghiệm gồm hai bài kiểm tra chính: FTP-75, đo lượng khí thải khi xe di chuyển trong thành phố với các pha dừng và tăng tốc ngắn, và Highway Fuel Economy Test (HWFET), đánh giá mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí khi xe chạy trên đường cao tốc.

Kết quả từ Federal FTP giúp EPA xác định mức độ tuân thủ của phương tiện với các quy định về khí thải và tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời cấp chứng nhận cho các phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn của chính phủ Hoa Kỳ. Đối với xe điện (EV), quy trình này còn đánh giá hiệu suất năng lượng và quãng đường di chuyển sau mỗi lần sạc đầy, góp phần vào việc xác định mức tín chỉ phát thải mà xe điện có thể tạo ra trong các chương trình giảm phát thải của liên bang.

Giá tín chỉ carbon xe điện sẽ được xây dựng theo đặc thù của ngành, với mục tiêu chính là giảm lượng khí thải CO₂ từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe ô tô và xe thương mại. Giá tín chỉ này chủ yếu xác định theo lượng khí thải đo lường tại ống xả của từng loại xe, mức trao đổi tín chỉ giữa các hãng xe để đạt được mục tiêu giảm phát thải chung, và mức phạt tuân thủ cho những doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu phát thải. Tại Liên minh Châu Âu (EU), Quy định (EU) 2019/631 của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng đã thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất phát thải CO₂ cho xe ô tô chở khách mới và xe thương mại hạng nhẹ mới, với mục tiêu cụ thể là giảm lượng khí thải CO₂ toàn đội xe của các nhà sản xuất ô tô xuống còn 95 g CO₂/km từ ngày 1/1/2020.

Các tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho lượng khí thải trung bình của các loại xe thương mại hạng nhẹ mới, yêu cầu giảm xuống còn 147 g CO₂/km từ cùng thời điểm. Một điểm đặc biệt là các xe ô tô có lượng khí thải CO₂ dưới 50 g CO₂/km sẽ được tính là "siêu tín chỉ", có nghĩa là mỗi xe ô tô này sẽ được tính là 2 xe vào năm 2020, 1.67 xe vào năm 2021, và 1.33 xe vào năm 2022, trước khi trở lại là 1 xe vào năm 2023. Nếu lượng khí thải CO₂ của nhà sản xuất vượt quá mục tiêu đặt ra, họ sẽ phải chịu mức phí phát thải vượt mức, được tính bằng công thức (Lượng khí thải vượt mức × 95 EUR) × số xe mới đăng ký.

Bên cạnh đó, đối với xe tải và xe buýt, EU yêu cầu phải giảm phát thải 45% trước năm 2030, 65% trước năm 2035, và 90% trước năm 2040. Mức phạt tài chính đối với việc không tuân thủ mục tiêu CO₂ có thể lên đến 4.250 euro cho mỗi gCO₂/tkm (tấn-kilômét), bắt đầu từ năm 2025. Những quy định này không chỉ thúc đẩy việc phát triển các phương tiện giao thông sạch hơn mà còn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xe điện để giảm thiểu phát thải và đạt được lợi ích từ thị trường tín chỉ carbon.

2. Giải pháp phát triển thị trường tín chỉ xe điện để điện khí hóa giao thông ở Việt Nam

Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý và chính sách hỗ trợ để phát triển thị trường tín chỉ xe điện. Chính phủ cần ban hành các quy định yêu cầu các hãng sản xuất và nhập khẩu ô tô đạt tỷ lệ nhất định về xe không phát thải. Điều này sẽ thúc đẩy ngành sản xuất xe điện phát triển và giảm thiểu lượng xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch, từ đó giảm phát thải khí CO₂. Áp dụng các tiêu chuẩn phát thải CO₂ bắt buộc đối với các doanh nghiệp, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn phải mua tín chỉ để bù đắp lượng phát thải vượt mức cho phép.

Việc xây dựng hệ thống tín chỉ xe điện sẽ tạo ra cơ chế giao dịch giữa các doanh nghiệp sản xuất xe điện và các đơn vị chưa đạt chỉ tiêu phát thải, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia và phát triển thị trường này. Khuyến khích hợp tác quốc tế theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris sẽ thu hút các nguồn đầu tư cho xe điện, giúp Việt Nam triển khai các dự án xe điện một cách hiệu quả và bền vững.

Yếu tố quan trọng để phát triển thị trường tín chỉ xe điện là hỗ trợ tài chính và khuyến khích đầu tư. Chính phủ có thể cung cấp các trợ cấp từ 2.000-4.000 USD cho mỗi ô tô điện và 500-1.000 USD cho xe máy điện. Các khoản trợ cấp này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí ban đầu cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, khuyến khích họ chuyển sang sử dụng xe điện. Chính phủ cũng cần hỗ trợ 10-20 USD/kWh cho sản xuất pin EV và khuyến khích đầu tư vào các nhà máy sản xuất pin quy mô lớn.

Điều này sẽ giúp giảm giá thành pin, tạo điều kiện cho việc sản xuất xe điện với chi phí hợp lý. Chính sách miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu đối với xe điện sẽ là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất xe điện. Các ưu đãi tài chính như vay vốn lãi suất thấp, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất xe điện sẽ là những hỗ trợ thiết thực để doanh nghiệp phát triển sản xuất xe điện trong nước.

Phát triển hạ tầng là một yếu tố then chốt để thị trường xe điện có thể phát triển mạnh mẽ. Chính phủ cần đầu tư mở rộng mạng lưới trạm sạc điện quốc gia, đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào việc phát triển hệ thống trạm sạc điện. Mạng lưới trạm sạc này sẽ đảm bảo sự tiện lợi cho người sử dụng xe điện, giúp họ dễ dàng tìm kiếm điểm sạc và gia tăng sự tin tưởng vào việc sử dụng xe điện.

Mở rộng mảng xanh đô thị và kết hợp với phát triển xe điện sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính phủ cần nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của xe điện và thị trường tín chỉ thông qua các chiến dịch truyền thông, giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, sạch.

Kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy thương mại tín chỉ carbon để thúc đẩy thương mại tín chỉ xe điện. Giải pháp quan trọng là xây dựng sàn giao dịch tín chỉ xe điện, tương tự như thị trường tín chỉ carbon quốc tế. Sàn giao dịch này sẽ tạo ra một kênh thông suốt để các doanh nghiệp có thể mua bán tín chỉ, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc giảm thiểu phát thải.

Việc kết nối doanh nghiệp sản xuất xe điện với các công ty phát thải cao sẽ giúp thúc đẩy giao dịch tín chỉ, tạo ra cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất và kinh doanh của mình theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải cũng nên được khuyến khích đầu tư vào xe điện, giúp họ không chỉ giảm thiểu phát thải mà còn có thể hưởng lợi từ các tín chỉ carbon.

Phát triển thị trường tín chỉ xe điện tại Việt Nam là một giải pháp quan trọng để đẩy nhanh quá trình điện khí hóa giao thông, giảm ô nhiễm không khí và hướng tới phát triển bền vững. Với việc xây dựng khung pháp lý và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, khuyến khích đầu tư vào sản xuất và hạ tầng, cùng với việc thúc đẩy thương mại tín chỉ carbon, Việt Nam có thể tạo ra một môi trường thuận lợi để phát triển xe điện và thị trường tín chỉ này. Học hỏi từ các mô hình thành công của thế giới sẽ giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống giao thông xanh, hiện đại và bền vững trong tương lai.

Xếp hạng trực tiếp thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới

Nguồn: IQAir 19:30 ngày 10/02/2025.
Nguồn: IQAir 19:30 ngày 10/02/2025.
Phát triển thị trường tín chỉ xe điện nhằm điện khí hóa giao thông ở Việt Nam - ảnh 3
Nguồn: IQAir 10:01 ngày 11/02/2025.
Nguồn: IQAir 10:01 ngày 11/02/2025.


Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/03/2025